Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Doanh nhân Nhật tố một thương hiệu nước sát khuẩn ở Việt Nam đang lừa dối

Theo Lao Động Theo dõi Saostar trên google news

Cuối tháng 2/2020, ông Nishijima Kosuke từ Tokyo, Nhật Bản sang Việt Nam tìm gặp PV Báo Lao Động để cung cấp thông tin về một thương hiệu nước sát khuẩn đang bán khá chạy trên thị trường. Theo ông Nishijima, người tiêu dùng Việt Nam đang bị lừa dối vì chất lượng sản phẩm không đúng như quảng cáo.

Hợp tác bất thành

Tại buổi làm việc với PV Báo Lao Động, ông Nishijima cung cấp các giấy tờ liên quan đến công ty TNHH Japan Ecologia (đăng ký thành lập tại Nhật Bản) cùng 2 hoạt chất do công ty này nghiên cứu và sở hữu là BV4 và EAIFIX.

Theo đó, ông Nishijima nguyên là Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành công ty Japan Ecologia. Còn 2 hoạt chất BV4 và EAIFIX đã được chứng minh trong phòng thí nghiệm là có khả năng diệt được các loại virus nguy hiểm…

Chứng nhận thương hiệu Japan Ecologia do ông Nishijima làm chủ.

Thông qua phiên dịch, ông Nishijima kể: Năm 2009, ông sang Việt Nam tìm đối tác để pha chế, đóng chai các loại dung dịch tẩy rửa có khả năng diệt vi khuẩn, virus để xuất sang thị trường Nhật Bản. Tại đây, ông gặp gỡ và ký kết hợp đồng với bà Nguyễn Thị Đông là Giám đốc Công ty Hoa Lan ở KCN Vĩnh Khúc, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.

Theo lời ông Nishijima, thời điểm đó, hệ thống nhà xưởng của Công ty Hoa Lan còn rất sơ sài. Vì thế để đẩy nhanh tiến trình sản xuất, ngoài việc cung cấp hầu hết các nguyên liệu cần thiết, bên phía Ecologia còn đồng ý ứng trước 50% giá trị hợp đồng để bên Hoa Lan mua sắm máy móc, tu sửa nhà xưởng. Vậy nhưng cách Hoa Lan thực hiện hợp đồng khiến ông rất thất vọng.

Vị khách đến từ Nhật Bản nhớ lại: “Chúng tôi có hoạt chất. Việc của của đối tác chỉ là pha với nước và cồn theo tỉ lệ nhất định rồi đem đóng chai. Nhưng họ cũng không làm được. Ngay lô đầu tiên sau khi sang Nhật thì phát hiện bị đóng cặn. Có thể họ đã tráo các nguyên liệu kém chất lượng vào. Khách hàng phàn nàn rất nhiều nên chúng tôi buộc phải hủy lưu hành, gửi trả. Phía Hoa Lan xin lỗi và hứa sửa chữa.

Sau đó tôi không còn tin họ nhiều nữa. Một lần, tôi bất ngờ vào kiểm tra nhà xưởng thì phát hiện các công nhân đang đổ thành phẩm bị hỏng lần thứ nhất và thùng để tái sản xuất. Tôi quyết định cắt toàn bộ hợp đồng, chấm dứt hợp tác chỉ sau 6 tháng”.

Vấn đề ở chỗ toàn bộ nguyên liệu đã cung cấp để pha chế đã bị Công ty Hoa Lan tìm cách trì hoãn không trả lại. Phần vì mải tập trung sản xuất với đối tác mới, phần vì ngại va chạm nơi đất khách quê người, vị doanh nhân đến từ Nhật Bản quyết định bỏ qua, coi như vướng phải thương vụ đen đủi mất cả chì lẫn chài.

Quyết định lên tiếng

Và rồi gần đây xảy ra sự kiện dịch COVID-19, qua các kênh thông tin, ông tình cờ phát hiện Công ty Hoa Lan đang chào bán ra thị trường một số lượng lớn các sản phẩm như nước rửa tay khô thương hiệu Ochi, ghi rất rõ trên bao bì là: Sản xuất và xuất khẩu sang Nhật Bản theo li-xăng của Japan Ecologia Co., Ltd.

Mặc dù không còn nằm trong ban điều hành công ty, nhưng điều này vẫn khiến ông bức xúc và “không thể tưởng tượng được”.

Nước rửa tay Ochi được sử dụng tại một khu nhà chung cư ở Hà Nội.

Ông Nishijima Kosuke khẳng định: Ecologia đã cắt hợp đồng và không còn liên quan tới Hoa Lan từ rất lâu. Do đó, các sản phẩm như nước rửa tay, nước sát khuẩn của Hoa Lan quảng cáo được sản xuất theo li-xăng của Ecologia là sai sự thật.

Bên cạnh đó, các hoạt chất BV4 và EAIFIX nếu bảo quản theo điều kiện thông thường chỉ khoảng sau 1 năm là hoàn toàn không còn tác dụng diệt virus nữa. Các sản phẩm của Hoa Lan dù có cố tình pha vào cũng không còn tác dụng.

“Tôi đã từng viết thư cảnh cáo bà Đông, nhưng bà ấy dường như không quan tâm và vẫn tiếp tục hành động lừa dối người tiêu dùng. Tôi muốn các cơ quan chức năng Việt Nam cần sớm làm rõ việc này” - vị doanh nhân Nhật Bản nói.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, bà Nguyễn Thị Đông - Tổng Giám đốc công ty Hoa Lan thừa nhận có việc bà in lên bao bì sản phẩm tên của công ty Ecologia kèm dòng chữ “xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản”. Bà Đông nhận thức được đó là hành vi sai và thanh minh rằng mới chỉ bán được vài chục chai. Khi bị ý kiến, bà đã thay mới nhãn hàng.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Theo Lao Động

Được quan tâm

Tin mới nhất