Nhiều ngày qua, lực lượng CSGT phải đứng ra phân luồng ở khu vực đường Tố Hữu, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội để tránh tình trạng ùn tắc đồng thời xử lý nhiều phương tiện đi ngược chiều. Cảnh đoàn hàng trăm người nối đuôi nhau dắt xe đi ngược chiều lên vỉa hè đã không còn xa lạ. Sở dĩ nhiều người dân có thói quen này vì họ tránh đoạn đường tắc để đi làm. Hễ thấy CSGT không ai bảo nhau, tự xuống xe dắt bộ qua mặt CSGT.
Về vấn đề này, lãnh đạo Đội CSGT số 7 (Công an TP Hà Nội) cho hay, đoạn đường Tố Hữu hay xảy ra tắc đường nên nhiều người tham gia giao thông thường xuyên đi ngược chiều ở vỉa hè làn ngược lại để vào ngõ 19 đường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) dù biết vi phạm luật giao thông. Khi thấy lực lượng CSGT phân luồng xử lý, người dân không chạy xe máy mà xuống xe dắt bộ để tránh việc bị xử phạt.
Theo lãnh đạo Đội CSGT số 7, hành vi đi bộ trên vỉa hè dắt theo xe không có chế tài xử phạt nên lực lượng CSGT chỉ nhắc nhở người dân lưu thông không gây cản trở giao thông”, lãnh đạo Đội CSGT số 7 nói.
Trao đổi với chúng tôi, luật sư Nguyễn Anh Thơm, Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, căn cứ khoản 1 Điều 9 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã quy định, người tham gia giao thông phải đi về bên phải theo chiều đi của mình, đi đúng làn đường, phần đường quy định và phải chấp hành hệ thống đèn, biển báo hiệu đường bộ.
Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định về mức xử phạt vi phạm giao thông đường bộ và đường sắt, tại Khoản 4 của Điều 6, xử phạt người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy từ 300.000 - 400.000 đồng khi thực hiện hành vi vi phạm sau đây: “Điều khiển xe không đi bên phải theo chiều đi; đi không đúng phần đường, làn đường đã quy định hoặc điều khiển xe đi trên vỉa hè, trừ trường hợp như điều khiển xe đi qua hè phố để vào trong nhà”.
Luật sư Thơm cho rằng, có thể đây là một hình thức chống đối của người vi phạm đối với CSGT. Để có thể xử phạt, CSGT phải chứng minh được lái xe vi phạm khi đang tham gia giao thông như không đội mũ bảo hiểm, đi vào đường ngược chiều… Nếu người vi phạm không thừa nhận, CSGT có thể chứng minh bằng camera hình ảnh, người làm chứng,…
“Nếu không chứng minh được lái xe vi phạm, CSGT không thể xử phạt. Trong trường hợp này, họ đang dắt xe chứ không điều khiển xe tham gia giao thông. Tuy nhiên, nếu dắt xe mà gây cản trở giao thông (ví dụ dắt ra giữa đường chẳng hạn) thì tùy tính chất, mức độ của hành vi CSGT sẽ nhắc nhở, tuyên truyền hoặc có thể xử phạt”, luật sư Thơm nói.
Luật sư Thơm cũng nêu rõ, trong vụ việc này các cơ quan chức năng cần thiết xem xét lại việc tổ chức giao thông, phân luồng để làm sao thuận lợi cho nhu cầu đi lại của nhân dân tránh việc phải đi vòng quay lại, dù đoạn đường đi rất gần…
“Đã có rất nhiều tuyến đường cấm đi ngược chiều nhưng nếu người dân đi ra ngay đầu phố phải đi vòng rất xa. Điển hình như phố Nguyễn Khuyến, quận Đống Đa, Hà Nội đã từng cấm 1 đoạn ngắn đi ngược chiều ra đường Lê Duẩn dẫn tới tình trạng người dân phải dắt bộ xe máy mà họ thường gọi là phố dắt bộ. Sau này, các cơ quan chức năng đã tổ chức phân luồng giao thông lại, cho phép đi 2 chiều”, luật sư Thơm chia sẻ thêm.
Lãnh đạo Đội CSGT số 7 cho biết, việc phân luồng cho người đi ngược chiều vào ngõ 19 đường Trung Văn không khả thi vì 3 lý do: lòng đường Tố Hữu không cho phép; sát vỉa hè đường Tố Hữu có công trình xây dựng rất nguy hiểm; và ngõ 19 đường Trung Văn quá hẹp.
Theo lãnh đạo Đội CSGT số 7, Đội đã tham mưu tới Sở Giao thông vận tải Hà Nội giải pháp trước mắt là lập rào chắn thấp trên vỉa hè đường Tố Hữu ngăn chặn tình trạng người dân dắt xe ngược chiều trên vỉa hè đi vào ngõ 19 Trung Văn. Giải pháp lâu dài là xây dựng cầu vượt đoạn gần Trung Văn - Tố Hữu. Việc làm này nhằm đảm bảo trật tự giao thông và an toàn cho người dân vì sát vỉa hè tuyến đường này có công trình xây dựng.