Từ ngày 1/9, Hồ Gươm trở thành không gian đi bộ với nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật đường phố và sinh hoạt cộng đồng. Tuy nhiên, đây cũng là khu vực được một số người đưa chó cảnh đến để hóng mát, vui chơi, thậm chí là “diễu hành” khiến nhiều người lo sợ trước hiểm họa “thú cưng” sẽ tấn công người.
Mới đây, trên diễn đàn hơn một triệu thành viên đã chia sẻ những hình ảnh hàng trăm người dắt chó diễu hành với tựa đề: “Chuyện từ phố đi bộ Hồ Gươm: Có yêu nhau, đừng quên rọ mõm!” gây tranh cãi. Theo đó, những người chủ chó ăn mặc đẹp, có người thanh lịch, có người duyên dáng. Những con chó đẹp đẽ, được chăm chút kỹ lưỡng, nhưng không có con chó nào mang rọ mõm, không có cả dây dắt.
Những người chủ chó đều cho rằng, chó của họ hiền, không tấn công người. Song đoàn diễu hành đi đến đâu, người già, phụ nữ, trẻ em dạt ra đến đấy. Trong lúc họ diễu hành ở phía bên này Hồ Gươm, thì ở phía kia, một cụ già bị ba con chó cắn đến tóe máu. Chủ nhân của ba chú chó cưng này, một quý bà, đứng nhìn bất lực chẳng có một chút phản ứng nào.
Người dân xung quanh đều sợ hãi. Sự việc chẳng biết sẽ còn tệ đến đâu, nếu không có một công an viên và mấy dân phòng gần đó chạy lại. Kiến trúc sư Thân Hồng Linh, một người chứng kiến, kể lại: “Cụ già được đỡ lên, sợ quá đi thẳng không dám ngoái lại sau”.
Theo như chia sẻ, người ta thấy ở không gian đi bộ hồ Gươm không chỉ có chó Labrador vốn thân thiện hay dòng Fox chuyên chạy lăng xăng, mà còn cả Pitbull, Becgie - giống chó dữ nổi tiếng với hàm răng sắc nhọn.
“Phố đi bộ hồ Gươm khi đi vào hoạt động đã trở thành không gian sinh hoạt, văn hóa nghệ thuật của người dân Thủ đô và du khách. Ở đây không chỉ có các cụ già, mà còn có nhiều trẻ em - những đứa trẻ hiếu động, tò mò và chưa biết câu thành ngữ “mồm chó vó ngựa” có nghĩa gì để mà sợ và tránh xa khỏi nguy cơ đáng tiếc“, người viết chia sẻ.
Hà Nội đang cố gắng mang lại một cảm giác thoải mái cho người dân, từ việc tạo nên không gian công cộng đến nới rộng giờ “giới nghiêm”… Nói một cách công bằng, thì việc dắt chó đi dạo vẫn là một hình ảnh khá đẹp. Nó cổ vũ cho tình yêu động vật, minh họa cho một không gian bình yên, một cuộc sống thư nhàn, no đủ, thậm chí có vẻ gì đó quý tộc, sang trọng nữa.
Tuy nhiên điều đáng nói, chủ nhân của những chú chó này dường như vẫn chưa lường trước được những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra bới chính những chú “thú cưng” hiền lành của mình.
Những hình ảnh và bài viết về chủ đề này hiện đang gây tranh cãi gay gắt trong cộng đồng mạng. Nhiều ý kiến đều cho rằng, việc dắt chó đi dạo ở tuyến phố đi bộ hồ Gươm hay các đường phố khác không có gì sai trái cả, thậm chí còn là hình ảnh đẹp về tình yêu động vật giống như người viết chia sẻ.
Tuy nhiên việc đàn chó “diễu hành” không rọ mõm gây sợ hãi cho người dân thì nên chăng? Ai có thể biết chắc được chó của mình sẽ không tấn công người, nhất là với những người ít có khả năng phòng vệ như người già và trẻ em.
“Mình rất thích chó nhưng nghĩ phải ban hành luật dắt chó ra đường phải có xích cổ, rọ mõm đầy đủ. Đang ở Nhật thấy họ quy định với chó to và dữ bắt buộc phải rọ mõm, còn 100% phải xích. To hay nhỏ cũng không được để chó cưng của mình tới gần người khác, ngoại trừ khi người ta tự tới gần xoa đầu chó“, là ý kiến của độc giả Nguyễn Thế Chiến.
Tài khoản facebook Nguyễn Yến Linh bình luận: “Những con chó cảnh nhỏ thì không sao, nhưng những giống chó to như Pitbull thì đeo rọ mõm là đúng rồi, chả sai đâu. Lần trước thấy con Pitbull cắn chó cảnh nhỏ rồi, pitbull tấn công người cũng nhiều rồi, rọ mõm nó đi là xong có phải tốt hơn không. Lúc nào cũng bảo yêu chó cơ mà chỉ yêu chó nhà mình, chó của người khác thì mặc kệ“.
Còn bạn, bạn có ý kiến như thế nào về vấn đề này? Hãy để lại bình luận cho chúng tôi ở phía dưới bài viết này nhé!
- Nghị định 05/2007/NĐ-CP quy định về phòng, chống bệnh dại ở động vật
Điều 5. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nuôi động vật
1. Tổ chức, cá nhân nuôi động vật (sau đây gọi là chủ vật nuôi) phải tuân thủ các quy định về phòng, chống bệnh dại và hướng dẫn của cơ quanthú y trong việc xử lý ổ dịch theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Nghị định này.
2. Chủ nuôi chó phải thực hiện việc nuôi chó theo quy định tại Điều 6 Nghị định này và chịu mọi chi phí trong trường hợp có chó thả rông bị bắt giữ, kể cả chi phí cho việc nuôi dưỡng và tiêu hủy chó.
3. Chủ vật nuôi có chó, mèo mắc bệnh dại cắn, cào người phải bồi thường vật chất theo quy định của pháp luật.
Điều 6. Nuôi chó
Chủ nuôi chó phải thực hiện các quy định sau đây:
1. Đăng ký việc nuôi chó với Ủy ban nhân dân cấp xã tại các đô thị, nơi đông dân cư.
2. Xích, nhốt hoặc giữ chó; đảm bảo vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng tới người xung quanh. Ở nơi công cộng, nơi đông dân cư, khu đô thị khi đưa chó ra ngoài, phải nhốt, giữ chó trong chuồng, cũi hoặc phải rọ mõm và có người dắt.
3. Nuôi chó tập trung phải đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định số 33/2005/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Thú y; không gây ồn ào, ảnh hưởng xấu tới những người xung quanh.