Mức điểm sàn đã được Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ thông qua.
Khác với năm ngoái, năm nay tất cả thí sinh tốt nghiệp THPT có thể xét tuyển vào cao đẳng mà không cần ngưỡng xét tuyển đầu vào. Điểm sàn sẽ là căn cứ để các đại học đưa ra mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển. Thí sinh bắt đầu nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 1 từ ngày 1 đến 12/8.
Theo thống kê, điểm thi của thí sinh ở cụm đại học, trừ các khối thi D, D1 có điểm trung bình dưới 15, khối C có điểm trung bình xấp xỉ 15. Các khối thi còn lại gồm A, A1 và B đều có điểm trung bình trên 15.
Các môn tự nhiên như Toán, Lý, Hoá, phổ điểm cao hơn năm ngoái. Số thí sinh đạt điểm cao và trung bình cũng nhiều hơn. Riêng môn tiếng Anh điểm thấp nhiều, điểm trung bình khối D thấp hơn năm ngoái.
Các khối A, A1 và B do phổ điểm nhích hơn năm ngoái nên Bộ sẽ tính toán ngưỡng xét tuyển đầu vào trên cơ sở tổng chỉ tiêu khoảng 300.000 (chỉ tiêu đại học các trường đăng ký là hơn 420.000 nhưng có khoảng 100.000 chỉ tiêu xét tuyển học bạ).
Năm 2015 - năm đầu tiên thực hiện kỳ thi THPT Quốc gia, điểm sàn đại học cho tất cả các khối là 15 điểm và điểm sàn cao đẳng là 12.
Năm 2014, ngưỡng điểm tối thiểu tuyển sinh đại học cho khối A, A1, C, D là 13, khối B là 14 điểm. Điểm sàn của bậc cao đẳng thấp hơn điểm sàn bậc đại học 3 điểm, tương ứng theo từng khối.
Lịch xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2016 như sau: