Sắc màu Cuộc Sống

Bình Dương xin chi viện để 'hạ nhiệt' dịch bệnh, quyết tâm trở về trạng thái bình thường mới vào 30/8

Theo Tổng hợp
Chia sẻ

Bình Dương tiếp tục là “điểm nóng” dịch Covid-19 của cả nước khi số ca nhiễm mới tăng trong những ngày qua, đặc biệt là tại bốn đô thị giáp TP.HCM gồm Dĩ An, Thuận An, Thủ Dầu Một và Tân Uyên.

Địa phương đang đối mặt với tình trạng quá tải, rất cần sự chi viện của Bộ Y tế

Theo Tiền Phong, tính đến nay, tỉnh Bình Dương ghi nhận 25.244 ca mắc Covid-19, trong đó có 516 người có diễn biến nặng và 175 người tử vong. Địa phương này thành lập 20 khu điều trị bệnh nhân Covid-19 với 18.000 giường. Ngoài ra, địa phương cũng vừa đưa vào hoạt động 3 bệnh viện dã chiến quy mô hơn 10.000 giường.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh nhận định, dịch bệnh đang phức tạp, số ca mắc sẽ vượt quá 30.000 trong những ngày tới. “Tỉnh đang đối mặt tình trạng quá tải. Trên thực tế bệnh nhân có diễn biến nặng đến nguy kịch ngày càng tăng, tỉnh rất cần tiếp tục có sự chi viện của Bộ Y tế về bác sĩ và trang thiết bị", ông Võ Văn Minh nói.

Bình Dương xin chi viện để 'hạ nhiệt' dịch bệnh, quyết tâm trở về trạng thái bình thường mới vào 30/8 Ảnh 1
Bệnh nhân Covid-19 trong Bệnh viện dã chiến số 1 tỉnh Bình Dương tại thành phố mới. Ảnh: TTO

Theo Tuổi Trẻ Online, trước tình hình nói trên, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã chỉ đạo thành lập Bệnh viện hồi sức cấp cứu bệnh nhân Covid-19 quy mô 500 giường đặt tại khuôn viên khu khởi nghiệp Trường ĐH quốc tế Miền Đông. 

Giám đốc Bệnh viện ĐH Y Hà Nội (đang hỗ trợ Bình Dương chống dịch) được chỉ định làm giám đốc bệnh viện này. Tuy nhiên, Bình Dương vẫn cần Bộ Y tế tăng cường hơn 1.000 nhân sự cho bệnh viện mới này (gồm thêm hơn 300 bác sĩ và 760 điều dưỡng).

Bác sĩ Nguyễn Hồng Chương - giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương - cho biết thiếu trang thiết bị y tế cũng là thách thức trong phòng chống Covid-19 tại Bình Dương. 

"Chúng tôi đang thiếu nhiều máy thở, máy oxy dòng cao, máy chụp X-quang di động và các trang bị bảo hộ như khẩu trang N95, quần áo bảo hộ cho nhân viên y tế... Tỉnh cũng lên phương án mua sắm thiết bị bằng ngân sách nhưng số tiền lên tới cả ngàn tỉ đồng nên cần thời gian, trước mắt rất cần sự chi viện của các nơi và hỗ trợ của nhà hảo tâm", bác sĩ Chương cho hay.

Dồn lực với quyết tâm hết tháng 8, toàn tỉnh trở về trạng thái bình thường mới

Trao đổi với Tiền Phong, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi cho biết, Thường trực Tỉnh ủy đã yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 khẩn trương thiết lập “vùng xanh” và “vùng đỏ” để tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp phù hợp với từng vùng, quyết tâm đến ngày 15/8 đưa “vùng xanh” trở lại hoạt động, đến ngày 30/8 đưa “vùng đỏ” và toàn bộ tỉnh Bình Dương về trạng thái hoạt động bình thường trong điều kiện mới.

Để sớm đẩy lùi dịch bệnh, những ngày qua, Bình Dương đã dồn lực triển khai xét nghiệm toàn dân để loại hoàn toàn F0 ra khỏi cộng đồng. Bên cạnh đó, tỉnh này đã siết chặt giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trên tinh thần “ai ở đâu, ở yên đấy”. 

“Song song với việc loại F0 ra khỏi cộng đồng, triển khai tiêm vắc- xin phòng ngừa cho người dân. Người lao động của doanh nghiệp sản xuất “3 tại chỗ” và “1 cung đường 2 điểm đến” được ưu tiên tiêm vắc- xin, triển khai bằng cách xã hội hóa. 

Hiện tại, tỉnh tiếp tục đề xuất với Trung ương cấp thêm nguồn vắc- xin, cho phép tỉnh chi ngân sách để mua lượng vắc- xin đủ để tiêm cho người dân Bình Dương sớm miễn dịch toàn dân”, đại diện Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Bình Dương nói.

Bình Dương xin chi viện để 'hạ nhiệt' dịch bệnh, quyết tâm trở về trạng thái bình thường mới vào 30/8 Ảnh 2
Tiêm vắc xin cho công nhân và người nước ngoài ở P.Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một (Bình Dương). Ảnh: Báo Thanh Niên

Trao đổi với báo Thanh Niên, ông Nguyễn Hồng Chương cho hay, ngoài sự chi viện nhân lực của Bộ Y tế, hiện Bình Dương đang huy động hệ thống y tế tư nhân tham gia tiêm vắc xin, phấn đấu đạt 100.000 liều/ngày. 

Hiện Bình Dương đang tổ chức 155 điểm tiêm cố định tại các trung tâm văn hóa, sân vận động, nhà thiếu nhi ở các xã, phường và 20 xe tiêm lưu động trong các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp... với khoảng 100.000 liều/ngày. 

Chia sẻ

Theo

Tổng hợp

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất