Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Điểm danh những lễ hội không thể bỏ qua ở miền Bắc mỗi dịp xuân về

Những lễ hội xuân vừa là dịp để mọi người vui chơi, du ngoạn vừa là dịp để dâng hương cầu may mắn, lộc tài, bình an cho gia đình, người thân. Ở miền Bắc, bạn chớ bỏ qua những lễ hội lớn này nhé!

Một trong những truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam mỗi dịp Tết đến xuân về là du xuân, dự lễ hội. Đây là dịp để mọi người dâng hương cầu may mắn, lộc tài, bình an cho gia đình, người thân và tranh thủ vui chơi, tận hưởng những ngày nghỉ an lành. Trên khắp cả nước có hàng nghìn lễ hội lớn nhỏ và miền Bắc cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, có một số lễ hội lớn, đông vui mà chúng ta không thể nào bỏ qua.

Hội Gò Đống Đa, Hà Nội

Đây là một lễ hội lớn không thể bỏ qua, được tổ chức vào ngày mùng 5 Tết hàng năm, tại gò Đống Đa, phường Quang Trung, quận Đống Đa, Hà Nội. Ý nghĩa của nó nhằm tưởng nhớ chiến thắng Ngọc Hồi Đống Đa của đội quân Tây Sơn khi xưa.

Người dân đến với lễ hội Gò Đống Đa sẽ được tham gia nhiều trò chơi và các hoạt động văn hóa dân gian đặc sắc như tục rước rồng lửa, lễ dâng hương, lễ đọc văn. Lễ tế ở đình Khương Thượng, lễ cầu siêu ở chùa Đồng Quang.

Hội chùa Hương, Hà Nội

Động Hương Tích ở chùa Hương được mệnh danh là “thiên sơn đệ nhất động”. Đây là nơi có cảnh sắc nên thơ, thích hợp để người dân du xuân, vãn cảnh dịp đầu năm.

Ngoài ra, chùa Hương cũng được mệnh danh là ngôi chùa linh thiêng. Người xưa có câu: “Chùa hà cầu duyên, chùa Đậu cầu danh, chùa Hương cầu tự”. Không ít người quan niệm, ai đến đây mà chạm tay vào miếu cô, miếu cậu thì sẽ sớm sinh con như ý. Vì thế, hàng năm vào dịp xuân sang, lượng người đổ về đây thường rất đông.

Cảnh sắc ở suối Yến chùa Hương.

Non nước hữu tình ở đây xứng đáng để du khách cất công đi một chuyến.

Bên cạnh đó, hội chùa Hương là một trong những lễ hội có quy mô lớn và kéo dài nhất trong các lễ hội ở miền Bắc nói riêng và cả nước nói chung. Nó bắt đầu từ ngày mùng 6 tháng Giêng đến hết tháng 3 Âm lịch. Đây là dịp để bà con đến dâng hương lễ Phật cầu bình an may mắn và thưởng ngoạn phong cảnh non nước hữu tình với quần thể hang động rộng lớn.

Hội Gióng, Sóc Sơn, Hà Nội

Hội Gióng được tổ chức tại đền Sóc (xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) từ ngày mùng 6 đến ngày mùng 8 tháng Giêng hàng năm. Đúng như tên gọi, hội Gióng là dịp để tưởng nhớ và ca ngợi chiến công của Thánh Gióng, một trong tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam.

Ngoài ra, nhiều người cũng quan niệm, ai mà muốn cầu công danh, sự nghiệp phát đạt có thể đến đền Gióng để dâng lễ, sớ. Dịp đầu năm, những người đổ về đây hầu hết còn khá trẻ do phần hội ở đây đông vui, có nhiều trò chơi dân gian như cờ người, chọi gà, hát chèo, hát ca trù… hấp dẫn.

Lễ rước ngựa - vật tượng trưng cho ngựa sắt của Thánh Gióng trong lễ hội.

Trong lễ hội có những nghi thức độc đáo như: Lễ dâng hương, dâng hoa tre lên đền Thượng, nơi thờ Thánh Gióng. Năm 2011 Hội Gióng (gồm 2 lễ hội chính tại Sóc Sơn và tại làng Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội) đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Hội Cổ Loa

Lễ hội Cổ Loa diễn ra từ mồng 6 đến 16 tháng Giêng âm lịch tại đền thờ An Dương Vương ở xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội. Trong lễ hội có nhiều trò chơi khác nhau: chơi đu, thổi cơm thi, hát trù, hát chèo…

Hội Cổ Loa kéo dài cho tới 16 tháng Giêng mới làm lễ tế tạ trời đất, kết thúc lễ hội. Lễ hội Cổ Loa nhằm tưởng nhớ và suy tôn Thục Phán An Dương Vương, người có công dựng nước Âu Lạc và xây thành Cổ Loa.

Hội Xoan (Phú Thọ)

Kéo dài từ ngày mùng 7 đến mùng 10 tháng giêng, hội Xoan diễn ra ở làng Hương Nha, huyện Tam Thanh, tỉnh Phú Thọ. Hội Xoan là dịp để tưởng nhớ Xuân Nương, nữ tướng rất tài giỏi thời Hai Bà Trưng.

Ở hội Xoan có có tục mổ trâu “nồi da xáo thịt” diễn lại tích năm tướng của vua Hùng thờ thần sông mà thoát nạn, khi lên bờ tìm trâu mổ thịt, lấy da làm nồi nấu tế thần sông. Ngày cuối cùng của hội Xoan, tức mùng 10 tháng Giêng, sẽ diễn ra trò trình nghề ở bãi sông trước đình làng. Các vai diễn cày bừa, gieo mạ, tát nước, bán con ngài tằm, bán bông rất hấp dẫn tại hội Xoan.

Hội Lim (huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh)

Hội Lim được tổ chức vào ngày 12 - 13 tháng Giêng hàng năm ở huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Đây là một trong lễ hội điển hình nhất của vùng Kinh Bắc nói riêng và Bắc Bộ nói chung.

Hội Lim - Lễ hội dân ca quan họ lớn nhất ở miền Bắc.

Lễ hội là dịp tập trung các liền anh liền chị tới hát giao duyên, đối đáp, thi hát ở trên bến dưới thuyền. Ngoài ra, hội Lim cũng có nhiều trò chơi dân gian như đấu vật, đấu cờ, đấu võ, đu tiên, thi nấu cơm, thi dệt cửi…

Hội đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh)

Dịp đầu năm, người dân thường tìm về hội đền Bà Chúa Kho để dâng hương, khấn vay tiền Bà Chúa để cầu tài cầu lộc. Đến cuối năm, lại quay về đền để trả lễ cho bà Chúa Kho. Đây là phong tục lâu đời của nhiều người dân Việt Nam, nhất là người làm ăn buôn bán.

Đền bà Chúa Kho còn là di tích lịch sử có giá trị nằm trong quần thể di tích khu Cổ Mễ (gồm đình, chùa, đền). Lễ hội đền Bà Chúa Kho được tổ chức tại đền (ở làng Cổ Mễ, phường Vũ Ninh, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) bắt đầu vào ngày mùng 4 tháng Giêng và kéo dài đến hết tháng

Hội chợ Viềng (Nam Định)

Lễ hội diễn ra vào mùng tối mồng 7 đến rạng sáng mồng 8 tháng Giêng âm lịch hàng năm tại xã Kim Thái, huyện Vụ Bản và thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Đây là một trong những lễ hội đầu năm không thể bỏ lỡ ở miền Bắc.

Người dân dự Hội với mong muốn mua may bán rủi, cầu mong một năm được mùa màng bội thu. Tại đây bán rất nhiều thứ, người đến đây mua rất tấp nập, đông vui.

Lễ hội chợ Viềng.

Lễ hội Yên Tử (Quảng Ninh)

Lễ hội Yên Tử gắn liền với khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử thuộc xã Thượng Yên Công, huyện Uông Bí, Quảng Ninh. Lễ khai hội bắt đầu vào ngày 10 tháng Giêng đến hết tháng 3 âm lịch. Những năm gần đây, Yên Tử trở thành điểm du lịch văn hóa tâm linh, sinh thái, thắng cảnh… thu hút du khách trong và ngoài nước tìm đến quanh năm.

Phong cảnh Yên Tử nên thơ, đậm chất tâm linh và là điểm đến hấp dẫn du khách gần xa dịp Tết đến xuân về.

Khai ấn đền Trần Nam Định

Lễ hội diễn ra trong 3 ngày, thường từ ngày 13 đến 15 tháng Giêng âm lịch hàng năm tại đền Trần thuộc phường Lộc Vượng, TP. Nam Định. Đây là một trong những lễ hội đầu xuân nổi tiếng nhất Việt Nam nhằm tri ân công đức các vị vua Trần ở đền Trần.

Lễ khai ấn đền Trần.

Hội mở đầu bằng lễ khai ấn bắt đầu từ giờ Tý (giữa đêm), nhiều người tới hành lễ tại đền Trần vào dịp hội để xin tờ ấn với mong muốn được thăng tiến trong sự nghiệp. Ấn được phát tại 3 nhà là nhà Giải Vũ, nhà trưng bày đền Trùng Hoa và một điểm trong khu vực vườn cây đền Trần.

Hàng năm, tục cướp ấn thường gây ra cảnh chen chúc. Đây là lễ hội tập trung đông đảo du khách và nhận được sự quan tâm của nhiều người. Ai cũng tin, nếu xin được ấn đền Trần thì đường công danh, sự nghiệp năm mới sẽ gặp nhiều thuận lơi.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Vương Phi

Được quan tâm

Tin mới nhất
Tiến sĩ, Bác sĩ Vũ Trọng Tiến - Tiên phong thẩm mỹ tiểu Eva an toàn