Mới đây, thêm một ổ dịch tả lợn châu Phi được phát hiện tại hộ chăn nuôi của gia đình ông Hoàng Văn Chinh ở khu Trại Mới, xã Hiến Thành, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương.
Theo Zing.vn thông tin, đây là khu vực có một số gia trại chăn nuôi biệt lập với khu dân cư. Khi có các dấu hiệu lợn bị bệnh, chủ gia trại đã kết hợp với Chi cục Thú y tỉnh Hải Dương lấy các mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.
Kết quả cho thấy các mẫu bệnh phẩm đều dương tính với virut dịch tả lợn Châu Phi. Ngay trong đêm qua, đàn lợn gồm 95 con của gia đình ông Hoàng Văn Chinh và 12 con lợn của hộ liền kề đã được tiêu hủy theo quy định.
Ông Nguyễn Minh Đức, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Hải Dương cho biết, để tránh lây lan dịch bệnh và đảm bảo an toàn cho hơn 4.000 con lợn trên địa bàn huyện Kinh Môn, 3 chốt kiểm dịch đã được lập tại xã Hiến Thành: “Vì dịch này không có vắc xin phòng nên chúng tôi chỉ thực hiện những biện pháp an toàn sinh học như khoanh vùng, rắc vôi bột và khử trùng tiêu độc và lập các chốt chặn ra vào xã và cấm các hoạt động mua bán thịt lợn trên địa bàn xã. Tối hôm qua, các chốt đã được lập và trong ngày hôm nay chúng tôi sẽ công bố dịch tại xã Hiến Thành.”
Được biết, tính đến ngày 4/3, nước ta đã có 7 tỉnh bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi, tổng số lợn bị mắc bệnh và phải tiêu hủy là 4.231 con, với tổng trọng lượng tiêu hủy hơn 297 tấn, gây thiệt hại hàng chục tỉ đồng. Các tỉnh bị dịch ASF xâm nhiễm gồm: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam và Hải Dương (tính theo thứ tự thời gian bị phát hiện có dịch).
Các chuyên gia dịch tễ bày tỏ lo ngại, khả năng dịch tả lợn châu Phi sẽ còn tiếp tục lan rộng bởi cơ chế “sống dai dẳng” của virus gây dịch ASF ngoài môi trường.
Dù đã được Bộ NNPTNT đã cảnh báo và đưa ra nhiều khuyến nghị nhưng do tâm lý sợ mức hỗ trợ tiêu hủy thấp tối đa 38.000 đồng/kg, đồng thời thời gian chi trả chậm, nên một số hộ chăn nuôi khi có lợn mắc các dấu hiện nghi bị dịch tả lợn châu Phi, đã không khai báo mà giết thịt để bán ra thị trường, hoặc gọi thương lái vào “bán tháo”.