Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Di nguyện của Thiền sư Thích Nhất Hạnh: 'Nếu một ngày thầy mất, đừng xây tháp mộ gì cho thầy'

Trước khi viên tịch, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã viết tâm thư gửi đến các chư tăng, nói rõ ý nguyện sau khi trở về Tổ đình Từ Hiếu.

Theo Cổng thông tin Phật giáo thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam, sau những năm tháng an dưỡng tại Tổ đình Từ Hiếu (phường Thuỷ Xuân, TP Huế), Thiền sư Thích Nhất Hạnh, Niên Trưởng Trú trì Tổ đình Từ Hiếu đã viên tịch tại Tổ đình lúc 0h ngày 22/1. 

Trước khi viên tịch, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã viết tâm thư gửi đến các chư tăng, nói rõ ý nguyện sau khi trở về Tổ đình Từ Hiếu. 

Ông dặn các đệ tử của mình: “Nếu một ngày thầy mất, đừng xây tháp mộ gì cho thầy. Tốn kém tiền của. Tốn đất của dân. Dân mình còn nghèo lắm. Hãy hỏa táng thầy. Tro cốt thầy, hãy chia đều cho các Thiền viện của Làng Mai trên khắp thế giới rồi rải trên những con đường mà hàng ngày các con đi thiền hành. Làm như thế, ngày ngày, thầy và các con vẫn đi thiền hành chung. Vui lắm”.

Di nguyện của Thiền sư Thích Nhất Hạnh: 'Nếu một ngày thầy mất, đừng xây tháp mộ gì cho thầy' Ảnh 1
Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Có một đệ tử của thầy ở Hà Nội, vì quá thương thầy, đã xây sẵn cho thầy một cái tháp trong khuôn viên chùa. Thầy bảo: “Thầy không muốn sau này quý vị xây cho thầy một ngôi tháp ở Tổ Đình. Xây tháp như thế sẽ không có ý nghĩa gì nếu ngày hôm nay quý vị không nối tiếp được những gì thầy đang trao truyền. Thầy rất không thích chuyện lấy một mớ tro từ hình hài của thầy rồi bỏ vào trong một cái hũ, rồi đặt vào trong tháp. Thầy không phải là cái nắm tro đó. Không có lý thầy chỉ là cái nắm tro ấy hay sao?

Thầy là một thực tại linh động, đang sống, đang có mặt khắp nơi. Trong các sư chú và các sư cô đều có thầy, trong các vị cư sĩ quen biết đều có thầy. Ở chỗ nào mà có thiền hành, thiền tọa, có pháp đàm, có ăn cơm yên lặng, có Sám pháp địa xúc là có thầy! Cho nên không được nhốt thầy, bỏ thầy vào trong cái hũ nhỏ rồi đặt thầy vào trong một cái tháp. Tốn đất chùa vô ích. Sư Thầy Đàm Nguyện đã xây cho Thầy một cái tháp ở chùa Đình Quán. Đã lỡ xây rồi thì phải ghi lên trước tháp mấy chữ: “Trong này không có gì”. Thầy không nằm trong tháp ấy đâu.

“There is nothing inside”. Nếu người ta vẫn chưa hiểu thì ghi thêm một câu nữa “Ngoài kia cũng không có gì.” Và nếu vẫn còn chưa hiểu thì ghi thêm một câu chót là “Nếu có gì thì nó có trong bước chân và hơi thở của bạn.

Đừng phí thì giờ nghĩ đến chuyện tìm đất xây tháp cho thầy. Đó không phải là điều thầy nghĩ tới. Nếu có một tảng đá có sẵn thì để vào trong hốc đá bản thảo của một cuốn sách của thầy như cuốn Phép lạ của sự tỉnh thức thì tảng đá đó có thầy nhiều hơn là một cái tháp trong đó có một nắm tro. Đem tro mà rải hết ra ngoài để nuôi cây nuôi cỏ, cho cỏ cho cây lớn lên. Đừng có ngăn ngừa sự tiếp nối của nắm tro ấy”. Đó là những điều Thầy căn dặn các Thầy các sư cô ở chùa Đình Quán Hà Nội và ở Tổ Đình.

Di nguyện của Thiền sư Thích Nhất Hạnh: 'Nếu một ngày thầy mất, đừng xây tháp mộ gì cho thầy' Ảnh 2
'Nếu một ngày thầy mất, đừng xây tháp mộ gì cho thầy' là di nguyện mà Thiền sư Thích Nhất Hạnh để lại, gửi đến các chư tăng.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh (thế danh Nguyễn Xuân Bảo, sinh năm Bính Dần 1926) tại làng Thành Trung, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ông là con kế út trong gia đình có sáu anh chị em. 

Năm 1942, ông xuất gia tại Tổ đình Từ Hiếu với Thiền sư Thanh Quý Chân Thật, được ban pháp danh Trừng Quang. Năm 1949, ông rời Huế vào Sài Gòn tiếp tục tu học, bắt đầu sự nghiệp sáng tác với pháp hiệu Thích Nhất Hạnh.

Tháng 5/1966, Thiền sư rời Việt Nam, hoạt động ở nhiều nước và từng trụ trì tại chùa Làng Mai, phía nam nước Pháp trong nhiều thập kỷ.

Thiền sư đồng thời là một nhà văn hóa, một nhà văn, một nhà thơ, một học giả, một sử gia và một nhà hoạt động hòa bình. Thiền Sư được biết đến qua những buổi thuyết giảng công cộng cho cả hàng chục ngàn người và hơn 120 tác phẩm xuất bản giá trị. Thiền sư đã mở ra hướng đi và phát triển những pháp môn thực tập với nhiều khoá tu dành cho các nhà giáo dục, thanh thiếu niên, nghệ sĩ, doanh nhân, các nhà lãnh đạo, y bác sĩ…

Mục sư Martin Luther King từng đề cử thiền sư Thích Nhất Hạnh cho giải Nobel Hòa bình vào năm 1967. Trong gần 40 năm sống xa quê hương, ông là một trong những người tiên phong mang đạo Phật, đặc biệt là pháp môn chánh niệm đến xã hội phương Tây và góp phần xây dựng một cộng đồng Phật giáo dấn thân với gần 1.250 đệ tử xuất gia, hàng triệu đệ tử tại gia và độc giả trên khắp năm châu.

Trước đó, tháng 11/2014, Thiền sư Thích Nhất Hạnh gặp một biến cố về sức khỏe, được chẩn đoán là tai biến mạch máu não. Sau đó, Thiền sư đã được đưa sang Hoa Kỳ điều trị, sự phục hồi sức khỏe của Thiền sư được cho là "kỳ diệu".

Khi trở về tổ đình Từ Hiếu tịnh dưỡng và lưu trú, Thiền sư Thích Nhất Hạnh hàng ngày được các tăng ni chăm sóc, lo việc ăn uống, đi lại. 

Vào lúc 0h ngày 22/1, Thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch tại Tổ đình Từ Hiếu, phường Thủy Xuân, TP Huế ở tuổi 96 theo cáo phó của tăng đoàn Làng Mai.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Phương Linh

Được quan tâm

Tin mới nhất
Giới trẻ nghĩ gì về Yamaha Janus hoàn toàn mới, nâng cấp có xứng đáng?
Lee Hooyeon kể trải nghiệm thú vị khi cùng Wukong hẹn hò tại New World Phu Quoc