Đập thủy điện có nguy cơ vỡ.
Ngày 9/8, UBND huyện Bù Đăng (Bình Phước) cho biết, đã di dời người dân ở bốn xã bị ảnh hưởng trước nguy cơ vỡ đập thủy điện Đăk Kar ở tỉnh Đăk Nông, giáp ranh tỉnh Bình Phước vào đêm qua.
Ngoài ra, huyện này cũng phát thông báo khẩn yêu cầu các xã tiếp tục di dời người dân vùng trũng thấp, hạ du sông, suối, hồ chứa lên cao để hạn chế thiệt hại về người và tài sản do mưa lũ. Các xã được yêu cầu kiểm tra và cắm biển cảnh báo ở các nơi có nguy cơ sạt lở, lũ quét, ngập úng cục bộ, chuẩn bị lực lượng sẵn sàng ứng cứu dân.
Trước đó, chiều qua, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn hai tỉnh Bình Phước, Đăk Nông đã làm việc với Công ty thủy điện Đăk Kar về mực nước và việc xả nước ở đập.
Theo báo cáo của công ty, hiện mực nước của thủy điện Đăk Kar đang ở cao trình 477 m, ứng với dung tích hồ khoảng 14 triệu m3 (cao trình đập 480,5 m; cao trình mực nước gia cường 478,5 m). Khả năng tháo lũ cửa tràn là 960 m3/s, song do mất điện nên cửa van không vận hành được, bị kẹt và chỉ tháo với lưu lượng 70 m3/s.
Nước đã tràn qua đập gây sạt lở chân đập và có nguy cơ xảy ra vỡ đập khi dự báo mưa lớn còn tiếp tục với lượng mưa 80 mm/24h - 100 mm/24h, đe dọa an toàn người dân vùng hạ du ba tỉnh Đăk Nông, Bình Phước, Lâm Đồng.
Đến tối cùng ngày, cửa van bị kẹt đã được khắc phục tạm thời, nhưng các cơ quan hữu trách cho rằng cần tiếp tục theo dõi vì mưa bão đang diễn biến rất phức tạp.
Tại Đồng Nai, lũ lớn kết hợp với nguy cơ Đập thủy điện ở Đăk Nông, chính quyền huyện Tân Phú, Định Quán phải sơ tán người dân ở ven sông Đồng Nai. “Từ tối qua đến sáng nay, địa phương đã huy động lực lượng đã di dời khẩn cấp hơn 700 hộ dân ở bốn xã đến nơi an toàn”, Chủ tịch UBND huyện Tân Phú Võ Tuấn Dũng cho biết.
Trước đó, hàng trăm ngôi nhà và đường giao thông ở hai huyện này ngập sâu, có hơi ngập hơn một mét. Tại huyện Tân Phú, một người dân bị mất tích do lũ quét. Còn ở huyện Định Quán, nhiều bè cá ven sông Đồng Nai bị vỡ, cá chết trắng bè.
Ba ngày qua, do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh và áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, Tây Nguyên và nhiều tỉnh Nam Bộ có mưa lớn, làm 6 người chết, hàng nghìn căn nhà và hecta hoa màu ngập trong lũ.
Trước tình hình mưa bão gây nguy cơ vỡ đập, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường - Phó ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã ký công điện khẩn yêu cầu các tỉnh Đăk Nông, Bình Phước, Lâm Đồng cùng Bộ Công thương khẩn trương tổ chức thông tin về sự cố đập đến các cấp chính quyền và người dân.
Chủ đập và cơ quan chức năng được yêu cầu hạ thấp mực nước bằng mọi biện pháp để tránh xảy ra tình huống vỡ đập đột ngột; sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng cứu khi có tình huống xảy ra; tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai.
Những ngày qua, mưa lũ ở Tây Nguyên diễn biến phức tạp. Tại Lâm Đồng, hàng trăm căn nhà cùng nhiều diện tích hoa màu của người dân huyện Bảo Lộc, Lạc Dương bị ngập sâu, giao thông chia cắt. Trong lúc tham gia cứu hộ, ông Hoàng Minh Tú, công an viên xã Lộc Châu (huyện Bảo Lộc) bị nước cuốn chết.
Tại Đăk Lăk, gần 800 căn nhà và hàng nghìn hecta hoa màu ở huyện Ea Sup và Buôn Đôn bị ngập nặng, giao thông chia cắt. Ông Hoàng Trung Tùng (65 tuổi, ở huyện Cư Mgar) bị nước lũ cuốn chết khi men theo con suối về nhà.
Tại Đăk Nông, chiều 8/8, thi thể anh Trần Văn Hiệu (28 tuổi) cùng vợ Đỗ Thị Yến (25 tuổi) và con gái Trần Thị Diệu (2 tuổi) được tìm thấy trong căn nhà sập hoàn toàn do sạt lở đồi ở giữa hồ thủy điện Đăk Sin 1. Đập thủy điện Đăk Kar được cảnh báo có nguy cơ vỡ, 200 hộ dân xung quanh phải tán.
Ở Gia Lai, bé Rơ Châm Khải (7 tuổi, huyện Chư Prông) đã chết khi bị dòng chảy mạnh cuốn vào cống.