Đầu năm đi lễ chùa, lễ phủ là một nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân Việt Nam. Việc làm này xuất phát từ tấm lòng thành kính dâng lên Phật cũng như lòng tin rằng, đầu năm đi lễ xin lộc thì cả năm, gia đình, người thân đều được sức khỏe, bình an.
Hàng năm, dịp đầu xuân, nhà nhà, người người “rủ nhau” đi lễ lạt tứ phương. Tuy nhiên, lễ như thế nào cho đúng thì không phải ai cũng biết. Thậm chí, có không ít người vì thiếu hiểu biết về văn hóa tín ngưỡng tâm linh đã có những hành động phản cảm ở chốn linh thiêng.
Dưới đây là một số lưu ý khi đi lễ chùa, lễ phủ:
Sắm lễ đi chùa
Vì cửa Phật là nơi thanh tịnh nên khi đến đây làm lễ, người dân chỉ nên sắm lễ chay. Lễ mặn gồm giò chả, thịt… chỉ nên dâng ở chùa có khu thờ tự các vị Thánh, Mẫu và chỉ dâng ở đó mà thôi. Tuyệt đối không được dâng đặt lễ mặn ở khu vực Phật điện (chính điện), tức là nơi thờ tự chính của ngôi chùa.
Ngoài ra, không nên dựa theo quan niệm “trần sao âm vậy” mà tùy tiện sắm tiền, vàng âm phủ để dâng cúng, lễ Phật tại chùa. Nếu có sửa lễ này thì chủ đặt ở bàn thờ thần linh, Thánh Mẫu hay ở bàn thờ Đức Ông.
Nếu đem theo tiền, vàng thật thì nên bỏ vào hòm công đức, không nên dâng lên hương án thờ Phật.
Trong các món lễ chay, hoa tươi là phần nên được chú ý. Lễ chùa thường dùng đến hoa sen, hoa mẫu đơn, hoa cúc… không nên dùng hoa lai tạp, nhất là hoa dại.
Cách bày lễ ở các ban
Chùa nào cũng thường có ban thờ chính, thờ chư vị phật gọi là ban Tam Bảo. Đây là ban cần lưu ý về đặt lễ và hành lễ. Lễ Phật quan trọng là lòng thành, có sao lễ vậy. Tuy nhiên, nếu đúng chuẩn thì cần đảm bảo 5 món: hương - đăng (nến) - hoa - quả - nước.
Về thắp hương cũng không quan trọng phải thắp bao nhiêu nén. Thông thường chúng ta sẽ thắp 3 nén ở lưu hương phía bên ngoài rồi đi vòng qua các ban khấn. Ngoài ban Tam Bảo, các chùa còn có ban thờ Đức ông, Mẫu, Vong… trước mỗi ban đều có ghi biển. Trước khi lễ, nên quan sát kĩ và hành lễ cho phù hợp.
Đi chùa thì nên khấn, cầu mong điều gì?
Đầu năm lễ chùa, nhiều người thường cầu công danh, tình duyên… Tuy nhiên, theo quan điểm của nhiều nhà xã hội học, cửa Phật là nơi thanh tịnh, không vướng bận chuyện đời tham, sân, si. Vì thế, đến đây, người dân chỉ nên cầu bình an, sức khỏe.
Ngoài ra, đi lễ chùa cũng chú trọng đến chuyện sám hối, hồi hướng công đức. Chúng ta cũng có thể cầu cho người mất được siêu sinh, người sống được mạnh khỏe, an lạc, biết đến và tin sâu Phật pháp.
Trang phục vào chùa phải lịch sự
Chùa là cõi thanh tịnh, nơi thờ Phật, do vậy khi vào chùa bạn nên mặc trang phục lịch sự, kín đáo, tránh mặc những trang phục quá hở hang, lòe loẹt. Không nên mang theo mũ áo, khăn, túi xách, gậy gộc, bao tay… vào tam bảo bái Phật.
Vào chùa nên đi cửa nào?
Khi đi qua cổng Tam quan vào chùa, nên đi cửa Giả quan (bên phải) và đi ra bằng cửa Không quan (bên trái), không bước vào cửa Trung quan (cửa giữa) cũng như dẫm lên bậu cửa, nếu không sẽ phạm tội bất kính.
Thứ tự làm lễ
Khi làm lễ, nên thắp hương và làm lễ tại ban thờ Đức Ông trước rồi đi tới chính điện, thắp đèn nhang, thỉnh 3 hồi chuông rồi làm lễ chư phật, bồ tát. Tiếp đến là đi sang các ban thờ Mẫu, Tứ phủ rồi kết thúc ở nhà thờ tổ.
Lấy lộc chùa
Nhiều người có thói quen mang các đồ ở đình chùa về đặt lên ban thờ nhà mình, tuy vậy điều này là không nên. Không lấy cành lộc mang về đặt lên ban thờ nhà mình. Có thể lấy lộc là bánh kẹo, bao diêm, bật lửa nhưng đều không mang về đặt lên ban thờ.
Lưu ý khi đi lễ đền, phủ
Đi lễ đền, phủ là tín ngưỡng thờ cúng thánh thần từ xưa của dân tộc Việt Nam. Nếu như lễ Phật ở chùa thể hiện phần tôn giáo thì lễ phủ, đền thuộc về tín ngưỡng dân gian.
Khác với đi lễ chùa, lễ phủ, đền, miếu, ngoài lễ chay gồm có hương hoa, xôi, chè thì cần chuẩn bị thêm lễ mặn như bánh chưng, giò, chả, thịt luộc chín. Khi tới tùy từng ban cần có cách biện lễ khác nhau. Cụ thể, lễ chay dùng để bày ban Thánh Mẫu, lễ mặn thì đặt bàn thờ Ngũ vị quan lớn tức là ban công đồng. Lễ đồ sống: Gồm trứng, gạo, muối hoặc thịt sống dành riêng cho việc cúng quan Ngũ Hổ, Bạch xà, Thanh xà đặt ở hạ ban Công Đồng Tứ phủ.
Ở các phủ còn có cỗ mặn sơn trang: Gồm những đồ đặc sản Việt Nam: cua, ốc, lươn, ớt, chanh quả… Nếu có gạo nếp cẩm nấu xôi chè thì cũng thuộc vào lễ này.