Tuy nhiên, mức phạt không làm cho người dân quan tâm bằng việc: phạt lỗi đèn vàng hợp lý hay không; đèn vàng sinh ra để làm gì?
Đã lấy ý kiến cả 3 miền
Tại sao có mức phạt vượt đèn vàng ngang bằng đèn đỏ? Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Thế Tùng - phó vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Bộ GTVT), thành viên ban soạn thảo nghị định 46/2016/NĐ-CP - để hiểu thêm.
Ông Tùng dẫn luật: khoản 3 điều 10 Luật giao thông đường bộ quy định: “Tín hiệu xanh là được đi; tín hiệu đỏ là cấm đi; tín hiệu vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp; trong trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường”.
Và ông giải thích: triển khai thực hiện Luật giao thông đường bộ, tại các nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ trước đây, đối với nội dung quy định về chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông thì đều quy định xử phạt chung một hành vi vi phạm là “không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông”.
Tại nghị định 171/2013/NĐ-CP, hành vi vượt đèn vàng và đèn đỏ có mức phạt khác nhau.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng mức phạt khác nhau dẫn đến tình trạng người lái xe có xu hướng tăng tốc độ khi gần đến đèn giao lộ (thay vì giảm tốc độ), vì cho rằng nếu có đèn đỏ thì sẽ phanh xe lại để chỉ bị xử phạt ở mức thấp hơn (là vượt đèn vàng) (?).
Ngoài ra, việc tách thành hai hành vi với hai mức phạt khác nhau cũng gây khó khăn hơn cho lực lượng chức năng trong việc xác định hành vi vi phạm bị xử phạt ở mức cao hay thấp (!).
Vì vậy, đáp ứng yêu cầu của công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, tại nghị định 46/2016/NĐ-CP đã gộp hai hành vi này lại thành một hành vi là “không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông”.
Quá trình xây dựng nghị định cũng được làm rất kỹ, các nội dung dự thảo được đưa ra để lấy ý kiến góp ý rộng rãi của người dân và các bộ, ngành, địa phương; tổ chức hội thảo lấy ý kiến ở cả ba miền rồi mới tổng hợp để có đề xuất phù hợp nhất, trình lên Chính phủ.
TS Nguyễn Xuân Thủy (chuyên gia giao thông đô thị):
Không hợp lý
Đèn tín hiệu giao thông xuất hiện trên nửa thế kỷ rồi. Có người thấy đèn vàng thì chủ động dừng, có người đang đà đi hay có gì đó vội vàng nên thấy đèn vàng vẫn đi lên một đoạn.
Trước đây mức phạt vượt đèn vàng thấp hơn vượt đèn đỏ. Tăng phạt đèn vàng có thể hạn chế tai nạn, ùn tắc giao thông nhưng nói về luật là sai, nói về tâm lý con người là không công bằng khi phủ nhận giai đoạn chuyển biến từ đèn xanh sang đèn đỏ cho người lái xe chuẩn bị.
Đèn vàng chính là giai đoạn chuẩn bị về tâm lý để người ta có thể dừng ngay khi đèn đỏ. Nhưng có trường hợp đèn xanh vừa tắt người ta đã chồm tới thì lúc đó lùi xe rất khó nên trường hợp đó dùng đèn vàng để cho phép.
Tôi nghĩ nên để mức phạt vượt đèn vàng như cũ, không nên tăng mức phạt. Phạt vượt đèn vàng cũng như phạt vượt đèn đỏ là không đúng với tâm lý con người. Chuyện quy định phạt vượt đèn vàng và đèn đỏ như nhau là không hợp lý và không đúng luật.
Nếu quy định như vậy thì đèn vàng không còn tác dụng nữa. Chỉ trừ trường hợp đèn vàng đã sát mình rồi mà vẫn cố nhô lên vượt qua thì lúc đó là phạm luật phạt theo quy định vượt đèn vàng trước đây.
Nhà nước tuyên truyền giáo dục nhiều mà ý thức giao thông của người dân vẫn chưa được tiến bộ bao nhiêu vì còn phụ thuộc vào hạ tầng. Nếu đường rộng thì văn hóa giao thông tốt, còn đường chật thì vẫn có tình trạng đi lên vỉa hè, vượt đèn đỏ.
Ý thức con người không chỉ chủ quan mà trong bài toán giao thông còn có yếu tố khách quan như khi anh chen lấn, tôi không chen lấn nhưng tôi không bắt anh đừng chen lấn được.
Ở các nước muốn làm điều đó người ta phải qua hàng nhiều thập kỷ để hình thành nền tảng văn hóa, để hình thành ý thức, tính kỷ luật trong đi lại. Chúng ta muốn ngày một ngày hai thì chưa làm được.
Làm gì thì mục đích cuối cùng cũng là tạo thuận lợi cho cuộc sống người dân. Cơ quan chức năng thực hiện các biện pháp để ngăn ngừa nhưng chúng tôi cũng góp ý trong bài toán về vấn đề giao thông chú ý cả an sinh, cả vấn đề nhân văn chứ không chỉ đạt mục đích mà làm bằng mọi giá.
Bài toán giao thông là bài toán động, nghĩa là anh làm mọi cách để đảm bảo an toàn giao thông, giảm tai nạn nhưng vẫn phải để dòng giao thông hoạt động.
Sai thì nên sửa
Trong tuần qua dư luận rất quan tâm đến việc từ ngày 1-8 cảnh sát giao thông sẽ phạt những ai “vượt đèn vàng” theo nghị định 46/2016 của Chính phủ.
Vấn đề không phải là có phạt hay không phạt, phạt như thế nào, mà có lẽ vấn đề cần bàn là quy định này tại nghị định 46/2016 có trái pháp luật không?
Theo khoản 3 điều 10 Luật giao thông đường bộ năm 2008 (điều luật đang có hiệu lực pháp luật) thì khi có tín hiệu đèn vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ khi đã đi quá vạch thì được đi tiếp.
Cho dù không có giải thích thì những ai đã từng điều khiển phương tiện giao thông đều biết khi đi có tín hiệu đèn vàng mà bánh xe trước chưa đè lên vạch thì phải cho xe dừng lại, bất kể trường hợp nào, trừ xe ưu tiên được vượt đèn vàng, thậm chí đèn đỏ theo quy định.
Còn nếu khi có tín hiệu đèn vàng mà bánh trước của xe đã đi quá vạch dừng thì bắt buộc phải đi tiếp, nếu dừng lại là phạm luật.
Quy định này không chỉ phù hợp với luật pháp trong nước mà cả thế giới đều như vậy, nó đã được in thành sách giáo khoa trong các trường dạy lái xe của quốc tế và Việt Nam.
Theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ hiện hành thì đèn vàng báo hiệu sự thay đổi của đèn. Khi đèn vàng sáng thì người điều khiển phải dừng xe trước vạch sơn “dừng lại”. Nếu các phương tiện giao thông đã vượt quá vạch mà việc dừng lại sẽ nguy hiểm thì phải đi tiếp.
Mặc dù các quy chuẩn này chưa giải quyết hết những vướng mắc quy định tại điểm c khoản 3 điều 10 Luật giao thông đường bộ, nhưng cũng làm cho người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ khi gặp đèn vàng biết cách xử lý.
Nay nghị định 46 lại quy định khác thì không biết phải giải thích thế nào về các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và tập quán của người tham gia giao thông.
Mặt khác, theo quy định của Luật ban hành văn bản thì luật và bộ luật không được trái Hiến pháp; nghị định không được trái luật; thông tư của các bộ ngành không được trái nghị định… Chưa kể Luật giao thông đường bộ còn phải phù hợp với thông lệ quốc tế chứ không thể có chuyện mỗi quốc gia có luật riêng biệt.
Cái gì có thể riêng được thì mới quy định như luật giao thông đường bộ của một số nước quy định vượt bên trái, nhưng một số nước lại quy định vượt nhau bên phải. Vượt trái hay vượt phải cũng đã trở thành thông lệ quốc tế hàng trăm năm rồi, không phải muốn là sửa được đâu!
Nay Chính phủ ban hành nghị định 46 cũng nhằm bảo đảm cho việc lưu thông thuận tiện và cần nâng mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm để góp phần giảm tai nạn giao thông là cần thiết.
Tuy nhiên, cơ quan tham mưu cho Chính phủ ban hành nghị định phải chú ý đến các quy định của Luật giao thông đường bộ xem có phù hợp hay không.
Còn cứ ban hành ra, không cần tính đến có phù hợp hay không phù hợp để đến khi thi hành lại phải rút hoặc hoãn như Bộ luật hình sự 2015 thì không chỉ gây thiệt hại về kinh tế cho Nhà nước mà còn gây bức xúc cho người dân.
Trở lại việc nghị định 46 của Chính phủ quy định phạt người điều khiển giao thông vượt đèn vàng, trước hết nó không chỉ trái Luật giao thông đường bộ, mà trên thực tế không thể áp dụng được, nhất là mức xử phạt cũng như trường hợp vượt đèn đỏ thì không biết toàn bộ hệ thống đèn báo trên cả nước có phải thay không, chưa kể nhiều nút giao thông vào giờ cao điểm chỉ có đèn vàng nhấp nháy?
Vậy người tham gia giao thông có được đi hay phải dừng lại?
Làm gì cũng có sai, có thiếu sót, ngay cả việc Quốc hội thông qua một bộ luật nhưng gần đến ngày có hiệu lực các chuyên gia, luật sư phát hiện nhiều lỗi và Quốc hội đã phải gấp rút ra nghị quyết cho tạm hoãn thi hành.
Huống hồ đây chỉ là một điểm của nghị định mà rõ ràng trái pháp luật và không phù hợp với cuộc sống thì không có lý do gì lại không sửa.
ĐINH TRỌNG TÀI
Anh Tô Hữu Tài (tài xế taxi):
Ủng hộ phạt nhưng mức phạt khác nhau
Tôi hay gọi những người ráng vượt qua đèn vàng khi còn 1-2 giây, thậm chí vượt đèn đỏ từ những giây đầu là những người “đánh cắp thì giờ của người khác”. Chỉ có một vài cá nhân vượt thôi nhưng một hàng dài phải chờ đợi người đó thoát khỏi dòng xe.
Tuy nhiên, mặc dù ủng hộ phạt lỗi vượt đèn vàng nhưng tôi có chút băn khoăn về mức phạt. Đèn đỏ và đèn vàng là hai màu đèn tín hiệu giao thông khác nhau, liệu hành vi vượt đèn vàng và đèn đỏ sẽ bị phạt tiền như nhau có hợp lý không?
Hơn nữa, tôi nghĩ trước khi áp dụng phạt lỗi vượt đèn vàng, cơ quan chức năng cần giải thích rõ hơn cho người dân hiểu để người lái xe không bị phạt oan. Vì hành vi vượt đèn đỏ là lỗi cố ý, còn đèn vàng thường xuất hiện chỉ 3 giây (có nơi không có đồng hồ đếm số) nên khó xác định được thời điểm đã qua trước vạch dừng hay chưa.
Việc quy định lỗi vi phạm vượt đèn vàng như đèn đỏ vô hình trung đánh mất ý nghĩa của đèn tín hiệu vàng. Nếu phạt như nhau thì nên chăng bỏ luôn đèn vàng?
TRẦN KIM ANH ghi
Trên thế giới: nơi phạt nơi không
Luật giao thông ở các nước quy định rất khác nhau về việc xử lý các trường hợp vượt đèn vàng.
Tại Úc, đèn vàng có ý nghĩa tương đương đèn đỏ - tất cả các phương tiện phải dừng lại.
Căn cứ vào khoản 1, điều 57 Luật đường bộ Úc năm 2014, các hành vi: vượt đèn vàng, không dừng trước vạch dừng khi có đèn vàng hay không dừng ở ngã tư có đèn vàng đều bị xử phạt “đồng giá” 433 đôla Úc. Nếu vi phạm trong các khu vực trường học, mức phạt sẽ tăng lên.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp như tại các ngã tư, các phương tiện được phép dừng lố vạch dừng nếu đèn giao thông đột ngột chuyển sang vàng để tránh việc phanh gấp gây tai nạn.
Luật cũng quy định trường hợp khi có đèn vàng nhấp nháy. Theo đó, các phương tiện có hành vi chèn ép, không nhường đường cho người đi bộ và các phương tiện khác ở chiều ngược lại, vượt các phương tiện cùng chiều khi có đèn vàng nhấp nháy cũng bị xử phạt từ 325 - 433 đôla Úc. Mức phạt sẽ tăng thêm nếu vi phạm trong khu vực trường học.
Luật của mỗi bang tại Mỹ cũng quy định khác nhau về ý nghĩa và hành vi vượt đèn vàng. Tại một số bang như Colorado và California, đèn vàng chỉ có ý nghĩa cảnh báo sắp tới đèn đỏ. Nếu phương tiện vào giao lộ trước khi đèn chuyển sang đỏ, phương tiện đó không phạm luật.
Đức và Singapore không có quy định xử phạt các trường hợp vượt đèn vàng. Tuy nhiên, nhà chức trách cũng không khuyến khích hành vi này. Tại Đức, nếu có đèn vàng nhấp nháy ở ngã tư, các phương tiện phải dừng lại và chỉ được di chuyển cho đến khi thông thoáng.
Quy định này gần giống với ý nghĩa đèn vàng nhấp nháy, các phương tiện di chuyển chậm và nhường xe bên phải ở Việt Nam.
DUY LINH
Cách xác định lỗi vượt đèn vàng
Trung tá Huỳnh Trung Phong - phó trưởng Phòng CSGT TP.HCM - cho biết: theo quy định, khi có tín hiệu đèn vàng thì người tham gia giao thông phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp; trong trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường.
Như vậy, khi tín hiệu đèn giao thông chuyển sang màu vàng mà người chạy xe không dừng lại trước vạch dừng thì được xác định đây là hành vi vi phạm Luật giao thông đường bộ và sẽ bị xử phạt.
Việc xử phạt có thể bằng hình thức bắt lỗi trực tiếp hoặc qua camera ghi hình.
ÁI NHÂN