Đề nghị xử lý hình sự doanh nghiệp dùng giấy vệ sinh thay vải kháng khuẩn sản xuất khẩu trang

Định Nguyễn
Chia sẻ

Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 1 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) cho biết, đơn vị đã gửi công văn lên Công an TP Hà Nội xem xét xử lý hình sự đối với Công ty TNHH Việt Hàn về hành vi sản xuất khẩu trang bằng giấy vệ sinh.

Chiều ngày 24/2, ông Hoàng Đại Nghĩa, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 1 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) cho biết, các cơ quan chức năng mới họp bàn để thống nhất quan điểm xử lý Công ty TNHH Việt Hàn (ở xã Minh Cường, huyện Thường Tín, TP Hà Nội).

Trước đó, vào sáng ngày 13/2, Đội Quản lý thị trường số 1 đã phối hợp với Tổng Cục Quản lý thị trường, Công an thành phố Hà Nội bất ngờ kiểm tra cơ sở sản xuất khẩu trang thuộc Công ty TNHH Việt Hàn.

Nam nhân viên lắp cuộn giấy vệ sinh thay lớp vải kháng khuẩn làm khẩu trang.

Bước đầu khai nhận với cơ quan chức năng, người đàn ông tên Nguyễn Văn Long (thợ kỹ thuật của Công ty TNHH Việt Hàn) cho biết, trước đó đã mua một cuộn giấy vệ sinh với trọng lượng 40kg từ Bắc Ninh đem về cơ sở ở xã Minh Cường. Số giấy này được đưa vào máy để sản xuất thành khẩu trang 4 lớp thay cho lớp vải kháng khuẩn.

Với số lượng 40 kg giấy vệ sinh sẽ sản xuất ra khoảng 2-3 thùng, mỗi thùng 50 hộp, mỗi hộp 50 chiếc (tương đương 5.000-7.500 chiếc khẩu trang. Theo anh Long, cơ sở này đã sản xuất khẩu trang bằng giấy vệ sinh từ ngày mùng 2,3 Tết Nguyên đán Canh Tý và đã bán một số lượng ra thị trường. Hiện còn một số lượng chưa kịp bán thì bị lực lượng chức năng phát hiện.

Clip nhân viên khai nhận làm khẩu trang kháng khuẩn từ giấy vệ sinh.

Ngoài ra, ngày 11/2, Đội QLTT số 1, Cục QLTT Hà Nội phối hợp với Đội 4 PA05 - Công an Hà Nội tiến hành kiểm tra xe ô tô biển kiểm soát: 29C-939.89 dừng đỗ trước cửa nhà 69 Hồ Văn Chương, Đống Đa.

Tại thời điểm kiểm tra phát hiện trên xe có 58 thùng hàng chứa các loại khẩu trang, mỗi thùng chứa 50 hộp (loại hộp 50c) tổng số 145.000 chiếc. Chủ hàng là Chu Ngọc T. trú tỉnh Lạng Sơn khai, số hàng được mua gom trên mạng bán với giá 364.000đ/hộp không có hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Tổng trị giá 1,05 tỷ đồng.

Đội QLTT số 1 niêm phong lô hàng trên và lấy mẫu gửi đến Trung tâm kiểm nghiệm thuốc mỹ phẩm Hà Nội giám định Chất lượng xử lý theo quy định. Theo đó, qua xác định có sản phẩm do Công ty Việt Hàn sản xuất. Ngay sau đó, cơ quan chức năng hiện đã niêm phong toàn bộ hàng hóa, máy móc thiết bị tại Công ty TNHH Việt Hàn để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

“Trong cuộc họp với các cơ quan chức năng mới đây gồm Viện kiểm sát, Công an huyện Thường Tín, Công an Đống Đa, Phòng Cảnh sát kinh tế (PC03, Công an TP Hà Nội) Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PA05, Công an TP Hà Nội), Sở Y tế, Cục Nghiệp vụ Cục Quản lý thị trường, Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội, các Đội quản lý thị trường… Tất cả đều thấy có dấu hiệu hình sự nên đi đến quyết định chuyển toàn bộ vụ việc sang cơ quan cảnh sát điều tra xử lý. Chúng tôi đã gửi công văn lên Công an TP Hà Nội để xem cụ thể đơn vị nào tiếp nhận hồ sơ vụ việc này”, ông Nghĩa thông tin.

Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 1 cho hay, khi hồ sơ được chuyển tới cơ quan điều tra thì đơn vị này sẽ xác định làm rõ từng tội danh cũng như điều tra rõ số lượng khẩu trang làm bằng giấy vệ sinh công ty trên đã sản xuất bán ra thị trường.

Luật sư Diệp Năng Bình, Văn phòng luật sư Tinh thông luật (Đoàn LS TP Hồ Chí Minh) cho biết, đối với hành vi sản xuất khẩu trang bằng giấy vệ sinh, không có công dụng giá trị bảo vệ sức khỏe thì doanh nghiệp này đã có hành vi sản xuất hàng giả được quy định tại Nghị định số 185/2013/NĐ-CP.

Theo đó thì khẩu trang bằng giấy này không có giá trị sử dụng, công dụng; có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa; có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký; Hàng hóa có hàm lượng định lượng chất chính hoặc trong các chất dinh dưỡng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản khác chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với tiêu chuẩn chất lượng hoặc quy chuẩn kỹ thuật đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa; Hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa giả mạo tên thương nhân, địa chỉ của thương nhân khác; giả mạo tên thương mại hoặc tên thương phẩm hàng hóa; giả mạo mã số đăng ký lưu hành, mã vạch hoặc giả mạo bao bì hàng hóa của thương nhân khác;

Hành vi buôn bán, sản xuất hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng quy định tại điểm a, b, c và d khoản 8 Điều 3 Nghị định này, mức phạt tiền từ 500.000 đồng đến 60.000.000 đồng.

Qua quá trình điều tra các cơ quan chức năng xác định đủ yếu tố để xử lý hình sự theo quy định tại Điều 192 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017 về Tội sản xuất, buôn bán hàng giả thì sẽ bị phạt tù từ 01 năm đến 15 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt từ 1.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm hoặc bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Ngoài ra pháp nhân thương mại còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung như phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Chia sẻ

Bài viết

Định Nguyễn

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất