Hơn 1 ngày qua, vụ việc bé trai Nguyễn Đắc Ng. (7 tuổi), trường Tiểu học thị trấn Lương Bằng, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên bị đàn chó tấn công tử vong khiến dư luận vô cùng xôn xao.
Theo người dân, chủ đàn chó dữ trên là bà Lê Thị A. (thị trấn Lương Bằng, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên). Sau khi sự việc đau lòng xảy ra, bà A. đã theo chân người thân đưa thi thể cháu bé về quê nhà ở huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh mai táng.
Chiều 4/4, lực lượng công an huyện Kim Động, lãnh đạo UBND huyện Kim Động kết hợp cùng các ban ngành huyện đã có mặt tại nhà bà A. Trước mắt cơ quan công an sẽ tiến hành vây bắt đàn chó dữ để người dân nơi đây yên tâm hơn.
Sau khi sự việc đau lòng này xảy ra, nhiều người đặt ra câu hỏi liệu chủ nuôi chó có bị xử lý hình sự? Nhiều ý kiến cũng cho rằng người dân từng nhiều lần nhắc nhở bà A. rọ mõm, nhốt đàn chó vì chúng thường xuyên cắn người, động vật khác nhưng chủ nuôi này vẫn thả để rồi xảy ra sự việc thương tâm trên.
Video người dân theo dõi lực lượng chức năng làm rõ vụ chó cắn bé trai 7 tuổi tử vong.
Về vấn đề này, trao đổi với chúng tôi, luật sư Giang Hồng Thanh (Văn phòng Luật sư Giang Thanh, Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, sự việc bé trai 7 tuổi bị chó cắn tử vong ở Hưng Yên là một trường hợp hết sức đau lòng và cho thấy thực trạng đáng báo động của tình trạng nuôi chó thả rông và không sử dụng rọ mõm như hiện nay.
“Có thể thấy, việc để chó chạy rông không có người đi kèm hoặc có người đi kèm nhưng không sử dụng rọ mõm tại nơi công cộng đang gây ra những nguy hiểm tiềm tàng cho người khác. Trên thực tế có nhiều trường hợp người dân bị chó cắn gây thiệt hại đến sức khỏe, tiền bạc và không ít trường hợp còn nguy hiểm đến cả tính mạng,” luật sư Thanh cho hay.
Luật sư Thanh cho rằng, dưới góc độ pháp lý, trong trường hợp ở Hưng Yên, bầy chó dữ không hề được rọ mõm và đã lao vào tấn công một cháu bé mới 7 tuổi khiến cháu tử vong sau đó.
“Trong các trường hợp chó không được rõ móm cắn người khác ở nơi công cộng gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe (với tỷ lệ tổn thương cơ thể trên 61%) thì chủ nuôi có thể bị xử lý hình sự về tội “Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người” theo Điều 295 Bộ luật Hình sự 2017.
Theo đó, chủ nuôi chó có thể sẽ phải nộp phạt số tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Ngoài ra chủ chó còn phải bồi thường cho người bị thiệt hại theo Điều 603 Bộ luật dân sự quy định về “Bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra,” luật sư Thanh phân tích.
Về chế tài xử lý tình trạng chó mèo thả rông nói chung, luật sư Thanh cho rằng, từ nhiều năm trở lại đây, đã có rất nhiều quy định bắt buộc đối với chủ nuôi chó, mèo.
Cụ thể, theo Nghị định số 05/2007/NĐ-CP ngày 9/1/2007 về phòng, chống bệnh dại ở động vật, chủ nuôi chó khi đưa cho ra ngoài nơi cộng cộng phải rọ mõm chó phải thực hiện các quy định như: Đăng ký việc nuôi chó với Ủy ban nhân dân cấp xã tại các đô thị, nơi đông dân cư; Xích, nhốt hoặc giữ chó; đảm bảo vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng tới người xung quanh. Ở nơi công cộng, nơi đông dân cư, khu đô thị khi đưa chó ra ngoài, phải nhốt, giữ chó trong chuồng, cũi hoặc phải rọ mõm và có người dắt.
“Chủ nuôi chó, mèo phải xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình; bảo đảm vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng xấu tới người xung quanh. Khi đưa chó ra nơi công cộng phải bảo đảm an toàn cho người xung quanh bằng cách đeo rọ mõm cho chó hoặc xích giữ chó và có người dắt; Nuôi chó tập trung phải bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, không gây ồn ào, ảnh hưởng xấu tới những người xung quanh”, luật sư Thanh lý giải.
Về hình thức xử lý, luật sư Thanh cho hay: “Chính phủ ban hành Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013, tại điểm c khoản 1 Điều 5 có quy định như sau: “Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi thả rông động vật nuôi trong thành phố, thị xã hoặc nơi công cộng.
Còn theo Nghị định 90/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2017, điểm b khoản 2 Điều 7 quy định: “Phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: b) Không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng.”
“Như vậy đã có khá nhiều văn bản quy phạm pháp luật quy định về vấn đề chủ nuôi để chó chạy rông ngoài đường. Tuy nhiên có thể thấy mặc dù đã có nhiều chế tài xử lý nhưng tình trạng chó thả rông, không rọ mõm vẫn khá phổ biến. Điều này có nghĩa là số người bị phạt tiền chưa nhiều đến mức khiến người ta phải nghiêm chỉnh chấp hành,” luật sư Thanh nói thêm.
Chiều 4/4, ông Nguyễn Văn Học, Chủ tịch UBND huyện Kim Động, Hưng Yên cho biết đã chỉ đạo công an huyện điều tra vụ bé trai 7 tuổi ở thị trấn Lương Bằng bị đàn chó gần chục con tấn công khiến tử vong.
Theo ông Học, ngay trong đêm xảy ra sự việc, Công an đến khám nghiệm hiện trường, lấy lời khai và về nhà gia đình nạn nhân để khám nghiệm pháp y, làm rõ nguyên nhân.
Ngoài ra, UBND huyện tổ chức cuộc họp khẩn chỉ đạo các đơn vị chức năng, trong đó có cán bộ thú y đến làm việc với chủ đàn chó để xử lý. Tuy nhiên, chủ đàn chó đang đi Bắc Ninh dự đám tang cháu bé nên cơ quan chức năng chưa thể làm việc.
Sau sự việc trên, ngày 4/4, UBND huyện Kim Động đã ra văn bản yêu cầu các xã tăng cường phòng ngừa, tiêm phòng và nuôi nhốt chó đúng quy định. Các đơn vị thú y được giao thường xuyên kiểm tra, xử phạt các gia đình thả rông chó không đeo rọ mõm.