Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Đây là cách ứng xử giữa con người với con người sao?

"Đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại" là một truyền thống cao đẹp của dân tộc ta. Dù kẻ đó có tội lớn cỡ nào đi chăng nữa, nếu "chạy lại" tức là đã biết nhận sai, đã biết hối cải và bao dung là điều cần thiết. Vậy nhưng, hình như số đông lại không nghĩ như vậy!

Những tội ác được nhân danh Công Lý

“Của đau con xót” - mất của ai cũng tiếc, ai cũng xót xa và ai cũng phẫn nộ với những kẻ lười biếng hành nghề “hai ngón”. Có ai mà không yêu thương con vật mình nuôi, có ai mà không đổ mồ hôi nước mắt để có được chút của cải mua sắm vật dụng. Bị ăn trộm, ăn cắp hẳn nhiên ai cũng tức tối. Thế nhưng, tức giận và trút giận là hai chuyện khác nhau.

Chúng ta có quyền tức giận nhưng không có quyền trút giận lên người đã gây tội bởi đó là công việc của những nhà quản lí và thực thi pháp luật. Tội của họ sẽ được định trạng và được xử phạt. Và cũng bởi chúng ta đang sống trong một nhà nước được điều hành bởi luật pháp mà luật pháp thì luôn thượng tôn. Và cũng bởi bất cứ một người phạm tội nào đều có quyền được xét xử bởi một phiên toà chứ không phải đám đông.

Đám đông nhân danh Công Lý để được mạt sát, đánh đập, tra tấn, xúc phạm, nguyền rủa những người phạm tội. Đám đông trút lên họ sự bực tức. Đám đông thể hiện uy quyền với một người không có khả năng chống cự giữa đám đông đang hăng máu. Đám đông đang biến đồng bào của mình thành một thứ đồ mua vui, thành một loại dụng cụ để tra tấn. Họ treo xác con chó đã chết lên cổ người phụ nữ định đánh cắp nó. Họ trích điện vào người trộm chó để “hiểu được cảm giác mày trích con chó như thế nào”. Họ bắt người đàn ông già đáng tuổi cha chú họ guỳ gối, ngậm con gà đã chết vào mồm và đeo lên cổ. Họ lột sạch quần áo của người đàn ông trộm chó, đánh đến bất tỉnh rồi vứt ở bở ruồng. Tất nhiên, tất cả các vụ việc đó đều được quay phim lại và phát tán trên mạng.

Chiếc khăn quàng đỏ có làm ai đó nhức nhối về sự tàn ác của người đeo tấm biển lên cổ bé gái này?

Chiếc khăn quàng đỏ có làm ai đó nhức nhối về sự tàn ác của người đeo tấm biển lên cổ bé gái này?

Công Lý đang được đám đông xử trí như trò tra tấn man di mọi rợ của thời trung cổ. Cả người mất lẫn người không mất đều lao vào “thượng cẳng chân hạ cẳng tay”, cứ như thể gia tài của họ chắt chiu từ hàng chục năm qua bỗng dưng bị ăn trộm hết. Họ hành xử cứ như thể đó là quyền của họ, thậm chí, họ còn bao vây cả công an xã không cho áp tải người phạm tội lên công an huyện như với trường hợp người phụ nữ bị đeo chó lên cổ kể trên.

Quyền của sự tức giận của họ quá lớn. Đó là quyền của lẽ phải hay một dạng tội ác khác đang được núp bóng thứ quyền lực đáng sợ đó?

Trăm năm bia đá còn mòn…

Thế nhưng, đó chưa phải là điều đáng sợ nhất. Điều kinh khủng nhất chính là “nghìn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”. Mỗi vụ việc xảy ra ở một nơi làng quê nào đó, sau khi cả một cộng đồng “chung tay giải quyết” thì vụ việc đó không thể nào có thể im ắng được. Dẫu có thì đó cũng chỉ là sự im ắng tạm thời trong một thời gian ngắn mà thôi. Câu chuyện về chiến tích đó sẽ được “lưu truyền” nhưng không bởi một bất cứ sổ sách nào, sẽ chỉ bằng những trí nhớ siêu phàm từ đầu đường đến cuối chợ, từ gốc đa tới bờ ao, từ giếng làng tới đình chùa. Tất cả sẽ hỉ hả khi nhắc lại chuyện đó, tất cả sẽ vui vẻ nhắc lại câu chuyện họ đã “tra tấn” người ăn trộm chó như thế nào.

Khi chính quyền cũng bất lực với sự trừng phạt của đám đông.

Khi chính quyền cũng bất lực với sự trừng phạt của đám đông.

Họ sẽ nhân danh tình yêu dành cho con chó để nhục mạ đồng loại, nhưng cách mà họ làm là họ đang tiếc của, đang phẫn uất (có thể cả vì những chuyện khác không liên quan tới) để dồn lên đầu của người phạm tội bằng sự nhân danh tình yêu đó. Nếu như có nói, họ phẫn uất vì tiếc của chứ không phải vì tình yêu dành cho loài động vật đó có sai không? Chắc chắn không, bởi nếu thực sự coi con chó như một thành viên trong gia đình thì sẽ chẳng ai cam tâm nhìn thành viên đó nằm chết giữa đường, được ném qua ném lại, được đeo lên cổ đi khắp phố như thế.

Vậy nhưng họ sẽ chẳng bao giờ mảy may suy nghĩ về hệ quả của những việc họ làm ảnh hưởng tới cuộc đời người khác như thế nào. Phạm tội có pháp luật xử. Người phạm tội sẽ phải trả giá cho sai lầm đó. Thế nhưng chắc gì khi đã bị phạt xong họ được “tha” thực sự? Họ liệu có bị một ai đó “phục kích” đánh giữa đường vì thấy án phạt chưa thích đáng? Rồi khi họ vui lên thì có thể chỉ thẳng mặt người đã từng phạm tội kia khi vô tình gặp lại ở đâu đó mà hét lên đầy hỉ hả rằng: Quân ăn cắp chó!

Một kiểu lăng nhục công khai đáng sợ.

Một kiểu lăng nhục công khai đáng sợ.

Những lời mạ lị đó sẽ khiến người nhận chỉ biết cúi đầu mà lẩn đi mất. Nhưng họ có đáng bị vậy không? Không, hoàn toàn không. Có ai dám nói rằng những người ăn cắp sẽ cả đời đi ăn cắp để mạ lị họ như vậy giữa đám đông. Họ cũng là con người, biết sai và sửa, biết quay đầu và hoàn lương. Tại sao không mở một con đường cho họ mà cứ phải dồn người ta vào đường cùng như vậy?

Rồi con cái họ hàng thân thuộc của những người như vậy thì sao? Những đứa bé đâu có tội nhưng giờ đây phải “gánh” thêm tội của bố/ mẹ chúng. Tuổi trẻ non nớt liệu chịu được sự phỉ báng đó. Bạn bè nhòm ngó, nói xấu từ sau lưng cho tới trước mặt, liệu trong trường hợp vậy, chúng ta có chắc là chịu nổi điều đó không chứ đừng nói đến một đứa nhỏ? Tất cả điều đó đang được giúp sức bởi mạng xã hội và những clip lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội. Đó là “bằng chứng” thuyết phục nhất cho mỗi lần ai đó muốn chửi rủa, lăng mạ hoặc xúc phạm người khác, họ sẽ lôi những thứ đó ra để xỉa xói người nhận rằng: Đẹp mặt chưa!

Khi tội ác núp dưới cái bóng của sự trừng phạt, điều đó thật vô cùng đáng sợ!

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Đức Thành

Được quan tâm

Tin mới nhất
Giới trẻ nghĩ gì về Yamaha Janus hoàn toàn mới, nâng cấp có xứng đáng?
Lee Hooyeon kể trải nghiệm thú vị khi cùng Wukong hẹn hò tại New World Phu Quoc