Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Đây là cách nữ sinh Việt thu nhập hơn 2.000 USD mỗi tháng ở Nhật dù chỉ mới ra trường

Theo Trí Thức Trẻ Theo dõi Saostar trên google news

"... công việc nào cũng vậy, thu nhập càng cao luôn đi kèm với trách nhiệm càng lớn. Trước khi mơ về 2.000 USD hay 10.000 USD, các bạn trẻ Việt Nam luôn cần nỗ lực, cố gắng và chuẩn bị sẵn tinh thần cho "cái giá" của 2.000 USD hay 10.000 USD".

1

Trong những ngày vừa qua, câu hỏi của một nữ sinh viên Học viện Kỹ thuật mật mã: “Em phải học thế nào để lương khởi điểm 2.000 USD/tháng?” đã làm nóng dư luận, đồng thời tạo ra nhiều luồng ý kiến trái chiều.

Một số người đánh giá đây là mong ước viển vông, nhưng cũng không ít ý kiến cho rằng nữ sinh này đang có một cách nhìn tích cực và phần nào thể hiện được khát vọng nghề nghiệp.

Nhằm đi tìm lời giải cho câu hỏi nêu trên, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Hồng Thắm, một nữ sinh có thu nhập hơn 2.000 USD và cũng vừa mới ra trường cách đây chừng 3 tháng.

- Chào Thắm, bạn có thể chia sẻ đôi điều về mình cho mọi người cùng biết không?

- Mình là Hồng Thắm, hiện đang làm việc tại Nhật Bản, cụ thể là thành phố Tokyo, công ty Bigtree Technology & Consulting. Mình hiện là một lập trình viên tại Nhật, và cũng mới ra trường từ tháng 9 vừa qua thôi.

Vị trí của mình là System Analyst (Tạm dịch: Phân tích hệ thống), viết tắt là SA. Cấp độ của mình là SA1 (có thể hiểu là Phân tích hệ thống cấp độ 1 - thấp nhất), làm việc cố định tại văn phòng công ty, với công việc thường ngày là code (lập trình), test (kiểm thử) hoặc viết thiết kế.

- Thắm có ngại không khi chia sẻ với mọi người về mức lương của mình?

- Mức lương SA1 tại Tokyo như mình là 300.000 yên Nhật - tương đương khoảng 60 triệu đồng/tháng. Sau 1 năm công tác, nếu làm tốt công việc được giao, mình sẽ được lên lương.

Nghe có vẻ cao với người Việt, chứ thực ra với một công việc tại Nhật Bản, mức lương này không hề cao, thậm chí là khiêm tốn.

- Đâu là yếu tố tiên quyết để giành được một công việc “trong mơ” như vậy?

- Theo mình, học tiếng sẽ luôn là ưu tiên số 1. Dù bạn có đi tới đâu làm việc, người ta cũng luôn yêu cầu phải biết tiếng bản địa. Như đi Mỹ thì cần biết tiếng Anh, đi Nhật sẽ cần biết tiếng Nhật.

Do đó, nếu muốn đi Nhật thì trước hết bạn phải giao tiếp được căn bản cái đã, ít nhất là khi phỏng vấn phải trả lời được các câu hỏi của bên tuyển dụng.

Thường thì họ ít khi đặt ra những hỏi câu khó liên quan đến chuyên môn, mà phần lớn chỉ hỏi những câu liên quan đến mong muốn, hay là nguyện vọng của mình thôi.

Càng giỏi tiếng Nhật, cơ hội được tuyển dụng và nhận mức lương “trong mơ” càng cao.

Văn phòng làm việc tại Bigtree Technology & Consulting, Nhật Bản.

Văn phòng làm việc tại Bigtree Technology & Consulting, Nhật Bản.

- Để có được mức lương và công việc này, Thắm đã phải chuẩn bị những gì?

- Như mình đã nói, học tiếng, biết tiếng là điều đầu tiên các bạn muốn đi Nhật cần phải chuẩn bị. Sau đó mới là chuyên môn. Bởi đòi hỏi của các công ty Nhật Bản về bằng cấp, chuyên môn không hề cao như nhiều người vẫn nghĩ.

Như mình ứng tuyển vào Bigtree Technology & Consulting tại Nhật, vị trí SA1 yêu cầu 3 tiêu chí: chỉ cần tốt nghiệp Đại học, nói được tiếng Nhật, và có nguyện vọng làm về công nghệ thông tin.

Sang đây rồi, mình mới thấy người Nhật rất linh hoạt với các phương án tuyển dụng, họ không hề cứng nhắc như vẻ bề ngoài:

+ Nếu không giỏi chuyên môn, tiếng Nhật của bạn phải rất siêu để bù lại, phải là chứng chỉ N1 (chứng chỉ tiếng Nhật cấp độ cao nhất) ấy.

+ Còn như mình, thiên về chuyên môn, công ty chỉ yêu cầu chứng chỉ N3 (thấp hơn N2, N2 thấp hơn N1) và giao tiếp được.

Bản thân mình đã học và luyện thi chứng chỉ N3 trong 1 năm liên tục, từ không biết gì thành giao tiếp được. Lời khuyên của mình là các bạn nên tập trung vào việc học để đạt cho bằng được chứng chỉ. Còn vừa làm, vừa học sẽ rất dễ bị phân tâm. Đi làm về mệt rồi, mà học tiếng Nhật lại khó sẽ rất nhanh chán.

- Có thật là đòi hỏi của các công ty Nhật Bản về bằng cấp, chuyên môn không hề cao?

- Sự thật là vậy. Hầu như công ty nào ở Nhật Bản cũng xác định phải training cho nhân viên mới từ vài tháng tới một năm.

Nên ngay cả khi không giỏi chuyên môn, công ty cũng sẽ training cho bạn, từ không biết thành biết làm.

Thực tế, không nhiều công ty Nhật Bản quan tâm tới điểm số khi xem CV ứng tuyển. Quan trọng là lúc vào làm công ty, bạn có thích ứng được phong cách, cũng như cường độ làm việc ở đây không.

Có 2 ví dụ mình đã gặp ở ngay Bigtree Technology & Consulting chi nhánh Tokyo.

+ Một chị mình biết đã tốt nghiệp Chuyên ngành tiếng Nhật tại Đại học Quốc Gia, có chứng chỉ N1. Dù không học CNTT, nhưng vẫn được tuyển dụng như bình thường.

+ Một em cũng làm việc tại Bigtree Technology & Consulting, năm nay mới 21 tuổi thôi. Em này không hề học Đại học đâu nhé, hết cấp 3 là đi làm luôn và hiện đang nắm giữ vị trí cao hơn cả mình.

Vậy đấy, công ty Nhật không hề trọng bằng cấp như nhiều bạn trẻ tưởng tượng.

Một buổi họp bàn công việc tại Bigtree Technology & Consulting.

Một buổi họp bàn công việc tại Bigtree Technology & Consulting.

- Mới ra trường có 3 tháng đã được công ty Nhật Bản tuyển dụng, Thắm có bí quyết gì không?

- Theo mình, “mới ra trường” chỉ nên là một mốc thời gian cho vui, còn nếu muốn thu nhập tốt, vị trí tốt, bạn phải bắt đầu tìm kiếm cơ hội ngay từ khi ngồi trên ghế Đại học.

Ở Nhật, các công ty thường phỏng vấn ứng viên từ khi mới Đại học năm 3, năm 4. Tới lúc bạn ra trường là có thể đi làm luôn, nếu đã đầy đủ hồ sơ.

Còn chờ tới khi bạn “ra trường” rồi mới bắt đầu tính tới chuyện ứng tuyển, xin việc, mọi thứ lại rất khó khăn. Nói đúng hơn là chậm chân.

Như ở Nhật, ứng tuyển lúc còn học Đại học thường rất dễ, hầu như không đòi hỏi gì nhiều. Nhưng ra trường rồi, các công ty sẽ tính bạn là người đã đi làm, đòi hỏi phải có kinh nghiệm, phỏng vấn khắt khe hơn, yêu cầu trình độ cao hơn, nói chung là rất khó.

- Nhiều người sẽ thắc mắc, ngồi ở Việt Nam, làm sao ứng tuyển được công ty Nhật, Thắm đã giải bài toán này như thế nào?

- Bản thân mình đi theo con đường: tự ứng tuyển với công ty Nhật Bản. Nhưng bên cạnh đó còn có rất nhiều con đường khác để sang Nhật làm việc:

+ Nếu bạn thực sự giỏi tiếng Nhật, bạn có thể lên ngay các trang tuyển dụng Nhật Bản để tìm công việc phù hợp. Phương án này chủ động nhất, nhưng yêu cầu bạn phải giỏi tiếng.

+ Bạn nên tích cực tham gia các hội chợ việc làm tại Việt Nam có doanh nghiệp Nhật Bản tham dự. Khi đi nhớ chuẩn bị sẵn CV, vì biết đâu, công ty Nhật có thể phỏng vấn bạn ngay tại đó. Phương án này cơ hội là 50%.

+ Bạn cũng có thể trông chờ vào trường Đại học. Vì thường các công ty Nhật Bản sẽ liên kết với trường Đại học Việt Nam, mở ra học bổng, hoặc trao đổi sinh viên. Phương án này còn tùy thuộc xem trường bạn có liên kết với các công ty nước ngoài không.

+ Cuối cùng là tìm tới các công ty tuyển dụng làm việc ở Nhật ngay tại Việt Nam. Phương án này rủi ro nhiều nhất, vì bạn dễ gặp phải tình trạng lừa đảo. Hoặc nếu có tuyển dụng thành công như hứa hẹn, bạn cũng mất một khoản tiền lớn tạm gọi là môi giới.

- Vậy sang Nhật Bản làm việc, Thắm có gặp phải khó khăn gì không?

- Có chứ, bản thân mình đã gặp phải không ít khó khăn khi mới sang Nhật.

Bạn đi làm ở nước Nhật thì phải tuân theo phong cách của người Nhật, như tuân thủ giờ giấc, báo cáo hằng ngày… Nói chung, đôi lúc cũng rất mệt mỏi. Thêm vào đó, mình là con gái, không có gia đình, bạn bè ở cạnh, nên suốt ngày sáng đến công ty, rồi tối lại về nhà một mình.

Lương thì nói nghe nhiều vậy, chứ trừ thuế, tiền nhà, ăn uống, đi lại, các loại tiền khác, mỗi tháng cũng chỉ để ra nhiều là 1/3 lương ấy. Sống và làm việc tại Tokyo nói riêng, Nhật Bản nói chung rất đắt đỏ.

Nhưng mình tin chắc rằng, công việc nào cũng vậy, thu nhập càng cao luôn đi kèm với trách nhiệm càng lớn. Trước khi mơ về 2.000 USD hay 10.000 USD, các bạn trẻ Việt Nam luôn cần nỗ lực, cố gắng và chuẩn bị sẵn tinh thần cho “cái giá” của 2.000 USD hay 10.000 USD.

- Cảm ơn Thắm. Chúc bạn luôn thành công nhé!

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Theo Trí Thức Trẻ

Được quan tâm

Tin mới nhất