Trong những lần ngồi uống cùng đám bạn trong những quán nhậu vỉa hè Sài Gòn, khi cao hứng, trong bàn sẽ có đứa hát dăm câu, sẽ có đứa cầm đũa gõ vào bát, sẽ có đứa cầm thìa gõ vào chai. Bỗng dưng bàn nhậu biến thành một “dàn hợp xướng”, nghe vui tai, thích thú và sảng khoái. Rồi, cũng có lần, có người đàn ông ôm đàn guitar ghé đến, ngồi lại và hát dăm bài nhạc sến, đổ vài câu vọng cổ, uống cạn li bia, nhận chút tiền lòng thành của người nhậu. Ông vui vẻ đến bàn khác để hầu chuyện. Cuộc sống ngay cả những lúc giải trí nhất cũng cần những tiếng ca, cần những thanh âm để cuộc sống muôn màu, đầy thú/ thi vị.
Tôi cũng lại nhớ rằng, mỗi năm khi đám bạn cấp 3 họp lớp sau khi ra trường thường là đi ăn uống ở nhà hàng nào đó rồi đến “tăng hai” là đi hát karaoke. Hát thì ít mà quậy phá nhau thì nhiều. Đứa nhảy nhót, đứa gào thét trong micro, đứa ăn uống, chẳng đứa nào ăn nhập với đứa nào nhưng quan trọng nhất là vui. Cuộc sống của những ông bố bà mẹ trẻ vốn đầy áp lực và đau đầu, lâu lâu đám bạn học phổ thông tụ tập nhau lại, “vui tới bến” cũng là điều đáng quý. Lần nào gặp cũng chỉ có chừng đó: đi ăn và đi hát, nhưng lần nào cũng đông đủ, cũng xôm tụ, cũng vui vẻ và xả stress. Trong đám bạn đó của tôi đủ thành phần, từ quan chức nhà nước, bà nội trợ, doanh nhân, buôn bán nhỏ lẻ, nghiên cứu sinh, v.v… Nhưng khi đã ngồi vào với nhau chẳng ai quan trọng bạn làm gì, chức tước ra sao, miễn là chia tiền đều và niềm vui san sẻ với nhau đầy đủ. Cuộc sống đôi khi chỉ cần vậy thôi, vui và hạnh phúc!
Một đám cháy là một tai nạn đáng tiếc. Hư hại vật chất là điều đáng buồn. Mất mát về người là điều đáng thương. Buồn - Thương - Tiếc cho một sự việc đã là quá nhiều. Đâu cần phải thêm những phán xét để mọi chuyện thêm nặng nề, thêm bức bối và thêm tàn nhẫn với nhau? Đó chính là chuyện danh sách 13 nạn nhân của vụ cháy ở Trần Thái Tông, Hà Nội vẫn được lan truyền trên mạng và nhận những chỉ trích từ số đông.
Thực lòng mà nói, khi đọc những comment, những chỉ trích đó, tôi đã lạnh người và tự hỏi: Mọi người đang làm gì vậy? Chẳng phải chúng ta vẫn nói với nhau “nghĩa tử là nghĩa tận“, người cũng đã không còn, nỗi đau ở lại và có nhất thiết phải khoét sâu thêm vào nỗi đau đó bằng những chì chiết, những cạnh khoé, bằng sự bỉ bôi để những người thân của những nạn nhân đọc được cũng là thêm một lần nữa nỗi đau nhân lên. “Sinh hữu hạn, tử bất kì“, nào ai biết được đời mình sống bao lâu, nào ai biết được sự tang thương lại ập đến sau niềm vui lớn đến vậy. Họ cũng chỉ là những khách hàng bình thường như bao người khác thiếu may mắn vào một ngày kết thúc khoá học thôi mà? Tội chi mà lên án họ bởi một hoạt động vui vẻ bình thường?!
Những người chỉ trích có cả một nghìn lí do để lên án nhưng họ quên mất một điều rằng họ không phải là những nạn nhân, họ không từng là người khác sao họ hiểu được hoàn cảnh thực sự của những người xấu số đó như thế nào để lên án. Họ có ăn cắp giờ cơ quan hay không cũng đâu đến lượt người ngoài lên tiếng. Họ đi hát karaoke mà bị lên án là sống đời sống hưởng thụ thì cuộc sống này biết bao người đã hưởng thụ như vậy?
Mỗi ngày mở báo ra đọc, thấy cháy, thấy lụt lội, thấy cướp giật, thấy tai nạn, thấy giết người và thấy cả nhiều thứ khác. Mở mạng xã hội ra để liên kết bạn bè thấy những phán xét, thấy những ném đá, thấy những hả hê và thấy nhiều nhất là những tội ác. Những tội ác đi ra từ một cái Tâm hẹp hòi được mệnh lệnh hoá bằng những bàn phím gõ ngày gõ đêm, bằng miệng lưỡi cay độc, bằng đầu óc bệnh hoạn và bằng cả sự không ngay thẳng của một đời sống. Thấy đáng sợ cho những thứ đã thấy, đã nghe, đã đọc và đã sợ.
Mỗi người ai cũng chỉ một lần sống. Và, ai cũng chỉ một lần chết. Biết vậy thì đừng bao giờ bắt họ phải chết thêm 1 lần nữa bằng những lời lẽ vô tri nhưng đầy sự vô lương trong đó.
Xin đừng quên câu: Nói lỗ mạnh, quanh lỗ tai, hai vai lại gánh.