Sau hàng loạt tiêu cực trong chấm thi THPT quốc gia 2018 ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, nhiều lãnh đạo đại học đặt lại vấn đề tự chủ tuyển sinh.
Tổ chức thi riêng rất phức tạp và tốn kém
Sau nhiều năm ấp ủ, năm nay Đại học Quốc gia TP HCM lần đầu tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực, lấy kết quả tuyển sinh vào các đại học thành viên. Đây được xem là hình thức tuyển sinh riêng, tăng cơ hội trúng tuyển cho thí sinh.
PGS Nguyễn Hội Nghĩa (nguyên Phó giám đốc Đại học Quốc gia TP HCM) chia sẻ không hẳn là không tin kỳ thi THPT quốc gia, nhưng dần dà phải tăng số lượng chỉ tiêu theo các cách khác, trong đó phải tăng dần thí sinh được tuyển bằng kỳ thi năng lực, như vậy mới tăng sự chủ động cho trường.
Tuy nhiên, để tổ chức được một kỳ thi đánh giá năng lực riêng, theo PGS Nghĩa không hề đơn giản. Đầu tiên họ phải tập hợp được đội ngũ giảng viên đại học các môn khoa học cơ bản, giáo viên ở trường phổ thông, trường chuyên để xây dựng ngân hàng câu hỏi. Trải qua nhiều vòng thẩm định, phản biện ở các hội đồng chuyên ngành, chỉnh sửa, bổ sung mới hoàn thiện được đề thi.
Kinh phí chuẩn bị và tổ chức một kỳ thi như vậy, theo ông Nghĩa, lên đến nhiều tỷ đồng. Do đó không phải trường nào cũng đủ nhân lực, kinh nghiệm và chi phí để tổ chức một kỳ thi đánh giá, lựa chọn thí sinh riêng. Một trường tiêu biểu có thể kể đến là Đại học Luật TP HCM với ba năm khá thành công.
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó phòng Đào tạo Đại học Công nghiệp TP HCM, cho rằng chủ động trong tuyển sinh thì trường nào cũng muốn, nhưng tổ chức kỳ thi riêng trong bối cảnh hiện nay là rất khó, vì tốn kém nguồn lực. Trừ trường năng khiếu, các trường đào tạo kỹ sư, công nghệ, kinh tế tổ chức thi riêng, chủ yếu là đánh giá năng lực theo học ngành thí sinh đăng ký, việc làm hiện chưa cần thiết.
Lãnh đạo một đại học tại TP HCM cho rằng việc tự tổ chức tuyển sinh riêng rất tốn kém, cần nhiều nguồn lực nên giải pháp là tận dụng tối đa phương án tuyển sinh “cứng” như tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển hoặc xét học bạ. Phần lớn chỉ tiêu còn lại, các trường sẽ chọn bằng kết quả thi THPT quốc gia.
“Trong chiến lược dài hạn, các trường cần thủ sẵn phương án riêng cho mình phòng tình huống bất lợi, nhưng trước mắt vẫn tận dụng kỳ thi quốc gia khi vẫn còn được duy trì”, ông chia sẻ.
Các đại học có thể liên kết tổ chức kỳ thi riêng
Theo PGS Nguyễn Hội Nghĩa, hiện tại các trường thành viên Đại học Quốc gia TP HCM, tỷ trọng thí sinh được tuyển theo phương thức xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển và sử dụng kết quả đánh giá năng lực còn ít, gần 30%. Trong tương lai cần tăng tỷ trọng ở các phương thức này để giữ cân bằng với thi THPT quốc gia.
Với các trường muốn chủ động tuyển sinh nhưng chưa đủ khả năng tổ chức kỳ thi riêng, thầy Nghĩa cho rằng có thể liên kết với các đại học tạo thành một khối sử dụng kết quả kỳ thi chung. Hoặc, các trường có thể liên kết với Đại học Quốc gia TP HCM cùng chia sẻ kết quả thi năng lực - nếu kỳ thi này được đánh giá là ổn trong năm học đầu tiên.
Ông cũng cho rằng Việt Nam nên học hỏi kinh nghiệm làm kỳ thi chung ở các nước tiến tiến, nhất là Mỹ khi họ kiểm tra khá toàn diện nhiều góc cạnh, kỹ năng. Kết quả của kỳ thi cũng không phải là tiêu chí quyết định để vào đại học, mà còn kết hợp với bài phỏng vấn, viết luận hoặc giới thiệu bản thân.
Ông Phạm Thái Sơn ở Đại học Công nghiệp TP HCM kể, trường từng tính đến việc liên kết sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội từ nhiều năm trước để phục vụ tuyển sinh. Trong tương lai, nếu có kỳ thi riêng do đại học hoặc một trung tâm khảo thí khác tổ chức có chất lượng đảm bảo, trường sẵn sàng tham gia, đề nghị được sử dụng kết quả.
TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm khảo thí và Đánh giá chất lượng (Đại học Quốc gia TP HCM) cho rằng trong tương lai, cần tách bạch hai mục tiêu thi và tuyển. Khi đó, việc công nhận tốt nghiệp được giao lại cho Sở Giáo dục địa phương, còn các đại học chủ động tuyển sinh bằng các hình thức riêng.
TS Chính đề xuất, cần thành lập các trung tâm khảo thí cấp quốc gia độc lập, cung cấp những kỳ thi phục vụ tuyển sinh theo đặt hàng của các đại học.