Vài ngày nay, dư luận đang xôn xao quanh vụ lùm xùm tố nhau của vợ chồng đại gia cafe Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ. Mặc dù không “nhiều chuyện” như trong showbiz, nhưng những cuộc “tan đàn xẻ nghé” của các đại gia tiền tỷ cũng khiến dư luận quan tâm không kém. Ngoài những số tiền lên đến hàng trăm, ngàn tỷ đồng, thì cách đối xử với nhau hậu ly hôn giữa các vị này cũng khiến nhiều người bàn tán.
Những vụ “chia vương quyền” gây chấn động giới doanh nhân
Năm 2005, Sài Gòn dậy sóng khi tin tức về vụ ly hôn của “vua bánh mì” Kao Siêu Lực được lan truyền. Đây có lẽ là vụ phân chia quyền lực dai dẳng nhất trong lịch sử ly hôn của các doanh nhân lớn khi kéo dài tận 2 năm.
Nhưng điều khiến người ta quan tâm nhất chính là cách ứng xử có tình có nghĩa của ông Kao Siêu Lực. Ông đã đồng ý để vợ tiếp tục nắm giữ thương hiệu Đức Phát và khởi nghiệp lại từ đầu chỉ với 1 triệu USD. Nắm giữ phần xưởng cung cấp bánh, ông không cắt nguồn cung cho chuỗi cửa hàng bánh Đức Phát ngay lập tức, mà để bà ổn định nguồn hàng mới rút chân ra.
Bằng nghị lực và sự hỗ trợ của 3 người con, ông đã làm nên tiếng vang cho thương hiệu mới của mình. ABC Bakery là minh chứng cho sự thành công ấy. Đến bây giờ, người ta vẫn chưa hết thán phục cách hành xử có tình có nghĩa của Kao Siêu Lực.
Câu chuyện ly hôn êm đềm nhất lịch sử ly hôn doanh nghiệp có lẽ là vụ 1.000 tỷ đồng của cựu phó chủ tịch FPT vào năm 2007. Nhân vật chính là ông Lê Quang Tiến - Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển đầu tư công nghệ FPT và bà Lê Thị Hồng Hải. Đây cũng được mệnh danh là vụ ly hôn tốn kém nhất trong lịch sử, khi mà ông Tiến chia đôi số cổ phiếu sở hữu và chuyển nhượng 1,8 triệu cổ phiếu FPT cho vợ cũ. Tuy nhiên, câu chuyện này cũng chìm vào quên lãng theo thời gian bởi vì không có vụ tranh chấp nào xảy ra giữa hai bên.
Vụ “chia vương quyền” đắt giá nhất trong lịch sử có lẽ là câu chuyện của Tập đoàn Bảo Sơn. Câu chuyện ly hôn giữa ông Bùi Đức Minh và bà Nguyễn Thanh Thủy (phó chủ tịch tập đoàn Bảo Sơn) đã gây ra những cơn “dư chấn” khá mạnh trong dư luận khi mà khối tài sản tranh chấp lên đến 10.000 tỷ đồng. Một con số mà những người bình thường chỉ có thể nghe thấy trong phim.
Vụ ly hôn tranh chấp 288 tỷ đồng của doanh nhân Nguyễn Đức An và siêu mẫu Ngọc Thúy cũng tốn kém không ít giấy mực của giới truyền thông, bởi số tài sản tranh chấp không hề nhỏ. Việc ly hôn giữa “chân dài” và “đại gia” luôn là đề tài mà cả hai giới showbiz và doanh nghiệp đều quan tâm.
Điểm nổi bật của chuyện ly hôn này là độ ồn ào của nó. Ngọc Thúy và chồng liên tục xuất hiện trên mặt báo tố giác lẫn nhau. Ngay đến khi đại gia Đức An lấy vợ mới gần đây, Ngọc Thúy vẫn chưa nguôi chuyện xưa, liên tục “đá xéo” chồng cũ trên trang cá nhân.
Sau đó, năm 2012, dư luận tiếp tục hoang mang khi lại xảy ra vụ ly hôn giữa ông Trần Văn Mười và bà Phạm Thị Hương Giang của Tập đoàn quốc tế Năm Sao. Khối tài sản tranh chấp trong vụ ly hôn này là 2.000 tỷ đồng. Điều “khuấy động” dư luận nhất chính là những tình tiết bất thường trong câu chuyện này. Bà Giang “tố” chồng đã tẩu tán nhiều tài sản, lập danh sách chủ nợ “ma” nhằm chiếm đoạt tài sản tạo dựng trong thời kỳ hôn nhân. Chính vì sự phức tạp đó, mà vụ này tranh chấp này đến nay vẫn chưa có hồi kết.
Khi câu chuyện này chưa dứt thì câu chuyện khác lại tiếp nối. Gần đây, vụ tranh chấp của gia đình đại gia cà phê Trung Nguyên đã khiến cho truyền thông và dư luận đưa ra nhiều lời đồn đoán. Liệu rằng đây sẽ là một vụ ly hôn đắt giá tiếp theo? Câu trả lời vẫn đang được chờ đợi.
Khi yêu thương đã đến giới hạn và trách nhiệm không còn đủ mạnh mẽ để níu kéo những vụn vỡ, thì ly hôn là một bước đi thật hiển nhiên trong đời sống vợ chồng. Những vụ ly hôn của đại gia khiến những người ngoài cuộc chú ý bởi các vụ kiện tụng, tranh chấp không hồi kết và những khối tài sản kếch xù. Dường như những ánh hào quang của thành công đã vô tình nhấn chìm cuộc sống hôn nhân của nhiều doanh nhân. Một thành công không trọn vẹn của những người thành đạt Việt.