Gắn bó với mảnh đất thủ đô nhiều năm, anh Phạm Văn Hưng (SN 1985, quê Nam Định) mưu sinh bằng nhiều công việc nhưng cuối cùng bám trụ với nghề đạp xích lô ở phố cổ.
“Ngày trước xích lô có mặt trong cuộc sống sinh hoạt thường nhật của người dân. Từ ngày bị hạn chế hoạt động, xích lô chỉ dành cho du khách thăm quan hoặc các sự kiện cưới, hỏi.
Thu nhập không cao nhưng mỗi tháng trừ đi các khoản sinh hoạt phí, tằn tiện tôi cũng gửi về cho vợ con được 4 - 5 triệu đồng.
Ngoài chở khách du lịch quanh phố cổ và hồ Gươm, tôi thường nhận chạy thuê cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ cưới”, anh Hưng tâm sự.
Theo anh Hưng, vài năm trở lại đây, người Hà Nội bắt đầu có xu hướng hoài cổ, thích những nghi lễ phong tục xưa. Trong đó có cả việc dùng xích lô đón dâu hay rước tráp ăn hỏi.
Các xích lô được trang trí lọng vàng, gắn hoa, ghế đỏ bắt mắt. Tài xế mùa hè mặc sơ mi trắng, quần âu, mùa đông mặc vest, cài nơ đỏ trên cổ áo.
“Các gia đình khá giả họ thuê từ 10 đến 20 chiếc, nhà kinh tế bình thường thì thuê 5 - 7 chiếc. Giá thuê dao động từ 300 - 500 nghìn đồng/buổi hoặc 100 nghìn đồng/tiếng, tùy thuộc vào quãng đường.
Nếu đi trong phố cổ hoặc quanh Hoàn Kiếm thường chúng tôi được thuê theo giờ nhưng các quận khác họ sẽ thuê theo buổi. Sau đó, chủ cơ sở cưới hỏi sẽ cắt tiền công lại cho chúng tôi”, anh Hưng kể.
Từng tham gia nhiều lễ cưới hỏi từ nhỏ đến lớn, anh Hưng đặc biệt ấn tượng với đám cưới con trai vị đại gia kinh doanh đất và trà mạn ở Phú Thọ cuối năm 2017.
Ngoài khu biệt thự rộng rãi ở Việt Trì (Phú Thọ), ông có vài căn biệt thự ở Hồ Tây (Hà Nội).
Nhà trai và nhà gái ở cùng phố, chỉ cách nhau vài bước chân. Cô dâu, chú rể là bạn học từ nhỏ, lớn lên ra nước ngoài du học, định cư luôn bên đó. Để chuẩn bị hôn lễ, hai vợ chồng về Việt Nam trước ba tháng.
Điều kiện kinh tế hai gia đình đều khá giả nên họ chuẩn bị cho đám cưới rất hoành tráng, gây xôn xao cả vùng. Tất cả rạp cưới, bàn ghế… đều là đồ cao cấp, thiết kế cả sân khấu bằng hoa tươi, nhạc nước mini.
Sau lễ ăn hỏi, bố chú rể quyết định thuê 50 chiếc xích lô, dùng container chở từ Hà Nội lên Việt Trì để rước sính lễ đồng thời làm xe đón dâu.
Anh Hưng cùng các đồng nghiệp được gia đình nhà trai bố trí 2 chiếc xe khách đón. 50 tài xế đêm đó nghỉ tại khách sạn của gia chủ.
Các tài xế dậy từ sáng sớm, thay trang phục rồi xếp hàng chuẩn bị cho lễ ăn hỏi. Người cao tuổi trong họ được ưu tiên ngồi xe, nam thanh nữ tú tản bộ sang nhà cô dâu.
Khoảnh cách hai nhà khoảng 200 m, đoàn xích lô được yêu cầu chở đoàn rước sính lễ đi 2 vòng quanh phố, sau đó mới dừng trước cổng hoa nhà gái. Thấy đám hỏi quy mô, hoành tráng, người dân hai bên đường tò mò đứng xem, trầm trồ, thích thú.
Ngày cưới, cô dâu mặc áo dài, đeo kiềng, đi hài nhung, khuôn mặt trang điểm nhẹ nhàng, được chú rể rước về bằng chiếc xích lô trang trí công phu.
“Đây là lần đầu tiên tôi tham dự tiệc cưới có nhiều món sơn hào hải vị như tôm hùm, rượu ngoại, thịt ngỗng Pháp.
Thù lao 2 buổi làm, ông ấy trả cho 1,5 triệu đồng/xe”, lái xe xích lô sinh năm 1985 nhớ lại.
Việc phục vụ đám cưới như vậy không chỉ dừng lại ở khía cạnh kiếm tiền mà với những người làm nghề như anh Hưng còn là niềm vui khi góp sức vào sự kiện trọng đại của người khác.
Tuy nhiên bên cạnh đó, anh gặp không ít phiền toái từ các khách hàng khó tính.
Đám hỏi thường được tổ chức vào sáng sớm hay giữa trưa để không gặp trở ngại về giao thông. Thế nhưng có gia đình xem thầy, lại chọn vào giờ cao điểm, lượng xe cộ lưu thông trên đường lớn, dẫn đến đoàn xe xích lô bị ách tắc tại các điểm đèn xanh, đèn đỏ.
“Mặc dù bên dịch vụ có tư vấn nhưng gia đình không đồng ý vì thầy phán “chỉ giờ đó là đẹp, quá giờ cô dâu, chú rể hay gặp trục trặc hôn nhân”.
Sợ chậm giờ lành, gia đình liên tục giục tôi phải chuyển hướng sang đường khác đi cho nhanh. Nhưng đang lúc tắc đường như vậy, lùi xe là việc làm bất khả thi.
Một bà lớn tuổi còn càu nhàu, mắng mỏ cánh lái xe lề mề, làm trễ nải công việc đại sự của gia đình. 20 phút sau đoàn xe rước lễ mới thoát khỏi chỗ ùn tắc, may mắn đến nhà gái chỉ muộn 10 phút.
Trước khi khởi hành tôi giao hẹn trước tình huống giao thông có thể làm chậm giờ khoảng 10 đến 20 phút, họ vui vẻ đồng ý. Tuy nhiên người phụ nữ lớn tuổi trên chẳng nể mặt, mắng xối xả các tài xế ngay gần cổng hoa”, anh Hưng chia sẻ thêm.
Những tình huống kể trên chỉ là một trong vô vàn những câu chuyện mà anh Hưng cùng các lái xe xích lô gặp phải trong quá trình làm nghề.
“Sự cố gặp phải là điều không mong muốn nhưng làm nghề dịch vụ, anh em đều động viên nhau phải nhẫn nhịn, phục vụ họ chu đáo”, người đàn ông bộc bạch.