Gia đình đông thành viên, mấy thế hệ luôn đoàn kết, yêu thương nhau giữa xã hội hiện đại vô cùng hiếm. Bởi cuộc sống xô bồ, gánh nặng cơm áo gạo tiền... mấy ai nghĩ được cho "gia đình to".
Tuy nhiên ở Bình Định có một đại gia đình vẫn làm được điều đó: luôn đoàn kết, thường xuyên tụ tập ăn uống và đi du lịch cùng nhau. Thậm chí họ còn trở thành tấm gương để người dân trong vùng học tập.
"Gia đình em có hơn 120 thành viên, gồm 4 thế hệ. Ông nội em vừa bước sang tuổi 87, còn bà đã qua đời. Ông bà sinh được 14 người con, bố em là người con thứ 12.
Các bác, cô và chú của em lập gia đình và đều sinh 3-4 người con. Sau đó các anh chị em họ của em kết hôn, sinh con đẻ cái. Vì thế quân số trong đại gia đình cứ dần dần tăng theo thời gian" cô gái Gen Z chia sẻ.
Bản thân Thùy Trang có nghe các bác kể rằng ngày xưa ông bà nội cô tin vào việc “nhiều con là nhiều của” nên mới sinh đến 14 người con. Sau đó ông bà nuôi nấng chu toàn, không để bất cứ ai phải cực khổ. Đặc biệt sau này các bác, cô bà chú của cô gái lập gia đình còn được ông bà tậu cho mỗi người một miếng đất làm nhà.
Nhắc đến Tết Nguyên đán vừa qua gia đình có tụ tập đông đủ hay không, Thùy Trang cho biết năm nào các gia đình nhỏ cũng đến nhà ông nội chúc Tết. Song thực tế không thể đủ tất cả thành viên vì một số người ở nước ngoài không về quê ăn Tết do bận công việc.
“Dù không đủ tất cả nhưng Tết nào nhà ông nội em cũng đông đúc con cháu ghé tới. Theo truyền thống từ mấy chục năm trước, cứ mùng 1 Tết là gia đình em sẽ tập trung tại nhà chú út – hiện sống cùng ông nội để thắp hương gia tiên, sau đó ra mộ bà nội dâng hương rồi kéo nhau đi chúc Tết từng nhà đến 9 giờ tối mới xong.
Mùng 2 dâu rể về ngoại theo truyền thống Tết của người Việt. Đến Mùng 3, con cháu lại tập trung về nhà nội để mở tiệc ăn uống vui vẻ. Tất cả sẽ cùng nhau nấu mâm cỗ đoàn viên, vui vẻ ăn uống rồi lại cùng nhau rửa bát, dọn dẹp. Mỗi người một công việc phù hợp với bản thân và ai cũng hạnh phúc vì điều đó.
Sang Mùng 5 Tết, đại gia đình của em sẽ tổ chức đi du xuân cùng nhau. Em luôn khoe với chúng bạn rằng nhà ông nội có đông con cháu nhưng luôn đoàn kết và yêu thương nhau. Em tự hào khi là thành viên của gia đình”, Thùy Trang tâm sự.
Mỗi lần giỗ chạp hoặc lễ tết, gia đình Thuỳ Trang phải chuẩn bị hơn chục mâm cỗ. Do không gian nhà ông nội nhỏ hẹp nên các thành viên phải chia nhau ra: tốp ăn trước, nhóm ăn sau.
Về chuyện gia đình đông người như vậy có nhớ hết tên các cháu hay không, Thuỳ Trang cho biết việc nhớ hết tên của nhau là “chuyện hên xui”. Cô thừa nhận, bản thân chỉ nhớ tên của các bác, cô, chú và anh chị em họ, còn các cháu chắt thì quên tên một số người.