Ngày 23/12, chúng tôi gặp vợ chồng ông Lê Thanh Bạch, bà Lý Thị Thùy Linh trong cơ ngơi khang trang của vợ chồng ông bà tại ấp Khúc Tréo (xã Tân Phong, thị xã Giá Rai, huyện Giá Rai, Bạc Liêu). Dù vẫn còn khá mệt vì đám cưới con vừa kết thúc nhưng ông bà vẫn vui vẻ trò chuyện.
“Chúng tôi không chơi nổi”
Phóng viên: Thưa ông, có quá nhiều thông tin về đám cưới “khủng” của gia đình trên các phương tiện truyền thông, ông có cảm thấy bị sốc?
Ông Lê Thanh Bạch: Gia đình tôi rất cởi mở, cũng không cảm thấy sốc vì những việc đó đúng là việc mình đã làm. Những gì báo Pháp Luật TP HCM thông tin là đúng. Còn một số báo khác thì tôi không biết. Chúng tôi tổ chức đám cưới trong niềm vui chung của cả xóm, mừng cho hai cháu. Ai ở xã này đều không lạ gì gia đình tôi nên nói gia đình tôi chơi nổi là không hiểu về chúng tôi.
Ông bà nói rằng mọi khâu thiết kế, trang trí đều do gia đình tự làm, vậy vì sao chi phí lại lên đến 600 triệu đồng cho cái rạp cưới?
Ông Lê Thanh Bạch: Đó là chi phí để bỏ ra mua các nguyên vật liệu dựng rạp. Toàn bộ chúng tôi đều mua hết vì đã có dự tính làm rạp để luôn cho bà con tham quan, vui chơi, sinh hoạt. Sắt thép để làm bộ khung với diện tích 3.000 m2 chắc chắn không phải số tiền nhỏ. Rồi hệ thống chiếu sáng bằng đèn LED cho diện tích này, sân khấu, vải voan… Mấy đối tác làm ăn của tôi từ Sài Gòn về, nhìn rạp cưới đều không tin tôi làm với giá 600 triệu đồng. Họ nói nếu thuê mướn đơn vị thiết kế thì phải cả tỉ đồng mới được. Tính ra do nhân công nhà, thêm vợ chồng con cái cùng đồng lòng hiệp lực để làm nên đã tiết kiệm được một khoản đáng kể (cười).
Với những chi phí mà ông bà phải bỏ ra để làm rạp cưới, thuê ca sĩ và các khoản khác, nhiều người cho rằng đám cưới quá xa xỉ và hoang phí, ông bà nghĩ sao?
Bà Lý Thị Thùy Linh: Đúng là chúng tôi bỏ nhiều tiền để tổ chức đám cưới. Nhưng đó là món quà mà cha mẹ nào cũng mong muốn trao tặng cho con. Hơn nữa, việc làm rạp cưới kiên cố là chúng tôi có mục đích rõ ràng.
Tự “cày” như con nhà nghèo
Có vẻ như ông bà rất cưng con?
Bà Lý Thị Thùy Linh: Vợ chồng tôi thương con nhưng không chiều con đâu.
Khi đưa thằng Vũ (chú rể - anh Lê Lý Huy Vũ) đi du học (sau khi học hết cấp 3), vợ chồng tôi chỉ đưa con sang Úc, đóng học phí cho con và lo chỗ ở để học. Còn lại các khoản sinh hoạt phí thì thằng Vũ đều phải tự mình xoay xở. Thằng Vũ đã làm đủ nghề để có tiền trang trải việc học, từ phục vụ quán ăn, khuân vác ở hãng xưởng và vô vàn công việc khác. Không ai ở khu vực thằng Vũ ở nghĩ rằng nó là con một đại gia thứ thiệt. Ngay cả cô con dâu tôi, là bạn học cùng trường với thằng Vũ, cũng chỉ biết rồi yêu thằng Vũ từ sự đồng cảm. Con dâu tôi không hề biết gia thế của gia đình cho đến khi thằng Vũ ngỏ lời cưới và ba mẹ hai bên tiến tới nói chuyện.
Còn khi vợ chồng tôi sang Úc mua hẳn một nhà hàng để cho con trai kinh doanh với giá 750.000 USD, mua thêm một căn hộ 700.000 USD làm quà cưới cho vợ chồng con trai thì mọi người bên Úc mới vỡ lẽ. Họ kháo nhau cái thằng “Tí ù” (tên thân mật của thằng Vũ) hồi giờ tưởng nó là con nhà nghèo, thấy đi học, đi làm kiếm tiền túi bụi, hổng dè nhà nó giàu dữ.
Sao ông bà lại có thể chấp nhận để con tự “cày” như vậy?
Bà Lý Thị Thùy Linh: Mình có điều kiện mà để con mình phải tự bươn chải ở xứ người, nhiều lúc hai vợ chồng xót ruột lắm nhưng phải cắn răng chịu vì muốn dạy cho con biết giá trị đồng tiền, để con trưởng thành. Được cái các con đều ngoan, hiểu chuyện. Trước khi được cha mẹ mua nhà hàng, thằng Vũ đã đi làm thêm bên Úc rồi để dành tiền, mua được một phần hùn của một nhà hàng bên đó. Giây phút thằng Vũ điện thoại về khoe, vợ chồng tôi hiểu rằng đã có thể mạnh dạn giao cho con kinh doanh những tài sản lớn. Do thằng Vũ học về quản lý nhà hàng, khách sạn nên chúng tôi cũng không cưỡng ép con phải theo nghề của gia đình. Chồng tôi kỳ vọng ở cô con gái thứ hai, Lê Thanh Nhi 20 tuổi, hướng đến việc sẽ cho cháu tiếp quản cơ ngơi của gia đình tại xã Tân Phong, thị xã Giá Rai.
Không ít đại gia nợ nần chồng chất nhưng cũng chi đẹp để chơi nổi, làm cho hoành tráng, ông nghĩ gì về điều này?
Ai cũng quý gia đình ông Bạch
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Nam Quân, Bí thư Đảng ủy xã Tân Phong, cho biết Công ty Bạch Linh của gia đình ông Lê Thanh Bạch là một doanh nghiệp có uy tín tại xã. Đối với công nhân, họ rất được lòng vì chăm lo tốt cho đời sống của anh em. Đối với địa phương, ông Bạch - bà Linh là những người có nhiều đóng góp cho quỹ an sinh xã hội của địa phương. Bất cứ vận động nào cũng không từ chối.
“Riêng vấn đề tổ chức đám cưới, do anh Bạch có thông báo trước, xét thấy không ảnh hưởng gì thuần phong mỹ tục, mọi việc cưới tiệc diễn ra trong an ninh trật tự nên địa phương cũng không có ý kiến gì. Còn chuyện rạp cưới anh chị Bạch tính để cho người dân đến vui chơi, mua bán thì xã rất ủng hộ, sẽ cùng với công ty giữ gìn an ninh trật tự tại khu vực đó. Trước đây, Công ty Bạch Linh cũng đã cho nhiều người khó khăn được buôn bán, sinh nhai xung quanh khu vực đất của gia đình mà không lấy tiền” - ông Quân chia sẻ.
Còn bà Nguyễn Thị Ngọc, một hàng xóm của gia đình ông Bạch, bộc bạch: “Bà con khu vực chợ này mấy hôm nay vui như tết. Cái đám cưới nhà ông Bạch - bà Linh hoành tráng, có ca nhạc nên ai cũng trông chờ để đi coi. Mà gia đình họ hồi nào giờ tốt với người nghèo lắm, thường xuyên giúp đỡ cho những trường hợp khó khăn nên nhiều người quý mến”.
Món quà cưới gần 46 tỉ đồng
Trong những ngày qua, người dân ở xã Tân Phong (thị xã Giá Rai, Bạc Liêu) xôn xao về đám cưới “có một không hai” vì to chưa từng thấy ở khu vực này của gia đình ông Lê Thanh Bạch.
Gia đình chi hơn 600 triệu đồng để dựng rạp. Rạp tọa lạc trên phần đất rộng 3.000 m2, phải cần trung bình 20 người thợ thực hiện trong vòng một tháng để hoàn thành. Gia đình chú rể còn mừng cưới cho con trai và con dâu là một căn hộ trị giá 700.000 USD (gần 16 tỉ đồng) và 30 tỉ đồng.