Sắc màu Cuộc Sống

‘Đại chiến' taxi truyền thống và Uber, Grab: Cần một cuộc ‘phán xử’ công bằng

Ngô Bá Lục
Chia sẻ

Những ngày qua, dư luận lại thêm lần nữa xôn xao bởi phản ứng của taxi truyền thống đối với taxi hiện đại, khi làn sóng tài xế Vinasun dán băng rôn “phản đối” Uber, Grab ở phía đuôi xe.

Đây là động thái được coi như sự “biểu tình” của những người lái taxi truyền thống, mà cụ thể là hãng Vinasun - “ông lớn” trong làng taxi TP Hồ Chí Minh. Hành động này ngay lập tức gây ra cuộc tranh luận trái chiều, trong đó rất nhiều cư dân mạng nhiệt tình ủng hộ taxi “công nghệ” (Uber, Grab).

Hành động “biểu tình” có thể cảm thông…

Trên góc độ cảm tính, người ta vẫn có thể thông cảm cho Vinasun cũng như các hãng taxi truyền thống khác. Đơn giản, khi họ đang làm ăn một cách thuận lợi, cạnh tranh bỗng chốc xảy ra. Giờ đây, “cuộc chiến” không còn đơn giản là chuyện các hãng truyền thống với nhau. Taxi truyền thống buộc phải đối mặt với một loại hình kinh doanh mới - loại hình mà vừa ra đời, nó đã “cuỗm” mất một thị phần quá lớn, khiến các hãng truyền thống được phen “lao đao”.

Từ khi Uber, Grab tham gia thị trường vận tải, chỉ trong thời gian ngắn, 2 hãng “xe công nghệ” này nhanh chóng được khách hàng tin dùng và cạnh tranh gay gắt với các hãng truyền thống. Ảnh: Thanh Niên.

Thế nên, họ phản ứng cũng là điều hoàn toàn bình thường. Có hai giả thiết cho hành động “treo băng rôn”: Hoặc là vô tình làm theo cảm tính, thấy bức xúc, khó chịu thì phản đối, “biểu tình”. Hai là, biết rằng làm thế sẽ vi phạm luật cạnh tranh, nhưng vẫn cố tình làm, bởi đó cũng coi như một lời “đánh tiếng” với không chỉ những nhà quản lý, mà còn đối với cả xã hội.

Suy cho cùng, cho dù với bất cứ giả thiết nào, việc treo băng rôn “biểu tình” của Vinasun cho thấy, họ đã thực sự bất ổn, bởi chắc chắn, hiệu quả kinh doanh đã bị giảm sút. Vì thế, những phản ứng của các hãng taxi truyền thống là hoàn toàn có thể hiểu được và nên cảm thông xét theo góc độ tình cảm.

… Nhưng có thể vi phạm Luật cạnh tranh

Tuy nhiên, xét trên góc độ kinh tế, việc Vinasun treo băng rôn phản đối Uber, Grab có thể vi phạm Luật cạnh tranh. Và như thế, sự thiệt thòi lại càng nặng nề hơn đối với taxi truyền thống.

Có thể nói, từ khi Uber, Grab ra đời, taxi truyền thống bỗng nhiên mất vị thế “độc quyền”. Từ việc khách hàng phải phụ thuộc vào taxi, bất tiện trong việc gọi xe, không kiểm soát được chi phí phát sinh thực tế, thì Uber và Grab đã phá bỏ được những nhược điểm đó. Hình thức vận hành rất hiện đại, văn minh, tiện lợi của Uber, Grab ngay lập tức chiếm lĩnh thị trường và tạo nên cơn sốt. Khách hàng đã không phải gọi xe lên tổng đài rồi ngồi chờ xe, hay nhao ra đường vẫy taxi giữa giời mưa gió hoặc nắng gắt, mà chỉ cần ngồi trong phòng lạnh, bật điện thoại lên, làm vài động tác là có thể chọn được xe, thậm chí đổi xe nếu nhìn ảnh tài xế “không mấy tin tưởng”. Rồi khách hàng kiểm soát được số tiền mình sẽ phải trả, thời gian xe đến đón, lộ trình xe sẽ chạy (tất nhiên là cung đường ngắn nhất, nhanh nhất).

Taxi truyền thống dán decal “biểu tình” phản đối Uber, Grab. Ảnh: Lao động.

Với những tiện ích vô cùng đặc biệt, Uber và Grab ngay lập tức chiếm thế thượng phong. Lượng khách hàng lớn nhất chính là dân văn phòng và đối tượng từ 20 tuổi trở lên. Vừa tiện lợi, vừa rẻ, vừa “sang chảnh” vì xe không có “mào” và cũng không gắn chữ taxi như các hãng truyền thống, vì lẽ đó, Grab và Uber đáp ứng được gần như tất cả các tiêu chí của khách hàng, cho nên nó trở thành sự lựa chọn tối ưu là điều rất dễ hiểu.

Trong nền kinh tế thị trường, các sản phẩm phải cạnh tranh quyết liệt để tồn tại, nhưng cần lành mạnh và quan trọng là đúng luật. Mỗi một sản phẩm được tung ra thị trường đều được các nhà đầu tư tính toán rất kỹ lưỡng, ngoài tiêu chí chất lượng, mẫu mã, hình thức, còn cần sự phù hợp về văn hoá, lối sống, tác phong của đối tượng khách hàng họ nhắm đến.

Khẩu hiệu “biểu tình” của hãng taxi Vinasun. Ảnh: Báo đất Việt.

Với Uber, Grab - một hình thức taxi mới, được ra đời dựa trên những ứng dụng công nghệ tiên tiến đáp ứng được nhu cầu và đánh trúng thị hiếu khách hàng, nên ngay lập tức chiếm lĩnh thị trường và ngày càng phát triển, đó cũng chính là đối thủ mạnh mẽ và đầy “nguy hiểm” đối với các hãng taxi truyền thống, cho nên, việc cạnh tranh, thậm chí cạnh tranh khốc liệt diễn ra là điều không mấy khó hiểu.

Cần một “người phán xử” công bằng

Tất cả mọi sự cạnh tranh đều được xử lý công bằng trước Pháp luật. Ở đây, “cuộc đại chiến” giữa taxi truyền thống và Uber, Grab cũng có thể xem là màn mở đầu cho sự cạnh tranh giữa cái cũ và cái mới, giữa doanh nghiệp nội địa và có yếu tố nước ngoài… trong ngành giao thông vận tải.

Uber, Grab tiện ích như đã thấy! Ngoài ra, nó còn tiết kiệm chi phí cho người dùng và góp phần tăng thu nhập quốc dân (cả người dùng và hãng taxi), đó là ưu điểm rất lớn cũng chính là xu thế phát triển của đời sống hiện đại, khi nền công nghệ số phát triển như vũ bão tạo ra nhiều tiện ích cho đời sống xã hội.

Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, việc các hãng taxi truyền thống bỗng chốc một ngày phát triển theo một hình thức mới mà hình thức ấy cũng chẳng khác gì Uber, Grab là điều không tưởng. Các hãng taxi lớn như Vinasun, Mai Linh…với số tiền đầu tư khổng lồ và hàng ngàn người lao động bị ảnh hưởng bởi cuộc cạnh tranh này là điều ai cũng nhìn thấy.

Đó cũng chính là vấn đề khiến các “nhà cầm quân” đau đầu nhất. Các chính sách bảo hộ sản xuất trong nước sẽ chỉ hỗ trợ được phần nào, bởi thực tế, dù Uber và Grab có yếu tố nước ngoài, nhưng rõ ràng hoạt động kinh doanh vận tải của họ lại diễn ra trong nước, do người Việt Nam thực hiện và phục vụ chính người Việt Nam, thì cũng không thể coi như một nhãn hàng quốc tế 100% nhập khẩu vào quốc nội để áp dụng hình thức áp thuế cao như các sản phẩm xe hơi, máy móc thiết bị ngoại nhập khác.

Vì thế, cuộc cạnh tranh giữa taxi truyền thống và taxi hiện đại rất cần một sự “phán xử” công bằng nhưng vẫn đảm bảo được yếu tố hỗ trợ sản xuất kinh doanh trong nước. “Phán xử” thế nào để vừa kích thích được các doanh nghiệp trong nước phát triển, vừa tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài, mà vẫn bảo đảm những tiện ích tốt nhất, phù hợp nhất cho người tiêu dùng, đó là một bài toán khó mà các nhà quản lý kinh tế cần sớm có câu trả lời.

Chia sẻ

Bài viết

Ngô Bá Lục

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất