Cùng với sự phát triển của mạng xã hội, con người ngày càng có nhiều cơ hội và điều kiện thuận lợi để làm việc thiện cũng như kết nối, chia sẻ và giúp đỡ lẫn nhau hơn. Có lẽ phần nào vì thế mà newsfeed Facebook vài năm trở lại đây thường xuyên xuất hiện những bài viết dưới hình thức “Ai đi ngang hãy giúp đỡ…”.
Theo đó, cư dân mạng không phân biệt độ tuổi, nghề nghiệp, giới tính… đều tích cực quan tâm và chia sẻ không ngừng nghỉ, không suy xét về những hoàn cảnh cần được giúp đỡ mà họ vô tình nhìn thấy đâu đó giữa bộn bề cuộc sống hàng ngày.
Đặc biệt, thời gian gần đây xuất hiện nhiều trường hợp những người buôn bán ngoài đường được cộng đồng mạng “bi kịch hóa” hoàn cảnh để kêu gọi mọi người ủng hộ. Tuy xuất phát từ lòng tốt nhưng không phải lời kêu gọi giúp đỡ nào đối với những hoàn cảnh như thế cũng xác đáng.
Thực tế, họ cũng chỉ là những người lao động để kiếm sống như bao người bình thường khác. Sự đáng thương của họ có chăng chỉ là việc họ phải dầm mưa, dãi nắng ngoài đường phố cả ngày và sự vất vả của họ được nhiều người, trong đó có người chia sẻ chứng kiến. Nhưng tựu chung lại thì bản chất mỗi công việc đều có những vất vả đặc trưng của nó và mỗi con người đều có những trách nhiệm của riêng mình.
Một bất cập khác dễ xảy ra của mô týp “Ai đi ngang hãy giúp đỡ…” là sự giúp đỡ thái quá từ phía những người hưởng ứng, ủng hộ. Sức lan truyền nhanh rộng như vũ bão của mạng xã hội khiến cho những hoàn cảnh đáng thương có thể tiếp cận một lượng độc giả đông đảo hơn rất nhiều so với dự đoán của người chia sẻ thông tin.
Hệ quả này giống như con dao hai lưỡi. Mặt tốt là người cần giúp được giúp. Còn mặt trái là việc cùng lúc có quá nhiều người quan tâm, giúp đỡ sẽ làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, công việc thường ngày và thậm chí cả thái độ sống của người được giúp đỡ.
“Hiện tượng” anh đánh giày câm và chú cún mù rộ lên vào tháng 8 vừa qua là một ví dụ tiêu biểu. Chưa kể những trường hợp nghèo khó khi nhận được sự giúp đỡ ồ ạt từ trên trời rơi xuống đã đâm ra biến chất, tha hóa như trường hợp người cha của hai bé Huyền và Thoại.
Không phủ nhận việc mỗi người lên tiếng kêu gọi “Ai đi ngang hãy giúp đỡ…” đều có một động cơ khác nhau, có người vì tấm lòng nhân ái thực sự, có người vì dư thừa lòng trắc ẩn (dễ thương cảm, hay bi kịch hóa vấn đề) và cũng có người vì thích thể hiện, câu view cho mình… Nhưng suy cho cùng dù xuất phát từ động cơ nào thì hành động nghĩa hiệp của cộng đồng mạng cũng đã giúp cho cuộc sống của ít nhất một người nào đó trở nên dễ dàng hơn và trên hết niềm tin về tình người trong cuộc sống sẽ được lan tỏa rộng rãi trong xã hội. Sự san sẻ và tình yêu thương giữa con người với nhau là điều rất đáng trân trọng và khuyến khích nhân rộng, đặc biệt trong bối cảnh xã hội hiện đại ngày nay, khi mà những giá trị vật chất dường như có phần vượt trội so với những giá trị tinh thần.
Tuy nhiên, mọi người cần lưu ý lòng nhân ái phải được tỉnh táo đặt đúng lúc, đúng chỗ, đúng chừng mực và trao cho đúng đối tượng. Để không phải ngậm ngùi rơi vào cảnh vì lòng tốt mà tự hại mình, hại người, các cư dân mạng nên tỉnh táo trong việc tìm hiểu, chia sẻ và tiếp nhận thông tin về các hoàn cảnh cần giúp đỡ được đăng trên mạng. Mặt khác, trước khi chia sẻ hoàn cảnh của ai đó lên mạng xã hội, chúng ta cần xin phép sự đồng ý của nhân vật bởi không phải ai cũng muốn hoàn cảnh của mình được chia sẻ rộng rãi với mọi người. Lòng tự trọng là thứ chúng ta cần giữ cho người mình quý mến.