Phát biểu trong phiên khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam (Vietnam Business Summit - VBS) 2017 diễn ra tại Đà Nẵng vào ngày 7/11, vị chính khách người Đức mang dòng máu Việt nhấn mạnh rằng giới trẻ chính là nguồn lực lớn nhất của Việt Nam.
Với chủ đề “Cải thiện môi trường kinh doanh để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia”, ông Philipp Rosler, Giám đốc điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) bày tỏ niềm tin rằng Việt Nam sẽ cải thiện được năng lực cạnh tranh và tạo môi trường kinh doanh, đầu tư tuyệt vời trong tương lai.
Ông Rösler cho rằng: “Tính đến nay, tài sản lớn nhất của Việt Nam không phải dầu khí, cơ sở hạ tầng hay công nghệ, mà chính là giới trẻ”. Tuy vậy, tài sản này cần có sự phối hợp hiệu quả của mô hình đối tác công tư, cần những chính sách và thể chế đúng đắn để phát triển năng suất lao động cho Việt Nam.
Chủ tịch WEF cho biết, đây không chỉ là ý kiến của riêng ông, mà còn là đánh giá từ rất nhiều nhà nghiên cứu từ các tổ chức uy tín toàn cầu như Ngân hàng Thế giới (WB) hay Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Dẫn Báo cáo về Năng lực Cạnh tranh Toàn cầu của Ngân hàng Thế giới 2017, ông cho thấy Việt Nam đã tăng 5 bậc so với năm 2016, và trong vòng 5 năm qua Việt Nam đã tăng được 20 bậc.
Ngài cựu Phó Thủ tướng Đức nhấn mạnh sự phát triển ấn tượng này có được là do sự đóng góp rất lớn của chính phủ Việt Nam trong nỗ lực đảm bảo nhà nước pháp quyền, chống tham nhũng và tạo ra khuôn khổ pháp lý đảm bảo môi trường kinh doanh công bằng và đầy tính cạnh tranh.
Sau khi tạo ra khung pháp lý đúng đắn, nhiệm vụ của các lãnh đạo doanh nghiệp là thuê nhân công, tạo công ăn việc làm cho người lao động giúp tăng thu nhập cho doanh nghiệp và người lao động; khuyến khích người dân làm ăn kinh doanh, tăng lãi suất và giảm thua lỗ.
Ông đánh giá ở Việt Nam trong suốt những năm qua đã có sự hợp tác tuyệt vời giữa khu vực công và tư. Điều này cho thấy Việt Nam đang đi đúng hướng để phát triển kinh doanh trong tương lai.
Giám đốc WEF cũng chia sẻ trong buổi nói chuyện: “Trước khi trở thành Giám đốc WEF, tôi từng là Bộ trưởng Kinh tế Đức đảm trách việc đào tạo nghề trong nước. Tại Đức, công tác đào tạo nghề diễn ra rất thành công. Mọi miêu tả về công việc ở đều được chính phủ điều chỉnh thông qua luật trong khi phần giải thích chi tiết công việc là của phía doanh nghiệp. Phối hợp công tư, thảo luận để xác định nhu cầu và công việc trước khi đặt vào khung pháp lý để điều chỉnh.”
Nguyên bộ trưởng kinh tế Đức cho hay, nước Đức là quốc gia đề cao việc tuân thủ pháp luật. Tất cả các quy định về nghề nghiệp, tiêu chí tuyển dụng đều được mô tả kỹ lưỡng trong luật của liên bang. Các doanh nghiệp luôn trao đổi thẳng thắn với các cơ quan chức năng về nhu cầu tuyển dụng cũng như các vấn đề khác liên quan đến lao động.
Sự hợp tác giữa công và tư thể hiện rõ qua việc: những người lao động được trả lương 5 ngày nhưng chỉ phải làm việc 3 ngày, còn lại 2 ngày họ tham gia các khóa đào tạo nghề, bàn thảo với các cơ quan chức năng về những điều chỉnh cần thiết. Quá trình này sẽ diễn ra trong 3 năm.
Ý tưởng này không chỉ tạo ra số lượng lớn hồ sơ mô tả nghề nghiệp chi tiết để dùng trong tuyển dụng, mà còn thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ giữa khối tư nhân và nhà nước nhằm đạt được những thành công chung.
Cuối cùng, vị chính khách người Đức cho biết việc cải thiện kỹ năng làm việc cho lao động trẻ là cách tốt nhất để Việt Nam cải thiện năng lực cạnh tranh, tăng năng suất lao động. Khối tư nhân ở Việt Nam cần hợp tác mật thiết hơn nữa với các cơ quan chức năng vì mục tiêu chung.
“Nâng cao năng lực của thanh niên là cách tốt nhất để nâng cao năng lực cạnh tranh. Vì vậy, khu vực công cần phối hợp với khu vực tư để làm được điều đó. Giới trẻ cũng là tài sản Việt Nam đáng tự hào và có thể là chìa khóa để thu hút đầu tư nước ngoài,” ông Rösler nói.