Theo cáo trạng, khoảng 12 giờ ngày 18/10/2015, Tuấn và Tân đi xe máy, chở nhau đến quán Biển Xanh trên địa bàn Q.Thủ Đức để xin việc làm.
Trên đường đi, cả hai đói bụng nhưng không có tiền nên nảy sinh ý định cướp bánh mì ăn.
Đến trước một tiệm tạp hóa tại P.Linh Chiểu, Q.Thủ Đức, Tuấn ngồi sau xe kêu chủ tiệm tạp hóa bán 2 bọc chuối sấy, 1 ổ bánh mì ngọt, 1 bịch đậu phộng rang muối và 3 bịch me trộn đường.
Khi chủ tiệm mang hàng ra xe thì Tuấn dùng tay trái giật lấy túi thức ăn, Tân tăng ga xe máy bỏ chạy. Chủ tiệm tạp hóa tri hô, người dân vây bắt được cả 2, chuyển cho Công an P.Linh Chiểu xử lý.
Tại cơ quan điều tra, Tuấn và Tân cùng khai nhận hành vi phạm tội của mình. Kết quả giám định tổng trị giá tài sản 2 bị cáo cướp được là 45.000 đồng
Cáo trạng của Viện KSND truy tố hành vi phạm tội của Tân, Tuấn là “cướp tài sản” thuộc trường hợp dùng thủ đoạn nguy hiểm theo Khoản 2, điều 136 Bộ luật Hình sự, với mức hình phạt từ 3-10 năm tù.
Theo luật sư Đỗ Hải Bình (Trưởng Văn phòng luật sư Quốc Anh, Đoàn luật sư TP.HCM): “Căn cứ vào khoản 4 điều 8 BLHS thì mặc dù đủ yếu tố cấu thành tội phạm nhưng tính nguy hiểm cho xã hội không có thì có thể xử lý cảnh cáo hay giáo dục phạt hành chính. Không nên truy tố hình sự, tạm giam các bị cáo như thế, sẽ phản tác dụng”.
“Về tố tụng, hành vi là có, nhưng hậu quả là chưa xảy ra, khi xem xét vụ án, cần biết nguyên nhân và động cơ phạm tội. Ở đây cần xem đạo lý và luân lý khi hai đối tượng đói quá mà làm liều.
Thử hỏi nếu biết bị đề nghị từ 3-10 năm tù thì hai đối tượng có dám ‘cướp’ để ăn hay không?” - Luật sư Nguyễn Văn Tài (Trưởng Văn phòng luật sư Mai Trung Tín, Đoàn Luật sư TP.HCM).
Chiều cùng ngày, TAND quận Thủ Đức cho biết, vụ án sẽ được tòa này đưa ra xét xử công khai vào ngày 17/5 sắp tới.