Dọc bờ sông Sài Gòn đoạn đường Trần Xuân Soạn, quận 7 và quận 8 - TP HCM tập trung rất nhiều hộ dân sinh sống trên các con thuyền. Đa số họ là dân từ miền Tây lên thành phố mưu sinh trước cuộc sống khó khăn ở quê nhà
Để có những góc nhìn chân thực về cuộc sống của nhóm dân cư đặc biệt này của Sài Gòn, nhóm phóng viên Saostar đã đến thăm thuyền của ông Nguyễn Văn Khôn (sinh năm 1959) và bà Lê Thị Tuyết Mai (sinh năm 1961) đậu tại bến ở đường Trần Xuân Soạn quận 7.
Ông Khôn và bà Mai cưới nhau đã 30 năm nay, đó cũng là cũng là khoảng thời gian mà ông bà đã gắn bó với cuộc sống lênh đênh trên mặt nước. Bà Mai tâm sự : “Hồi mới lấy nhau, tụi tui cũng có cất nhà dưới huyện Chợ Mới, An Giang, rồi cũng mua đất ruộng về làm, mà làm ăn không thấy khá. Thế là hai vợ chồng quyết định mua cái ghe này để làm ăn. Sống trên này lênh đênh cũng khổ nhưng bù lại mình có thu nhập để nuôi con cái. Giờ nhà vẫn có ở dưới quê, nhưng khóa cửa lại, gia đình sống chủ yếu trên ghe, sống riết cũng quen à”.
Ông Khôn kể lại ngày xưa có đi theo ghe thuyền của mấy người bạn, rồi được họ chỉ cho cách lái thuyền. Lúc đầu ông mua ghe nhỏ để mưu sinh, rồi từ từ đổi thành ghe to hơn như bây giờ.
Công việc chính của gia đình là nhận chở các nguyên vật liệu xây dựng từ An Giang lên TP.HCM và ngược lại. Cứ mỗi chuyến như vậy, ông bà mất một ngày để di chuyển và 4 ngày ở lại để giao hàng và nhận hàng cho chuyến về. Cứ như thế các chuyến hàng đưa ông bà đi về giữa hai miền đất.
Mỗi lần cập bến tại bờ sông, ông Khôn phải đóng tiền bến cho người quản lý bãi là 30 ngàn, đồng thời phải xuất trình các giấy phép hoạt động cho phía lực lượng cơ quan chức năng để tiện cho việc hoạt động.
Mỗi ngày bà Mai cùng con dâu đi mua thức ăn tại các chợ tạm trên bờ sông, rồi trở về thuyền. Thời gian rảnh, bà ngồi trò chuyện với những người sống trên các thuyền lân cận hay đọc sách báo cho khuây khỏa. Dù có tivi nhưng chỉ khi nào được phép câu điện vào nhà người dân hoặc tàu chạy thì mới xem được, còn lúc tàu dừng thì phải tiết kiệm ác quy để thắp đèn vào buổi tối.
Bà Mai cho biết : “Thường các thuyền chỉ bật đèn từ 6h tối, tới 9h tối thì tắt để thắp đèn dầu lên ngủ, cho tiết kiệm. Mà dạo này xuất hiện nạn ăn trộm trên ghe nhiều lắm. Có thuyền bán chuối, bị ăn trộm vào lấy hết 11 triệu tiền hàng hóa nên giờ ai cũng đề phòng!”.
Có với nhau 3 người con, nhưng hiện nay hai người con lớn đã lập gia đình ra ở riêng. Chỉ có gia đình người con trai út là ở cùng với ông bà trên thuyền và cũng là người sẽ kế nghiệp công việc này. Bà Mai bồi hồi nói: “Phận nghèo mà, chẳng mơ con cái giàu sang gì, sống trên sông trên nước, đâu có điều kiện học hành. Thấy tụi nó an bề gia thất là mừng lắm! Giờ thằng út chịu khó làm ăn, học nghề đi ghe cho giỏi là tui mãn nguyện rồi”.
Bà Mai cho biết cả nhà đã ăn cơm xong lúc 4h, sống trên thuyền ghe ăn cơm sớm ngủ sớm chứ buổi tối không có hoạt động nhiều. Sài Gòn đã lên đèn từ lúc nào, chúng tôi đứng trên thuyền và nhìn về phía những dãy nhà cao chọc trời. Phía bên kia sông những ánh đèn rực rỡ đối lập hoàn toàn với khung cảnh mà chúng tôi đang đứng.
Đâu đó, Sài Gòn vẫn còn những góc thầm lặng và bình yên đến lạ.