Hơn 20 đứa trẻ ở đây không được đến trường, sống trong cảnh nhếch nhác - không có điện và nước sạch để sinh hoạt.
Xóm nhà lá nằm gần chân cầu Sài (phường An Phú, quận 2, TP HCM) - tách biệt hẳn với thế giới bên ngoài, đã tồn tại hàng chục năm nay. Người dân ở xóm nhỏ hầu hết là những phận người nghèo khổ trôi dạt từ miền Tây lên làm thuê kiếm sống.
Xóm nhà lá với hơn 50 hộ gia đình sinh sống nằm sâu trong một con hẻm ngoằn ngoèo thuộc phường An Phú, quận 2. Nhiều người ví nơi đây giống như một khu “ốc đảo”, “xóm không điện” hay “xóm nhà lá có 1 không 2” ở Sài Gòn.
Muốn đi vào được bên trong xóm nhà lá phải vất vả tìm đường và vượt qua đoạn đất trống um tùm lau sậy mọc hai bên cùng những chiếc cầu gỗ xập xệ.
Nơi đây có khoảng hàng chục ngôi nhà, căn phòng tạm bợ dựng từ lá dừa, ván ép, tôn.
Xóm nhà lá đơn sơ nằm tách biệt bên dưới những cao ốc đồ sộ khiến nhiều người liên tưởng đến một bản làng yên tĩnh được thu nhỏ giữa lòng thành phố.
Theo chia sẻ của người dân ở đây, xóm nhà lá đã tồn tại rất nhiều năm. Khi những công trình cao ốc liên tục mọc lên nhiều người dân từ các tỉnh Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau… theo nhau lên đây thuê phòng trọ ở để tiện cho công việc làm công nhân. Do công việc đòi hỏi lâu dài nên nhiều người đã đưa cả vợ, chồng, con cái lên sinh sống.
Các hộ dân sinh hoạt trong cảnh nhếch nhác, rác thải vây kín xung quanh nhà. Ban đêm nhiều gia đình phải sống trong cảnh không có điện.
Trong xóm nhà lá có hơn 20 đứa trẻ ở đọ tuổi đến trường nhưng chỉ có 2 bé được đi học, những bé còn lại đều quanh quẩn ở nhà. Hằng ngày bọn trẻ phải sống trong cảnh mất vệ sinh, bệnh tật. Mỗi khi trời mưa lớn, nước ngập vào nhà người dân ở đây phải chuẩn bị ghe để đưa trẻ em ra ngoài.
Do cuộc sống khó khăn, nhiều đứa trẻ phải nghỉ học sớm để theo bố mẹ làm công nhân. Nhiều em phải đi nhặt ve chai, sắt vụn để bán kiếm tiền phụ giúp bố mẹ. Em Lê Minh Nhí (15 tuổi, quê An Giang) chia sẻ: “ Ngày trước e có được đi học nhưng phải nghỉ để lên làm công nhân với bố mẹ. Công việc cũng cực nhưng em muốn phụ giúp bố mẹ, sau này có tiền em sẽ đi học lại”.
Cùng hoàn cảnh như Nhí là em Huỳnh Chí Luân (13 tuổi), Luân cho biết em vừa học hết lớp 6 thì phải nghỉ học để lên đây làm việc với bố mẹ. Công việc hằng ngày của em là hái ngó sen đem bán. “Nếu có tiền e muốn được tiếp tục học, em nhớ trường, nhớ các bạn và cũng muốn được chơi như mọi người”, Luân chia sẻ.
Ban ngày, xóm nhà lá trở nên yên tĩnh bởi người lớn đều đi làm đến tối mịt mới về. Những đứa trẻ như bé Quyên (3 tuổi), bé Lũng (2 tuổi) phải thường xuyên ở nhà một mình.
Ánh mắt hồn nhiên của những đứa trẻ ở xóm nhà lá.
Nước tắm giặt, sinh hoạt đều dùng chung trong bể bê tông lớn giữa xóm.
Nhiều gia đình sống ở đây đến 2, 3 thế hệ.
Gia đình chị Mười (47 tuổi) đã sống ở đây hơn 3 năm. Chị chia sẻ: “Do vợ chồng con gái lên đây làm công nhân rồi tụi nó sinh con ở đây nên vợ chồng tôi cũng lên ở để trông con phụ. Chồng tôi ban ngày cũng đi câu cá, hái sen kiếm sống”.
Bé Nguyễn Hải Đăng (1 tuổi) được sinh ra tại căn nhà lá đầu xóm. Hằng ngày Yên Nhi (mẹ bé) bận đi làm ở công trình gần đó nên bé được bà ngoại trông coi.
Nhiều gia đình ở đây còn sống nhờ vào công việc hái ngó sen.
Do điều kiện khó khắn không có nước sạch nên sau giờ làm nhiều người đã tận dụng nguồn nước từ các công trình đem về làm nước uống cho gia đình.
Niềm vui lớn nhất của đám trẻ là những buổi chiều đón cha mẹ trở về với túi gạo, quả bí…
Cuộc sống ở xóm nhà lá còn quá khó khăn nên ước mơ đến trường của nhiều đứa trẻ nơi đây cũng trở thành điều xa xỉ…
Việt Nam đang là một trong những thị trường có mức tăng trưởng người dùng đọc sách điện tử cao. Tứ đó, phản ý nhu cầu của người dân trong xu hướng hiện đại.