Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Chìm nổi những phận đời sống chung với… chuột ở ven sông Sài Gòn

Từ một cù lao có khoảng 500 hộ dân sinh sống, những ngày sau giải tỏa, nơi này chỉ còn trơ lại những vách nhà mục nát, bị đập phá tan hoang

Cuộc sống tạm bợ, buồn tẻ của những gia đình bám trụ ở cù lao

Dù quyết định giải tỏa đã có từ cách đây hơn 10 năm nhưng đến nay còn rất nhiều các hộ dân vẫn đang bám trụ tại khu vực cù lao Nguyễn Kiệu (phường 1, quận 4, TP. HCM). Hiện nay, các hộ dân tại cù lao có hoàn cảnh sống rất tạm bợ, nhà chỉ được che chắn bằng bạt hay những tấm tôn đã cũ.

Những căn nhà tạm bợ tại khu vực cù lao Nguyễn Kiệu, quận 4.

Sự hoang tàn, đổ nát tại nơi vẫn còn khá nhiều hộ dân sinh sống.

Vừa đặt chân đến cù lao, dường như biết trước chúng tôi đến với mục đích gì, vài người dân tại khu vực liền kéo đến chia sẻ về hoàn cảnh sống hiện tại của họ ở đây.

Không khí tại cù lao vào buổi chiều khá tiêu điều dù các hộ dân hầu như đều có mặt đầy đủ. Những người lớn tuổi ngồi trước cửa nhà trong con hẻm nhỏ nói chuyện. Trẻ em thì tranh thủ những bãi đất trống trước nhà để đùa nghịch cùng nhau.

Mọi thứ từ nhà cửa cho đến hàng quán đều heo hút, leo lét ánh đèn điện. Cả con hẻm nhưng chỉ có 1 tiệm tạp hóa dựng tạm bợ với những món hàng sơ sài. Quán ăn mà tôi để ý được cũng chỉ có hủ tiếu gõ, không có nhiều khách lui tới, cuộc sống nơi đây thật sự buồn tẻ.

Đây là tiệm tạp hóa duy nhất tại con hẻm thuộc cù lao. Hàng hóa chỉ là mấy chai nước ngọt và vài gói mì tôm

Gọi là nhà nhưng thực chất chỉ lèo tèo vài căn nhà đúng nghĩa, chưa kể những căn nhà này cũng chẳng được trang hoàng chỉn chu. Những vết ố trên tường, dưới sàn theo năm tháng hoen gỉ nhưng cũng chẳng ai buồn sơn sửa lại.

Có những mái nhà được lợp bằng tấm tôn đã cũ xì và rách nát, chồng chéo lên nhau để che nắng che mưa, bước qua cánh cửa căn nhà còn không lọt mái đầu. Căn nhà sơ sài, đồ đạc không có gì đáng giá và có mùi ẩm thấp đặc trưng, rất khó chịu.

Những căn nhà đã cũ, rong rêu bám đầy nhưng không ai buồn sơn sửa lại.

Tìm đến căn nhà cuối hẻm, tôi gặp cô Trường Thiết Hoa (52 tuổi), đã sinh sống tại cù lao gần 40 năm, cô cho biết: “Năm 2003 bắt đầu giải tỏa lần đầu để làm cầu Nguyễn Văn Cừ, khi đó gia đình cô nhận đền bù với mức giá 3 triệu 2/m2. Đến 2005, gia đình cô được đền bù hơn 9 triệu/m2. Tuy đã dành dụm tiền cả 2 đợt nhưng cô cũng chỉ mua được một đám đất mà chưa đủ tiền xây nhà”.

Những căn nhà từng gắn bó mấy chục năm với người dân nay đều đã tan hoang.

Mặc dù giá cả bồi thường đã cao hơn so với các năm trước nhưng muốn mua một căn nhà ở thời điểm hiện tại không phải là chuyện đơn giản, bởi vì vật giá leo thang, đất ở TP. HCM lại “tấc đất tấc vàng”. “Cô cũng như các hộ vẫn cố gắng sinh sống ở đây để chờ các đợt đền bù sau xem có khả quan hơn thì mới chuyển đi. Hơn nữa, bây giờ các cháu đang học ở gần đây rất thuận lợi, bây giờ chuyển đi nơi mới là phải chuyển trường, trong khi đó các thủ tục rườm rà, mất thời gian nên rất bất cập” - cô Hoa nói thêm.

Con hẻm hoang tàn vắng người qua lại.

Bám trụ vì cũng chẳng biết đi đâu, làm gì để sinh sống

Theo dự kiến, dự án công viên Cù lao Nguyễn Kiệu đã được UBND TP. HCM phê duyệt từ ngày 23/11/2006 và bắt đầu triển khai dự án vào ngày 03/12/2007 cho đến thời điểm hoàn thành dự án vào ngày 03/12/2008. Tuy nhiên, tiến độ triển khai lại không hề như mong muốn của chính quyền và ban quản lí dự án.

Bảng sơ đồ quy hoạch dự án cũng rách nát theo thời gian.

Có những căn nhà đã được phá bỏ hoàn toàn.

Câu chuyện đáng bàn chính là người dân không thể kiếm được kế sinh nhai hậu di dời khiến cuộc sống thêm chồng chất khó khăn. Bày tỏ nỗi niềm, anh Trần Hiền nói: “Chúng tôi sống ở đây mấy chục năm trời, đã quen với lối sống cũng như công việc làm ăn. Bây giờ dời đi, chúng tôi phải xây dựng cuộc sống lại từ đầu, từ mối quan hệ xóm giềng đến mối quan hệ làm ăn, quả thực đây cũng là một cái khó. Chuyển đi nơi khác đồng nghĩa với việc các hộ gia đình tại cù lao sẽ mất sạch những mối làm ăn quen biết trước đó.

Khu vực này cũng có nhiều người cao tuổi không còn sức lao động nên không biết phải xoay xở thế nào nếu đến định cư ở nơi mới. Khó khăn chất chồng nên chúng tôi mới phải “cố thủ” lại đây để hy vọng chính quyền sẽ có cách giải quyết thỏa đáng, cải thiện tình hình hiện tại cho người dân”.

Bên cạnh đó, những hộ dân sinh sống gần bờ kênh cũng khốn đốn không kém, trên thì nhà cửa nhếch nhác, bên dưới là rạch nước đen ngòm, ô nhiễm nặng, những con vật gây bệnh như chuột, muỗi… thoải mái sinh sống cùng con người nơi đây. Thậm chí, nhiều hộ dân không có nhà vệ sinh nên đành sử dụng “cầu tõm” ngay dưới chân nhà mình.

Anh Vũ Hoài Minh, sinh sống cạnh bờ sông đã mấy chục năm nay cho hay: “Gia đình chúng tôi cũng như các hộ ở khu vực này đâu có muốn sống cuộc sống như vậy. Nhưng giờ khổ quá nên đành chấp nhận vì tiền đền bù không đủ. Dù ô nhiễm, mất vệ sinh nhưng cũng ráng bám trụ chứ chẳng biết dời đi đâu”.

Trả lời trên báo Người lao động, ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP. HCM thông tin: “Nhà ven kênh pháp lý không rõ ràng, phần lớn lấn chiếm nên chi phí bồi thường ít. Với số tiền này khó mua đất, mua căn hộ mới.

Do yêu cầu 3 năm nữa phải giải quyết hết các căn nhà lấn chiếm kênh rạch nên TP đã đề nghị tất cả dự án có quy mô hơn 10ha sẽ phải dùng 20% tổng số căn hộ để cho những người trong diện giải tỏa thuê dài hạn. Nghĩa là họ không phải bỏ số tiền lớn để mua mà chỉ trả tiền thuê nhà hằng tháng với giá thấp. Quận 4 với áp lực 1.600 căn nhà sẽ phải giải tỏa nên từ trước chúng tôi đề nghị các chủ đầu tư khi triển khai dự án thu hẹp diện tích các căn hộ để bán với giá thấp, phục vụ nhu cầu của người dân”.

Hy vọng, người dân nơi đây sớm tìm được giải pháp hợp lý để ổn định cuộc sống.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Yến Nguyễn

Được quan tâm

Tin mới nhất