Giữa lòng Thủ đô có một xóm nhỏ kỳ lạ, kéo dài qua nhiều dãy phố nhưng không có bảng đề tên mà chỉ được nhắc tới trong những lời truyền miệng của người dân, xóm đó mang tên “xóm đường tàu”. Cuộc sống của người Hà Nội bên đường ray tàu gợi lại cho ta nhớ về những nét xưa cũ. Một Hà Thành trong ký ức của những bậc cha chú về những chuyến xe điện “leng keng” chạy trong thành phố.
Có thể đối với ai đó sống ở nơi khác khi tình cờ ghé qua đây sẽ thấy rằng nơi đường tàu chật chội này, cuộc sống thật ồn ào và đầy hiểm nguy. Nhưng đối với những người dân bên đường tàu, đó là tuổi thơ, là đường đi, là sân chơi, là nơi sinh hoạt của rất nhiều người. Ở nơi ấy, chật chội lắm, ồn ào và nguy hiểm lắm, nhưng nếu thiếu đi âm thanh “xình xịch, xình xịch” của những chuyến tàu thì lại thấy nhớ đến lạ.
Xóm đường tàu ở Hà Nội kéo dài qua nhiều dãy phố, bắt đầu từ phía Ga Hà Nội (đường Trần Quý Cáp) đi qua cây cầu Long Biên lịch sử hướng ra ngoại thành và đi đến các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Hải Phòng.
Không chỉ là đường tàu, đó còn là nơi vui chơi của con trẻ, đường tàu này đã chứng kiến sự trưởng thành của rất nhiều thế hệ. Đối với các em, những hiểm nguy của tàu đang chạy không còn quá đáng sợ. Bởi các em đã quen với điều đó, đã thuộc giờ tàu, tự biết cách tránh tàu.
Những chuyến tàu chỉ đi vào thành phố khi màn đêm buông xuống. Bởi vậy, vào ban ngày, đường tàu được tận dụng để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt cơ bản của người dân.
Một người phụ nữ đang chế biến thực phẩm ngay sát đường tàu. Bởi không gian chật hẹp nên mọi sinh hoạt của người dân đều tận dụng khoảng trống bên đường ray để sử dụng mỗi khi không có tàu chạy.
Cư dân ở đây sống theo phản xạ, bất kể đang bận rộn đến đâu, đang dang dở cuộc trò chuyện vui đến đâu, nghe thấy tiếng còi tàu, không ai bảo ai đều nhanh chân tránh đường. Sống lâu bên đường tàu, ai cũng thuộc giờ tàu chạy. Chỉ cần nghe tiếng tàu đi qua là có thể đoán được lúc đó là mấy giờ.
Thanh Ngoan, cô bé xinh xắn đang đứng chơi một mình bên đường tàu sau giấc ngủ trưa. Khi thấy máy ảnh của người chụp em đã rất vô tư tạo dáng. Trẻ em sinh ra và lớn lên ở bên đường tàu khá thiệt thòi bởi không có không gian để các em vui chơi. Đối với các em, đường tàu cũng giống như sân hè nhà mình vậy!
Khoảng trống bên đường ray được người dân tận dụng để xây những phòng nhỏ cho thuê với giá bình dân.
Những câu chuyện lối xóm bên đường ray tàu hỏa. Một cảm giác bình yên nhẹ nhàng khác hẳn với suy nghĩ của nhiều người về những bất tiện khi sống bên cạnh những chuyến tàu Thống Nhất.
Chén trà mạn, dăm ba câu chuyện thường nhật đã trở thành nếp sống bình dị và tình cảm ở xóm đường tàu.
Những ai sống trọn vẹn cả cuộc đời bên đường tàu, đôi khi cũng khó chịu thật đấy, nhưng sẽ rất nhớ nếu một ngày không còn được nghe tiếng còi tàu. Không còn nghe thấy loa thông báo của nhà ga “Kính thưa quý khách đi tàu! Tại cửa bán vé trong phòng đợi, nhà ga chúng tôi đang mở cửa bán vé phục vụ quý khách đi tàu Kép - Bắc Giang - Yên viên…. Quý khách ra sân ga chờ tàu đứng cách đường sắt 1,5m để đảm bảo an toàn…”
Khi màn đêm buông xuống, lúc mọi người chìm vào giấc ngủ cũng là lúc những chuyến tàu đi vào sân ga tiếp tục băng qua những chặng đường. Qua một đêm, sau khi làm xong nhiệm vụ của đường ray, sáng ngày hôm sai lại tiếp tục là không gian cho cuộc sống sinh hoạt của người dân Hà Thành.