Sau sự việc, mẹ chết bố đi tù, hai đứa bé đáng thương cũng chỉ nhận biết được phần nào mất mát mà gia đình mình đang phải gánh chịu. Tương lai dường như vẫn còn quá mịt mù với những kí ức đầy đau thương ấy.
Chỉ vì ghen tuông
Khoảng 9h sáng 21-5, người dân thôn Thống Nhất (xã Đông Lô, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) xôn xao bởi tiếng cãi vã kịch liệt giữa hai vợ chồng Nguyễn Thành Kiên (34 tuổi) và Lê Thị Thúy (28 tuổi).
Sau một hồi cãi vã, Kiên đã dùng dao bầu đâm liền 3 nhát khiến chị Thúy gục ngay tại chỗ. Đáng nói hơn cả, đối tượng này đã nhẫn tâm sát hại vợ ngay trước mặt cô con gái 8 tuổi của mình là cháu L.
Khi thấy bố dùng dao đâm mẹ, đứa bé cũng đã biết nhảy vào can ngăn. Nhưng thay vì dừng hành động dã man ấy, Kiên còn làm chính cô con gái nhỏ của mình bị thương.
Sau khi nghe tiếng kêu thất thanh từ trong ngôi nhà, người dân địa phương chạy tới hiện trường thì phát hiện chị Thúy đang nằm trên vũng máu. Chị Thúy sau đó được đưa tới Bệnh viện Đa khoa huyện Phú Xuyên cấp cứu. Tuy nhiên, do vết thương quá nặng, chị Thúy đã tử vong.
Nhắc đến vụ việc đau lòng này, bà Lê Thi Ngân (57 tuổi, mẹ chị Thúy) mắt ngân ngấn nước kể lại: “Con gái tôi sống với chồng khổ cực lắm, mọi chuyện phải kể từ khi chúng nó mới lấy nhau thì mọi người mới hiểu. Do hai làng ở cạnh nhau nên hai vợ chồng nó chỉ tìm hiểu khoảng nửa năm là quyết định cưới.
Trước khi cưới hay sau đó, chúng tôi không nghe nhà con rể chê trách gì con gái mình. Vậy mà chỉ khoảng 15 ngày sau khi cưới, ông bà thông gia đã đuổi hai vợ chồng nó ra khỏi nhà.
Khi tôi sang hỏi lý do, ông bà ấy nói rằng họ trách con trai không nghe lời nên làm vậy. Thương con, tôi hỗ trợ vợ chồng nó thuê một kiot ở tạm và cũng là chỗ làm nghề nhôm kính của Kiên luôn”.
Sau khi cưới được khoảng 1 năm, chị Thúy sinh đứa con gái đầu lòng. Lúc này, kiot nhỏ hẹp hiện tại không còn thích hợp cho một gia đình ba người ở, lại vừa là chỗ để làm nghề nên mọi thứ đều rất bất tiện. Lúc đó hai vợ chồng Kiên, Thúy về xin phép bố mẹ chồng cho về ở nhờ cho qua cữ.
Nửa tháng sau khi sinh, bà Ngân túc trực để chăm sóc con cái. Nhưng sau khi hết nửa tháng đó, tưởng rằng khi mình về, bố mẹ chồng sẽ hỗ trợ, chăm sóc con dâu vì không thương con cũng phải thương cháu. Thế nhưng chỉ sau 2 ngày, khi bà Ngân sang thăm thì thấy con gái đang đói lả, bảo là bố mẹ chồng không cho ăn uống gì.
“Tôi giận quá nên ra hỏi ông bà ấy thì họ bảo là do chồng nó không mang tiền về nên họ không nấu cho con dâu ăn. Tôi định mang con gái về nhà chăm sóc thì ông bà ấy cản lại và đuổi tôi về. Sau hôm ấy, tôi bảo Kiên chịu khó đưa vợ ra kiot, chật chội nhưng còn có người chăm”, bà Ngân cho biết.
Một thời gian sau đó, Kiên ra Hà Nội để làm việc, gửi vợ ở lại cho bố mẹ vợ chăm sóc. Trước khi đi, chồng bà Ngân còn bán vàng tiết kiệm đi để mua cho con rể một chiếc xe, thuận tiện đi làm. Nhưng sau đó nhiều tháng, Kiên không gửi về cho vợ được một đồng.
Thậm chí, chiếc xe mà bố vợ mua cho cũng bị bán đi nốt. Sau khi điều tra tìm hiểu, mọi người mới vỡ lẽ ra bản tính của Kiên là một kẻ lười biếng, thường xuyên rượu chè bài bạc thâu đêm suốt sáng.
Một thời gian sau, khi đã hết tiền, Kiên lại trở về làng sinh sống. Thương con, bà Ngân cho cả hai vợ chồng về ở trong nhà mình và cũng từ đó, bà chứng kiến cô con gái đáng thương phải sống cuộc sống đầy đau khổ, thường xuyên bị đánh đập.
Nói về những lần bạo hành đó, bà Ngân cho biết: “Nó đánh con gái tôi đổ máu ngay giữa nhà không dưới ba lần. Đã có lúc con tôi muốn bỏ cái thai đứa thứ hai và ly hôn nhưng tôi ngăn lại vì không muốn vợ chồng nó tan vỡ. Thế nhưng khi Thúy sinh con, Kiên không ở nhà chăm sóc vợ mà đi lang thang, chơi bời thâu đêm suốt sáng, đến khi hết tiền mới mò về.
Tiền đã không cho vợ mà nó còn tha cả mấy khoản nợ về. Tôi còn nhớ năm 2016, Kiên nó đánh con tôi ngất ở ngoài đường ruộng. May sao có hàng xóm đi qua nhìn thấy nên đưa về giúp, điện thoại với xe máy của vợ thì đều bị nó phá hỏng. Sau lần ấy, hàng xóm láng giềng còn kể cho tôi nghe, con gái tôi còn bị đánh nhiều lần ngoài đường ở nhiều nơi”.
Kể đến đó, dường như bà Ngân không giấu được đau thương, nước mắt lã chã rơi. Bà cũng cho biết, mình không thể tha thứ cho người con rể hung bạo này nên đã làm đơn trình báo Công an nhờ xử lý tội hành hung vợ và đập phá tài sản.
Công an khuyên hòa giải vì nếu khởi tố Kiên những tội đó, sau này các cháu sẽ bị ảnh hưởng. Ban đầu bà Ngân cũng khuyên con gái nên ly hôn, nhưng sau đó do Thúy thương những đứa bé, không muốn chúng lớn lên không có bố nên lại cho qua.
Sau lần khuyên nhủ không thành, bà Ngân giận quá đuổi cả hai vợ chồng ra khỏi nhà, bà không muốn nhìn thấy cảnh con gái bị đánh đập thêm nữa. Hai vợ chồng sau đó thuê một nhà trong làng để ở, nhưng Kiên vẫn không chịu làm ăn, mọi thu nhập đều phụ thuộc vào lương công nhân bèo bọt của Thúy.
Cũng vì lí do đó mà một người đàn ông có sức vóc lại được liệt vào diện hộ nghèo. Cách ngày xảy ra vụ việc khoảng một tháng, Kiên mang tiền của vợ chơi bài mấy hôm không về, rồi vợ chồng cãi nhau và ly thân. Từ đó Thúy đưa hai cháu về ở với mẹ, còn chồng đi đâu không biết.
Kí ức kinh hoàng
“Bẵng đi một thời gian, thì đến ngày 21-5, không biết nó ép con tôi làm sao để về bên nhà nó rồi nó giết chết. Khi chúng tôi chạy sang thì Thúy đã nằm trên vũng máu rồi”, bà Ngân đau xót. Sau lời kể đó, bà Ngân quay sang ôm hai đứa cháu gái vào lòng và khóc nức nở.
Nhận xét về cuộc sống của vợ chồng Kiên, chị Nguyễn Thị Thịnh (chị gái Kiên) cũng cho biết, chị và Kiên ít gặp nhau, có một lần chị Thúy đã gọi nhờ chị can thiệp vì Kiên không chịu nuôi con, cũng không cho vợ đi làm.
“Lần đó tôi đã chửi Kiên thậm tệ. Tôi bảo nó là đồ mất dạy, không nuôi được con cái thì đừng quấy rầy vợ, để cho vợ đi làm. Tôi còn nói nếu để tôi nghe vợ nó gọi điện nhờ can thiệp một lần nữa là nó chết với tôi”, chị Thịnh nói.
Bố đi tù, mẹ mất, bỏ lại hai đứa con là L. 8 tuổi và T. 6 tuổi. Hai đứa bé còn quá nhỏ để hiểu được nỗi vất vả của mẹ nhưng cũng đủ để sợ hãi trước cảnh bố đánh đập mẹ thường xuyên trước mặt mình.
Và có lẽ, cả hai đứa bé đáng thương vẫn không biết được, mồ côi mẹ là gì và hiểu rằng một tương lai khó khăn đang chờ đón các em bởi thiếu bàn tay chăm sóc của mẹ.
Mới học lớp 2 nhưng L. tỏ ra là một đứa trẻ thông minh và cứng cỏi. Cháu đã dám vào can ngăn mỗi khi mẹ bị bố đánh, có thể nhờ được số điện thoại vài người để gọi giúp đỡ khi cần. L kể rằng đã nhìn thấy bố đánh mẹ nhiều lần rồi. “Bố đánh mẹ mọi nơi, ở nhà, ngoài đường, lúc đi gặt lúa…, em T. cũng hay nhìn thấy”, nói xong L. quay qua nhìn em mình, T. chỉ tỏ ra sợ sệt dúi đầu vào lòng bà ngoại.
Riêng về sự việc hôm 21-5, đứa bé lại nhớ rõ từng chi tiết, cháu kể: “Hôm đó mẹ đưa con đi học, nhưng bố chặn lại, nói rằng muốn mẹ cùng về nhà nội nói chuyện nhưng mẹ không đồng ý.
Bố đã bắt con đi cùng để ép mẹ phải về. Về đến nhà nội thì bố mẹ cãi nhau, bà nội thấy vậy đã bỏ ra ngoài, trong nhà chỉ còn con và bố mẹ. Cãi một lúc, bố xuống nhà bếp cầm lên một con dao lớn, rồi đâm mẹ.
Con chạy vào ôm lấy mẹ nhưng chỉ cao đến ngực, với tay lên che cổ với đầu mẹ và xin bố dừng lại. Thế nhưng bố vẫn đâm liên tục khiến tay con cũng bị thương. Mẹ thấy vậy đã đẩy con ra, bảo chạy đi, sau đó mẹ ngã xuống đất.
Con chạy ra ngoài gọi hàng xóm vào cứu mẹ, con cũng mượn một chiếc điện thoại để gọi về cho bà ngoại. Thấy bà ngoại lâu sang, con đã chạy bộ về để gọi. Lúc mọi người sang đến thì bố đã bỏ đi rồi, mẹ nằm trên một tấm phản, chảy nhiều máu lắm, mọi người không cho con lại gần”.
Nói đến đây, L. lại run rẩy ôm lấy bà, có lẽ kí ức kinh hoàng ấy đã in sâu vào trong tâm trí của đứa bé đáng thương. Hy vọng rằng, nhiều năm sau này, sự hung bạo của bố sẽ phai nhạt dần trong tâm trí của cháu, còn lại trong kí ức chỉ là tình yêu thương của người mẹ, dù là trong thời khắc sinh tử.