Nằm trong danh sách công trình cấp độ D, khu nhà G6A thuộc Khu tập thể Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội được đánh giá là khu nhà ở nguy hiểm nhất thủ đô. Bất chấp như vậy, cho đến nay vẫn còn một số gia đình “bám trụ” lại đây.
Khu nhà G6A thuộc khu tập thể Thành Công, nằm trên đường Nguyên Hồng (phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội) được đưa vào sử dụng từ năm 1987. Qua thời gian, khu nhà đã xuống cấp trầm trọng và cơ quan chức năng đã xếp vào danh sách công trình cấp độ D, thuộc diện khu tập thể nguy hiểm.
Tòa chung cư cũ này gồm 5 tầng, có 3 đơn nguyên. Trong đó, hai đơn nguyên 1 và 2 có mức độ nguy hiểm cấp D, đơn nguyên 3 mức độ nguy hiểm cấp C.
Nhiều hộ dân đã di dời đến nơi ở mới nhưng vẫn có những hộ dân chưa chuyển đi. Nhiều hộ dân cho biết, một trong những lí do họ chưa chuyển đi là vì chưa tin tưởng vào kết quả khảo sát, kiểm định và đánh giá chất lượng rằng khu nhà này. Thậm chí còn bất ngờ khi nơi mình sinh sống thuộc cấp độ D.
Theo ghi nhận của chúng tôi, phía ngoài dãy tập thể hầu như hộ dân nào cũng dựng chuồng cọp, cơi nới thêm diện tích, có chỗ nới ra tới hơn 3 m.
Nhận thấy mức độ nguy hiểm tại khu tập thể “già” này, UBND phường Thành Công đã có phương án di dời dân đến nhà tạm cư từ năm 2016. Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại vẫn còn một số gia đình “bám trụ”, vẫn tiếp tục sinh sống tại đây.
Cầu thang và lối đi chung đã bong tróc, cho thấy dấu thời gian hằn lên khu nhà ở này.
Nói về lý do chưa thể dời đi, một người dân sống tại khu tập thể cho biết gia đình đã chuyển đến đây từ những ngày đầu tiên, bây giờ chuyển đi đến nơi tạm cư thì không có giấy tờ rõ ràng. Người này cũng cho biết thêm ai mà không thích chuyển đến nhà mới, nhưng do hợp đồng giấy tờ chưa minh bạch nên chưa dám chuyển đi.
Bên trong khu tập thể, ống nước, dây điện chạy chằng chịt khắp hành lang, cầu thang. Trần nhà ẩm thấp và đóng rêu phong.
Khu hành lang nhiều mảng tường, trần bong tróc. Có khu vực dầm bong hết lớp bê tông bảo vệ để lộ lớp thép hoen rỉ, kết cấu không đảm bảo. Nhiều mảng vữa bong tróc, trơ cả khung dầm.
Mặc dù được cảnh báo nguy hiểm thế nhưng đến nay vẫn còn nhiều hộ dân sinh sống tại đây vì nhiều lý do. Tại tầng 5 của toà nhà hiện còn hai hộ dân sinh sống.
Những căn nhà mà chủ nhân của nó đã chuyển đi được dán giấy niêm phong.
Hoá đơn thanh toán tiền điện được dán trước cửa những gia đình đã di chuyển đi.
Là một trong những người sinh sống tại toà nhà, anh Cường (28 tuổi, ở Thanh Hoá) cho biết, anh thuê căn nhà rộng 80m2 này ở hơn 3 năm nay với giá 4,5 triệu đồng. Theo anh Cường những căn hộ xuống cấp, nứt toác thì người dân đều đã di chuyển đi nơi khác.
Anh Cường cho biết, vẫn bám trụ ở khu tập thể này vì gần nơi làm việc, chợ búa,… Mấy lần anh cũng đi tìm nhà không được nên anh cùng hai người nữa vẫn tiếp tục sinh sống ở đây.
Bên trong một căn nhà đã được dọn đi nơi khác. Dễ dàng thấy được sự xuống cấp trầm trọng bên trong những căn hộ nơi đây.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Huy Toản, Chủ tịch UBND phường Thành Công, cho biết năm 2016, chính quyền đã có chủ trương di dời dân khỏi khu tập thể nguy hiểm đến nhà tạm cư, đã có 21/49 hộ gửi đơn và di chuyển, còn 28 hộ khác, vì một số lý do vẫn bám trụ.
Khu nhà gồm 48 căn (49 hộ sinh sống) đang xuống cấp nghiêm trọng, phía UBND phường Thành Công đã cho gắn biển cảnh báo ở cả 2 đơn nguyên về mức độ nguy hiểm, đồng thời yêu cầu các hộ dân không cơi nới trái phép và chủ động tháo dỡ phần cơi nới để đảm bảo khả năng chịu lực.
“Những hộ dân vẫn ở lại sinh sống vì muốn gặp chủ đầu tư để có phương án thoả thuận. Về phía thành phố thông báo nhà nguy hiểm trước mắt người dân cứ di chuyển để đảm bảo tính mạng an toàn tài sản, thực hiện theo quy hoạch khi có nhà đầu tư thì người dân vẫn là chủ để quay về thoả thuận. Thứ 2, người dân không tin vào kiểm định nhà tập thể nguy hiểm trước. Về phía TP Hà Nội cho rằng việc kiểm định chất lượng này do cơ quan chuyên môn họ đánh giá nhà nguy hiểm thì phía TP mới ra quyết định di dời tuy nhiên người dân không tin.
TP cũng đồng ý cho kiểm định lại để mang tính chất dân chủ. Khi có nhà kiểm định mới cao nhất là Viện nghiên cứu kiểm định thuộc Bộ Xây dựng đến làm việc thì người dân không đồng tình với phương án kiểm định này. Nói chung một số người họ vận động ở lại còn những người nhận thức được thì đã dời đi”, ông Toản thông tin.
Chủ tịch UBND phường Thành Công cũng nhấn mạnh, về phía UBND phường cũng đã thành lập tổ công tác tuyên truyền, treo biển cảnh báo mức độ nguy hiểm của khu nhà tập thể nhưng một số người dân thiếu ý thức còn rạch nát biển thông báo.