Ở những quốc gia tiên tiến như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc… mô hình cửa hàng tự phục vụ đã trở nên quen thuộc với người tiêu dùng, nhưng ở Việt Nam thì ý tưởng này vẫn khá xa lạ với khách hàng, bởi lẽ việc đặt lòng tin vào sự tử tế của thực khách quá rủi ro và mạo hiểm.
Tuy nhiên, để thay đổi suy nghĩ của người tiêu dùng, đồng thời khẳng định người Việt Nam cũng văn minh và trung thực không kém quốc gia nào trên thế giới, một cửa hàng kinh doanh chocolate, kem tươi, đồ uống trên đường Liễu Giai (quận Ba Đình, thành phố Hà Nội) đã áp dụng và triển khai mô hình kinh doanh độc đáo này.
Mô hình kinh doanh tự phục vụ: “Mình vừa bán hàng vừa bán cả văn hóa nữa”
Không gian quán nhỏ xinh, chỉ đủ chỗ ngồi cho khoảng hơn chục khách hàng. Khách đến đây nhấn chuông rồi đẩy cửa vào. Họ tự chọn đồ uống theo ý muốn. Sau đó mang sản phẩm đến một bàn để kiểm tra giá và in hóa đơn.
Hoàn thành các công đoạn, khách hàng sẽ lấy hóa đơn, cùng tiền thanh toán, bọc vào một cái túi nilon đã chuẩn bị sẵn, điền thông tin cá nhân lên máy tính và bỏ túi tiền vào hòm. Tất cả các công đoạn đều do khách hàng tự thao tác, không cần đến sự giúp đỡ của bất cứ một nhân viên thu ngân nào.
Cơ duyên để anh Đào Khánh Hiệp (chủ cửa hàng ) thực hiện ý tưởng kinh doanh tự phục vụ này xuất phát từ việc đọc một bài chia sẻ trên báo về mô hình Mini shop ở Nhật Bản. “Họ nói rằng đức tính trung thực ở quốc gia họ được thể hiện ở rất nhiều điểm, trong đó có việc người nông dân tự đi cấy cày, tạo ra sản phẩm, rồi mang sản phẩm đó lên kệ hàng và tự bán tự mua. Một người làm được hai công việc cùng lúc; vừa sản xuất vừa bán hàng, tất cả đều dựa trên sự trung thực và lòng tốt. Đó là lý do khiến hiệu suất kinh doanh của người Nhật rất cao và đất nước họ phát triển như vậy” - anh hào hứng chia sẻ.
Từ những điều đó, anh Hiệp tự hỏi tại sao thu nhập của người Việt lại thấp. Anh thấy rằng, ở Việt Nam một khách hàng mua đồ có tới hai nhân viên đứng “canh”, lương bổng chia thành nhiều phần. Đó là lý do anh quyết tâm thực hiện mô hình tự phục vụ để trải nghiệm nét văn hóa mới.
Mô hình này tạo ra hiệu suất khá lớn và tiết kiệm tối đa chi phí. Cửa hàng này anh Hiệp thuê với giá 5 triệu/tháng, điện nước hơn 1 triệu đồng, tổng chi phí hoạt động dưới 7 triệu. Nếu như các hình thức kinh doanh khác phải thuê thêm 2 nhân viên, tổng chi phí sẽ là 13 triệu đồng, có thể phát sinh lên tới 15 triệu đồng. Còn với mô hình tự phục vụ mình sẽ tiết kiệm được 8 triệu đồng, số dư này có thể tái đầu tư sản phẩm. Thu nhập một tháng khoảng 45 - 50 triệu đồng.
Các chuỗi cửa hàng khác phải chạy doanh thu, chi phí cố định cao. Vì vậy để đảm bảo lợi nhuận, họ phải giảm chất lượng, số lượng sản phẩm hoặc là tăng giá. Khách hàng sẽ không vui vì điều đấy. Còn triết lý kinh doanh ở đây là giảm chi phí cố định, giảm dịch vụ quản lý để tăng chất lượng sản phẩm.
“Mô hình này đã thực hiện được 3 tháng rồi. Từ ý tưởng đến diện mạo, tôi mất khoảng 6 tháng triển khai. Tuy có khó khăn nhất định nhưng may mắn mô hình mới được nhiều người đón nhận“, anh Hiệp tâm sự.
Cái gì tiên phong cũng khó khăn và vấp phải sự phản đối của nhiều người. Anh Hiệp bảo: “Bố của tôi cho đây là ý tưởng điên rồ, không phù hợp với văn hóa người Việt Nam. Còn bạn bè nói: “Mày sẽ bị bẻ hết camera, máy tính, đồ đạc thôi (cười lớn). Đại loại đa số ý kiến đều phản biện mô hình này chỉ phù hợp với những quốc gia tiên tiến, Việt Nam là nước thu nhập trung bình không thể nào áp dụng được. Song vì quá thích mô hình này, nên tôi quyết tâm thực hiện nó, sống chết với nó“.
“Các thương hiệu trên thế giới, họ hay lồng ghép văn hóa vào một thương hiệu, còn ở Việt Nam thì chăm chỉ bán hàng, không có nhiều tính văn hóa trong đấy. Tôi muốn fan mama tạo ra được nét văn hóa đặc. Mình vừa bán hàng vừa bán cả văn hóa nữa“, anh Hiệp chia sẻ thêm.
Kinh doanh dựa trên sự trung thực và tử tế của khách hàng: Tại sao không?
Ông chủ trẻ chia sẻ thêm, trước đây do cửa hàng chưa mở rộng quy mô, tất cả mọi người vào quán đều phải đăng ký chứng minh thư nhân dân, bởi những gì liên quan đến pháp lý sẽ giảm rủi ro ăn gian. Nhưng điều này vô hình tạo ra hạn chế với những lượng khách hàng mới. Sau đó anh nghĩ ra ý tưởng thay vì dùng thẻ căn cước có thể lắp chuông để ai cũng được trải nghiệm với nét văn hóa mới. Tuy vậy, anh cũng khẳng định nếu có trường hợp xấu xảy ra thì sẽ quay trở về chế độ bảo mật như cũ.
Kinh doanh buôn bán dựa trên trên lòng tin, sự trung thực và tử tế của khách hàng có thể nói là một sự mạo hiểm lớn, rủi ro cao. Nhưng anh Hiệp tin rằng, người Việt Nam rất văn minh và lịch sử. “Một khi đã kinh doanh bằng niềm tin, bạn không tin thì sẽ không bao giờ làm được“.
Anh Hiệp cũng cho hay kể từ 3 tháng kinh doanh đến nay anh thu chưa thiếu một đồng một cắc nào, những đồ đạc trong cửa hàng cũng không bị mất, thậm chí còn rất ngăn nắp nữa. Anh kể một ví dụ: “Hôm trước, có một khách hàng sau khi mua xong, ra về rồi chạy lại nói rằng trên bảng tin ghi hàng này 140 000 đồng, nhưng hóa đơn chỉ in 100 000 đồng thôi, có sai sót nào ở đây nên bảo trả thêm. Nhưng hôm đó cửa hàng chạy khuyến mãi, được giảm giá 40 %. Đây chỉ là minh chứng nho nhỏ thôi, nhưng đủ để thấy rằng sự trung thực của khách hàng là rất cao. Tất nhiên xã hội có người này người kia“.
Chia sẻ về mô hình kinh doanh độc đáo này, anh Nguyễn Chiến Hữu (Cầu Giấy, Hà Nội) một khách hàng cho hay, đây là mô hình khá tiện lợi cho người bán cũng như người mua, dựa trên đánh giá ý thức của người tiêu dùng và niềm tin của chủ khách hàng.
Anh Hữu tin với nền giáo dục văn minh như hiện nay cùng với nền tảng văn hóa tốt của người dân ngày càng được nâng cao thì đây sẽ là hình thức kinh doanh lý tưởng trong tương lai. “Một mô hình tiện lợi và thông minh như vậy, tại sao giới kinh doanh lại nói không? Tất cả đều tự túc sẽ giảm khá nhiều chi phí dịch vụ, quan trọng nhất vẫn là chất lượng sản phẩm“, anh Hữu cho hay.
“Khởi nghiệp thất bại thôi thúc tôi phát triển mô hình tự phục vụ”
Trước khi gây dựng mô hình cửa hàng tự phục vụ, anh Hiệp từng có khoảng thời gian làm việc trong lĩnh vực thương mại điện tử. Đó là thời điểm thương mại điện tử “được mùa”. Vốn là dân công nghệ cho nên anh mải mê chạy đua kỹ thuật mà quên lợi ích của khách hàng là cần sự dễ dàng để buôn bán.
Chạy được khoảng 2, 3 năm thì thương mại điện tử bão hòa. Anh Hiệp đi buôn đồ chăm sóc sức khỏe, mát-xa; bán hàng có lãi. Với suy nghĩ kinh doanh thật đơn giản, không có trường hợp dự phòng, anh bị cắt hợp đồng, đóng cửa showroom. Sau đó anh bán quần áo ở vỉa hè chùa Bộc nhưng môi trường ở đây không thích hợp những người kinh doanh lịch sử, anh chuyển qua làm thuê cho chuỗi cửa hàng kinh doanh thời trang và tích lỹ kinh nghiệm bán hàng online, kỹ thuật chăm sóc khách hàng…
“Sau những thất bại tôi quyết tâm thực hiện mô hình tự phục vụ theo phong cách Nhật Bản. Hiện tại của hàng mama chocolate có khoảng 315 000 fan. Tôi muốn tạo ra mô hình tự động nhưng ban đầu chưa dám đưa ra bên ngoài. Còn bây giờ hoạt động đi vào ổn định nên sẽ mở rộng hơn“, anh Hiệp cho hay.