Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Hè của con nhà nghèo: Bán sen, bán trái cây, bán chè… nhưng vẫn vui biết bao vì giúp được bố mẹ

Theo Thời Đại Theo dõi Saostar trên google news

Hè của những cô cậu học trò nhà nghèo không có những ngày tháng rong chơi trong công viên nước, không có những buổi picnic ở ngoại ô... Hè đơn giản là thời gian để các em bươn chải phụ giúp ba mẹ để có tiền cho một năm học mới.

Hồi còn đi học, với tôi hè là khoảng thời gian sung sướng và đáng mong chờ nhất trong năm. Đó là lúc không còn phải mệt mỏi với bài vở trên trường, bài tập về nhà, và dù có phải đi học thêm thì cũng nhẹ nhàng hơn cả ngàn lần. Đó là khoảng thời gian được nằm thẳng cẳng trên sofa xem hoạt hình, hay xúng xính quần áo cùng bố mẹ đi biển… Thế nhưng hè với những cô cậu học trò nghèo thì chẳng có những điều tưởng chừng rất bình thường ấy.

Hè về là lúc những trái bình bát chín rộ vàng ươm tỏa hương thơm thoang thoảng khắp các nẻo đường. Tụi con nít miền Tây mê lắm, nhắc đến thôi là đã thèm chảy nước miếng, giữa trưa nắng nóng mà có ly bình bát dầm đường đá thì kể không còn gì bằng. Những năm sau này, đời sống đô thị mỗi ngày một nâng cao, nhiều loại trái cây ngoại nhập được người dân ưa chuộng hơn, trái bình bát dân dã dần bị lãng quên.

Hôm nọ có dịp đi ngang qua cầu Hiệp Ân (quận 8), tôi vô tình gặp lại những trái bình bát vàng ươm trên vỉa hè. Và nhờ thứ quả tuổi thơ ấy tôi có dịp nghe kể về những ngày hè thú vị của cậu nhóc đội chiếc mũ rộng vành màu đỏ.

Nó tên là Trương Văn Sơn, năm nay 13 tuổi, nhà ở tít dưới chợ Lò Than (quận 8). Mỗi buổi sáng ba Sơn chở em đến cầu Hiệp Ân để bán, rồi chạy đi ra khu vực đường Nguyễn Tri Phương để hái bình bát. Mẹ Sơn cũng bán thứ quả này, bà bán ở gần cây xăng Phạm Thế Hiển, ngày thường không phải mùa bình bát thì bà bán bánh mỳ.
Vừa lựa bình bát bán cho tôi thằng nhóc vừa kể: “Năm sau em lên lớp 7 rồi, tiền học phí rồi tiền mua sách vở, giày dép, quần áo cũng tốn bộn, nên em tranh thủ nghỉ hè ra đây bán bình bát phụ ba mẹ”. Nhà nghèo, ba má thằng Sơn lặn lội từ Quảng Ngãi vào Sài Gòn làm đủ thứ việc cũng chỉ đủ nuôi 2 đứa nhỏ ăn học. Dù còn nhỏ nhưng nó hiểu được những vất vả của gia đình vì thế trong năm học, dù phải đi học cả tuần nhưng được nghỉ ngày nào nó lại đi bán vé số để phụ má.

Xuất thân từ cái nghèo nên so với bạn bè trang lứa các em sớm phải bươn chải với đời. Tôi chợt nhớ đến cậu bé bán sen ở công viên Tao Đàn (quận 1). Hầu như cuối tuần nào đi ngang qua đây tôi cũng nhìn thấy nó chăm chú học bài bên chiếc xe đạp chở đầy những bó sen. Nó tên là Trần Hồng Đức (sinh năm 2000) hiện là học sinh lớp 11 tại trường THPT Hiệp Bình (Thủ Đức). Vì kinh tế gia đình khá khó khăn, nên cứ mỗi cuối tuần Đức lại đạp xe hơn 10km từ Thủ Đức lên công viên Tao Đàn để bán hoa sen phụ giúp cho gia đình.
Trò chuyện một hồi Đức hóm hỉnh bảo: “Các quận số là em đi hết rồi đó, quận chữ thì chỉ còn thiếu quận Tân Bình, Tân Phú, Bình Chánh là xa quá em chưa đạp xe tới nơi. Tại vì thường thì vào dịp hè không phải đi học thì em sẽ đạp xe đi bán ở nhiều nơi, chứ không bán cố định ở Tao Đàn”.

Mỗi ngày chỉ tiêu của Sơn là bán 2 giỏ bình bát, cậu đứng bán miệt mài có khi không có thời gian ăn trưa. “Bình thường em vẫn nhịn buổi trưa, chờ đến khi bán hết rồi về nhà ăn tối luôn. Nhịn riết rồi quen, nhịn ăn trưa chứ vẫn mập ú như thường” - Sơn cười hì hì. Vất vả nhưng chẳng lúc nào nó bi quan. Tôi hỏi: “Hè không được đi chơi như các bạn mà phải ra đây bán, rồi có tủi thân hông?”. Nó trả lời gọn trơn: “Nhà em nghèo phải tranh thủ đi bán phụ ba mẹ chớ anh. Đi bán riết rồi quen, đâu thấy buồn gì đâu anh”.
Cũng giống như Sơn, Đức chẳng bao giờ cảm thấy xấu hổ với công việc của mình. Ở cái tuổi 17, cái tuổi mà cô cậu học trò nào cũng muốn thể hiện thì Đức vẫn hàng ngày bán từng bó hoa trên lề đường, đạp chiếc xe đã cũ đi khắp thành phố. Các em hiểu rằng chỉ có sự cố gắng của hiện tại thì mới thay đổi được tương lai.

Các em hiểu rằng phải nỗ lực gấp nhiều lần bạn bè thì mới có cơ hội thay đổi tương lai.

Cậu bé này ở trên đảo Phú Quý (Bình Thuận), hè cậu tranh thủ đi bán chè để phụ giúp mẹ. Một mình ngồi bán chè, đi mua đá…cậu xoay sở mọi thứ rất nhanh nhẹn dù chỉ mới 12 tuổi.

Sơn bảo nó mơ sau này lớn được trở thành bác sĩ, nguyên văn là: “Để có thể chữa bệnh cho những người nghèo giống như em”. Ở cái tuổi 13, Sơn chẳng thể đủ sâu sắc để nghĩ đến việc phải làm thế nào mới đậu vào trường y, phải cố gắng ra làm sao mới giúp được mọi người, nó chỉ đơn giản thích một công việc có thể làm ra nhiều tiền và giúp được nhiều người có hoàn cảnh như nó.

Thằng nhóc có những ước mơ rất đáng trân trọng.

Sơn, Đức và rất rất nhiều đứa trẻ con nhà nghèo khác vẫn đang hàng ngày, hàng giờ mưu sinh để tiếp tục ước mơ con chữ của mình. Các em giống như những đóa hoa sen, sinh ra từ bùn đất và vươn lên thật rạng rỡ để tỏa hương thơm. Những đóa hoa thật bình dị mà đáng trân trọng biết bao.

Cuộc trò chuyện ngắn ngủi với các em đã đem đến một mùa hè rất khác mà tôi từng trải qua. Một mùa hè không có những ngày tháng chạy chơi trên đồng ruộng, không có những chuyến dã ngoại dài ngày cùng gia đình, hè của con nhà nghèo là những ngày chật vật mưu sinh nhưng đầy ý nghĩa.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Theo Thời Đại

Được quan tâm

Tin mới nhất