Căn nhà nhỏ cấp 4 của gia đình phi công Trần Quang Khải (ở phố Giỏ, Tân Dĩnh, Lạng Giang, Bắc Giang) những ngày qua luôn có nhiều đồng đội, người thân, hàng xóm láng giềng đến chia vơi nỗi đau mất con với cụ Trần Văn Phùng (90 tuổi, thân sinh anh Khải).
Chiều 19/6, sức khỏe cụ Phùng đã tốt hơn ngày nhận được tin dữ. Với bệnh huyết áp cao, nhận được hung tin, cụ Phùng yếu hẳn đi. Thế nhưng, đến lúc chuẩn bị hậu sự cho con, cụ gắng gượng ra sân ngồi ngóng tin, mong con sớm trở về quê nhà.
Bên chiếc bàn nhỏ, người cha già thi thoảng lại ngoảnh sang hỏi đồng đội và người thân: “Khải lúc nào về?”
“Thằng Khải rất giống tôi, nó bơi khỏe từ bé. Hay tin mất tích, tôi nghĩ nó sẽ vượt qua được” - cụ run run tay - “Nhưng em nó đã hy sinh, đã làm tất cả vì Tổ quốc”.
Nghe cụ nói, đồng đội đại tá Khải, bạn bè và những người có mặt ai cũng rơi nước mắt.
“Tôi già rồi sống thế nào cũng được. Vợ nó còn trẻ, mới ngoài 30, chồng mất sớm, nghĩ tới đứa con nó mới 4 tuổi đã mất cha buồn lắm các chú à” - cụ thở dài.
Nhắc lại những kỷ niệm về con trai, ánh mắt người cha già lại ánh lên vẻ tự hào. Cụ kể, vì công việc, anh Khải ít khi được về thăm nhà nhưng tuần nào anh cũng gọi điện về hỏi thăm. “Khải lo cho tôi tuổi già sức yếu, dặn dò ăn uống giữ gìn sức khỏe để đưa vợ con về chơi với tôi” - cụ Phùng tâm sự.
“Dẫu gì thì Khải cũng đã hy sinh rồi, tôi rất xúc động trước tấm lòng của mọi người. Tôi cảm ơn tất cả vì nhân dân đã ghi nhận sự hy sinh của Khải cho Tổ quốc”, cụ Trần Văn Phùng nói.