Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Màu cuộc sống

Cụ ông 100 tuổi với gần một thế kỉ miệt mài bán bánh nuôi con tật nguyền

Con số chính xác 97, 98 hay 100 tuổi, cụ cũng chẳng thể nhớ rõ, chỉ biết rằng gần một thế kỉ qua gánh nặng áo cơm chưa bao giờ ngơi nghỉ trên vai.

Ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, đáng ra cụ Nguyễn Văn Chúm ngụ khu phố 5, phường 8, Q.Gò Vấp, TP.HCM phải được phụng dưỡng vui vầy bên con cháu. Thế nhưng, ngày ngày cụ ông tóc bạc trắng, lưng còng, chân đi xiêu vẹo vẫn lang thang khắp con đường ngõ hẻm ở Sài Gòn để bán từng chiếc bánh nuôi hai con gái tật nguyền.

Lần theo tiếng rao “ai bánh ú, bánh tét không?”, chúng tôi tìm đến con hẻm nhỏ tại đường số 21 quận Gò Vấp. Ngay từ đầu hẻm, khi được hỏi đến một cụ ông bán bánh dạo, nhiều người đã nhiệt tình dẫn chúng tôi đến nơi kèm theo những lời tâm tình: “ông Chúm phải không cô, ông bán bánh ở đây mấy chục năm, ai đâu còn lạ. Mà bánh tét, bánh ú ông bán đâu phải món ăn thường được mỗi ngày, vậy mà nhiều hôm mưa gió, nhìn thương quá tôi cũng ráng ủng hộ 3,4 cái dẫu cơm nước đã ê hề trong nhà”.

Trăm năm đời người vẫn chưa hết gian nan

Cụ là Nguyễn Văn Chúm (quê Hà Đông) - trụ cột kinh tế chính của gia đình 3 miệng ăn. Khi được chúng tôi hỏi đến tuổi đời, cụ chỉ trầm ngâm tặc lưỡi: “Tôi chỉ nhớ mại mại tôi sinh năm 1917, rồi những năm chiến tranh thời thế loạn lạc, tôi cũng chẳng biết được giấy tờ giờ nằm phương nào. Mà cuộc sống khó khăn quá có ai đắn đo tuổi tác đâu cô” - cụ Chúm tâm sự.

Những năm tháng của đời người dần bị lãng quên để nhường chỗ cho gánh nặng áo cơm.

Theo lời cụ chia sẻ, lưu lạc đến Sài Gòn từ thời Pháp thuộc, không được học hành đến nơi đến chốn, cụ làm thuê làm mướn đủ mọi nghề để nuôi sống bản thân. Rồi duyên trời đưa đẩy, cụ kết hôn cùng người vợ đầu tiên và có được một người con. Nhưng được vài năm thì vợ và con mất, cụ đi thêm bước nữa với một người phụ nữ gốc Bến Tre.

Khi 3 đứa con (2 gái, 1 trai) lần lượt ra đời thì cũng là lúc gánh nặng áo cơm càng đè nặng trên vai cụ. Nhưng nhờ cần mẫn, chí thú làm ăn, cụ cũng dành dụm được một khoản tiền đủ để mua một căn nhà nho nhỏ cạnh kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. “Nói nhà ở quận 1 cho sang vậy thôi, chứ thật ra là căn nhà sàn, ở trên là vách ván, ở dưới là nước mênh mông. Lỡ có làm rớt đôi dép xuống là coi như bỏ luôn. Vậy mà mấy mươi năm trước, khu đó giải tỏa để xây dựng bờ kè, tôi mới trôi dạt về Gò Vấp tìm mua được miếng đất nhỏ rồi dựng cái nhà ọp ẹp nhờ vào tiền đền bù. Mãi đến vài năm gần đây, một nhà hàng trên địa bàn xây tặng cho gia đình tôi một cái nhà tình thương tươm tất hơn.” - cụ bồi hồi kể thêm.

Thế nhưng, ngoài tiếng tivi rôm rả, tiếng xoong nồi nấu nướng thì hầu như ngôi nhà hiếm có tiếng nói cười. Điều này cũng dễ hiểu bởi 1 cụ ông giọng nói thì thào, hai người phụ nữ trung niên (đều trên dưới 50 tuổi): một người bị tâm thần nhẹ, một người từ khi sinh ra đã bị câm điếc bẩm sinh, thì thời gian vui vầy nhất chắc là những buổi cơm trưa khi cô con gái lớn không đi làm hay buổi cơm chiều cụ bán về sớm.

Hai con gái của cụ: cô Nguyễn Thị Lan (48 tuổi) và cô Nguyễn Thị Thanh (50 tuổi).

Từng có thời gian bao nhiêu hi vọng, cụ dành hết cho cậu con trai duy nhất, nhưng khi chưa 18 tuổi anh đã sớm sa vào nghiện ngập rồi qua đời. Hiện tại, cô con gái lớn của cụ đang làm dọn dẹp vệ sinh cho Ủy ban phường 8, song do ảnh hưởng của căn bệnh nên khoản tiền thu về khá bấp bênh. Riêng cô con gái thứ hai sớm mang khiếm khuyết nên chỉ quanh quẩn trong nhà lo việc cơm nước.

Tiếng rao chưa bao giờ ngơi nghỉ

Chúng tôi tìm đến nhà cụ khi nắng vừa lên đến đỉnh đầu còn cụ đang loay hoay với bữa ăn gộp dành cho cả sáng lẫn trưa để vội vàng đi bán. “Tôi bán bánh ú, bánh tét kể ra cũng đã 28 năm nay. Trước đây có thời gian đi rửa chén, bán vé số, bán cháo, bán bánh ướt… nhưng kể ra bán bánh ú, bánh tét vẫn dễ hơn, vì ai mua thì cầm túi nilon xách theo, còn bánh ướt, cháo lòng phải cần tô dĩa lỉnh kỉnh các thứ”.

Bữa ăn đơn sơ với rau, khoai, chút thịt và chiếc bánh ú còn từ đêm hôm trước.

Và cứ thế đều đặn mỗi ngày, cứ khoảng 11g, 12g trưa cụ lại khệ nệ hai tay hai giỏ bánh gồm 40 chiếc bánh ú và 4,5 đòn bánh tét được đại lí giao đến tận nhà. Mỗi cái bánh ú có giá vốn là 8.000 đồng, cụ thường bán ra với giá 10.000 đồng, hay có hôm gặp “mối sộp” chịu mua đến 15.000 đồng/cái. Nhờ vậy mà cụ có thêm khoản tiền mua chút rau, chút cá cho bữa cơm cả nhà. “Dạo gần đây, mỗi ngày tôi chỉ thu về được 100.000 đồng đến 120.000 đồng vì đâu còn được khỏe mạnh dẻo dai mà xách nặng như trước. Trước đây tôi xách mỗi tay hơn chục kg bánh mà đi ngon ơ, giờ độ trăm mét là phải dừng lại uống miếng nước, ngồi nghỉ bên đường.” - cụ trải lòng.

Khoảng thời gian trước, cũng có người gợi ý cụ Chúm tự nấu bánh ở nhà mang đi bán để sinh thêm lời nhưng cụ đành lắc đầu từ chối. Phần vì cụ còn lo bán, hai con đâu thể đảm đương nổi chuyện nấu bánh. Phần vì nhà không có sân vườn để đốt củi ninh bánh, còn nấu bằng bếp ga bếp điện thì lời lớm được là bao.

Cứ 11g, 12g trưa cụ lại khệ nệ hai giỏ bánh bắt đầu đi bán.

Mỗi ngày, cụ bắt đầu đi bán từ giữa trưa, hôm nào đắt khách 17g chiều đã có thể trở về nhà, nhưng hôm nào khách quen ngán bánh, cụ phải lang thang dọc theo đường số 21 và đường Cây Trâm (quận Gò Vấp) đến tận 21g đêm. “Dẫu đã lấy ít bánh hơn lúc trước nhưng tôi cũng phải mang bánh về ăn hoài cô ơi. Thấy vậy thôi, cái thứ bánh nếp này ngộ lắm, người ta hay thèm vào lúc trời mưa se lạnh. Cũng tại vậy mà tôi có nghỉ ngày nào đâu, mưa thì tranh thủ mặc áo mưa đi bán, mưa lớn quá thì nép vào hiên nhà người ta. Vậy mà tui bán đắt hơn hẳn mấy ngày nắng ráo đấy chứ”.

Thương cụ tuổi cao, phải khòm lưng kệ nệ giỏ bánh nặng trịch, một cửa hàng hàn sắt đã tặng cụ chiếc xe đẩy để buôn bán đỡ mất sức. Thế nhưng cụ tuổi cao, di chuyển chậm chạm, xe lại kềnh càng sợ tắt đường, nên cụ vẫn tiếp tục xách 2 giỏ bánh đi bán sớm hôm.

Chiếc xe đẩy hàng được mạnh thường quân gửi tặng cụ.

Dạo còn khoẻ, cụ đi cả ngày chẳng sao nhưng bây giờ tuổi đã cao nên cứ đi được trăm mét cụ lại phải ngồi nghỉ, uống nước lấy sức.

Dẫu trăm tuổi già và bươn chải nắng mưa nhưng cụ may mắn có được sức khỏe dẻo dai, ít đau ốm bệnh tật. “Tôi ít khi bệnh, mà có bệnh cũng chỉ cảm cúm hay đau bụng, mua vài ba viên thuốc uống vào là khỏe. Trước nay chỉ một lần đổ bệnh nặng nhất phải đi mổ dạ dày là vào 60 năm trước. Lúc ấy người vợ đầu tiên phải khệ nệ bụng bầu vào bệnh viện chăm tôi. Mà thời trẻ tôi ỷ y sức khỏe, có ăn uống điều độ bao giờ”.

Mặc cái ẩm ương của những ngày đầu hè, cụ Chúm vẫn miệt mài hai giỏ bánh trên tay cùng giọng rao yếu ớt “Ai bánh ú, bánh tét…” bị át đi bởi tiềng ào ào của xe cộ. Đã ngấp nghé trăm tuổi già, nhưng quãng đường gần 2km mưu sinh ít khi nào vắng bước chân cụ. Cứ 100m cụ lại dừng chân bên vệ đường uống chút nước cho lại sức, mắt kiếm tìm những vị khách quen. Chẳng thể đếm xuể bao nhiêu lần cụ già trăm tuổi dừng chân nghỉ mệt bên vệ đường, bao nhiêu giọt mồ hôi đổ xuống và đến bao giờ đời cụ mới hết dãi dầu nắng mưa…

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Bảo Ngọc

Được quan tâm

Tin mới nhất