Chiều 15/12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị “Công tác phòng chống lũ ống, lũ quét, sạt lở đất năm 2017.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng nhắc lại những thiệt hại kinh khủng sau trận lũ quét lịch sử, sạt lở đất ở khu vực miền núi phía bắc năm 2017.
“Dù cả hệ thống chính trị đã khẩn trương và tích cực vào cuộc, song tổn thất về thiên tai vẫn còn rất lớn với 386 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế khoảng 60.000 tỷ đồng làm đình trệ sản xuất, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái và quá trình phát triển bền vững của nền kinh tế nước ta”, ông nhấn mạnh.
10.800 người chết và mất tích trong 20 năm
Thứ trưởng Thắng kêu gọi các địa phương cần nhanh chóng hành động, tìm ra giải pháp hiệu quả, phù hợp với tình hình hiện nay, đặc biệt trước mùa mưa lũ năm 2018.
Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai khẳng định Việt Nam là một trong những quốc gia chịu nhiều tác động nhất của thiên tai và biến đổi khí hậu. Thiên tai ngày càng gia tăng và phức tạp, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Trong 20 năm gần đây, thiên tai khiến khoảng 10.800 người chết và mất tích, thiệt hại về GDP bình quân hàng năm ở mức 20.000 tỷ đồng (tương đương 1-1,5% GDP).
Khu vực miền núi phía Bắc thường xuyên xảy ra các loại hình thiên tai như lũ quét, sạt lở đất, rét hại, băng giá, mưa lớn, dông lốc. Đặc biệt, lũ quét, sạt lở đất gây thiệt hại nghiêm trọng và có xu thế gia tăng.
Theo tổng hợp báo cáo từ các địa phương, tính đến ngày 26/11/2017, có 17/19 tỉnh đã tổ chức triển khai, 1.274.673 hộ gia đình được khảo sát ở khu vực thường chịu ảnh hưởng của lũ quét và sạt lở đất, trong đó có 83.868 chỗ ở kém an toàn, 5.176 chỗ ở cần di dời khẩn cấp.
'Cần đánh giá thẳng, thật'
Nhận định về lũ ống, lũ quét, sạt lở đất các tỉnh miền núi, ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, cho rằng mưa lớn cục bộ, các tác động của quá trình phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động sinh kế thiếu bền vững hay tập quán sinh sống của người dân nơi đây là những nguyên nhân quan trọng làm gia tăng các rủi ro thiên tai.
Bên cạnh đó, nạn chặt phá rừng phòng hộ để lấy đất sản xuất, xây dựng nhà ở ven sông, suối, mái dốc đã và đang diễn ra phổ biến tại một số khu vực. Trong khi đó, công tác dự báo, cảnh báo sớm thiên tai tới cộng đồng và nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế dẫn đến những thiệt hại đáng tiếc.
“Mỗi đợt mưa lũ, cơ quan dự báo khoanh vùng cả tỉnh đều nằm trong vùng đỏ choét, chúng tôi biết chạy đi đâu”, ông Lò Minh Hùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho rằng dự báo cần chi tiết, tránh tổng quan gây khó khăn cho người dân. Ông Hùng chia sẻ công tác đánh giá cần nói thẳng, nói thật để có giải pháp triệt để.
Các địa phương cho rằng công tác dự báo, cảnh báo thiên tai cần được chú trọng, phát triển hệ thống quan trắc, đặc biệt các trạm đo mưa, lưu lượng tự động.