Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Thời cuộc

COVID-19 sẽ lây theo cấp số nhân nếu người dân không ở nhà

Khi lây ra cộng đồng, nếu không tìm được bệnh nhân F0, COVID-19 sẽ tiếp tục lây cho nhiều người khác theo cấp số nhân.

Giai đoạn lây ra cộng đồng rất cao

Việt Nam đã bước vào giai đoạn 3 của cuộc chiến chống dịch COVID-19. Đặc biệt 10-15 ngày là giai đoạn sống còn, quyết định tới sự thành bại của trận chiến vì nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng rất cao.

Lần đầu tiên Việt Nam khuyến cáo tất cả người dân hạn chế ra ngoài, riêng người từ 60 tuổi tuyệt đối nên ở trong nhà.

Song song đó, các địa phương tạm dừng tất cả hội họp, các sự kiện tập trung trên 20 người, riêng khu vực bên ngoài công sở, trường học, bệnh viện, cấm tụ tập nhiều hơn 10 người.

Một quán nhậu trên đường Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội vẫn đông kín người bất chấp các cảnh báo của chính quyền và Bộ Y tế

Đóng của các dịch vụ không cần thiết như vũ trường, cafe, ăn uống, quán bia, vui chơi, rạp chiếu phim… hạn chế hoạt động của các phương tiện công cộng, hạn chế bay từ các thành phố lớn trong nước đến các tỉnh khác.

Quy định này bắt đầu thực hiện nghiêm ngặt từ 0h ngày 28/3.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp TT đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng, Việt Nam phải áp dụng nhiều biện pháp mạnh như vậy vì tại nhiều địa phương vẫn còn tình trạng tụ tập đông người ở đám ma, đám cưới, quán ăn uống, nghi lễ tôn giáo… trong khi dịch COVID-19 nguy cơ cao lây nhiễm trong cộng đồng.

PGS Phu dẫn chứng, vừa qua đã ghi nhận một số bệnh nhân siêu lây nhiễm trong cộng đồng như bệnh nhân 17 lây cho 3 người, bệnh nhân 34 ở Bình Thuận lây 9 người, mới nhất tại BV Bạch Mai, bệnh nhân số 86 và bệnh nhân 133 chưa tìm được nguồn lây…

Hay tại Hà Nội cũng đang cách ly bệnh nhân 148, quốc tịch Pháp, đã di chuyển hàng chục điểm trong thành phố suốt 1 tuần trước khi xét nghiệm dương tính. Tại TP.HCM có bệnh nhân số 100, đã đi lễ nhà thờ đến 60 lần sau khi tham dự lễ hộ tôn giáo ở Malaysia trở về.

Tại quán Bar Buddha ở TP.HCM hiện đã cũng xác định 7 người nhiễm Covid-19 từng có mặt tại quán bar này trong khi chưa biết ai là người nhiễm bệnh đầu tiên.

“Đây là thời điểm người dân cần có ý thức tự bảo vệ bản thân và gia đình. Tại những nơi đông người như quán bar, 1 người nhiễm bệnh hắt hơi, ho có nguy cơ lây bệnh cho nhiều người khác. Môi trường càng kín, tần suất vệ sinh thấp, càng tiếp xúc gần thì khả năng lây nhiễm càng mạnh”, PGS Phu cho hay.

Ngay tại các quán cafe, quán trà đá, nếu người nhiễm COVID-19 từng uống nước tại đó nhưng cốc không được rửa bằng nước có thành phần sát khuẩn, chỗ ngồi, bề mặt bàn không được vệ sinh thường xuyên thì người đến sau cũng có nguy cơ lây bệnh.

Quan trọng nhất là giãn cách xã hội

PGS Phu cho biết, Việt Nam chưa có tổng kết 1 người lây cho bao nhiêu người khác nhưng thực tế đã có trường hợp lây nhiễm đến thế hệ thứ 3.

“Khi lây ra cộng đồng, nếu mất dấu không quản được người mắc bệnh ban đầu - F0 thì dịch COVID-19 sẽ tiếp tục lây cho nhiều người khác theo cấp số nhân. Nếu tiếp tục không khoanh được F1, F2 thì nhiều người sẽ trở thành F0 bất cứ lúc nào. Nguy hiểm là ở chỗ đó”.

PGS.TS Trần Đắc Phu

Tại Mỹ, đầu tháng 3 chỉ có 100 trường hợp nhiễm COVID-19 nhưng hiện đã tăng lên đến hơn 68.000 ca mắc. Quốc gia này cũng chỉ mất 3 ngày để số ca mắc tăng lên gấp đôi. Đây là bài học đắt giá cho Việt Nam.

Do đó, việc quan trọng nhất lúc này là cần giãn cách xã hội để hạn chế dịch lây lan. Khi phát hiện được ca nhiễm, địa phương sẽ cách ly, quây gọn để dập dịch triệt để.

“Khi dịch ở cộng đồng, chúng ta sẽ rất khó xác định ai là F0, ai là F1 nên việc cách ly chủ động, hạn chế giao tiếp xã hội sẽ giúp những người mắc bệnh hạn chế lây nhiễm cho những người khác. Việc tự cách ly 14 ngày cũng giúp những người có triệu chứng thoáng qua hoặc không có triệu chứng khỏi bệnh”, PGS Phu nói.

Cũng theo PGS Phu, khi người dân thực hiện hạn chế đi lại tốt, số ca lây nhiễm trong cộng đồng sẽ giảm, giảm áp lực lên hệ thống y tế, để các bác sĩ có thời gian tập trung điều trị cho những bệnh nhân nặng.

Có thể nói, đến nay chưa có một dịch bệnh nào người đứng đầu Chính phủ và lãnh đạo các địa phương quyết liệt như vậy.

Với phương châm “chống dịch như chống giặc”, Việt Nam đã huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc, giờ là là lúc toàn dân cùng tham gia chống “giặc” COVID-19.

Tính đến ngày 26/3, Việt Nam đã ghi nhận 148 ca mắc COVID-19, trong đó chỉ tính riêng từ ngày 6/3 đến nay có 132 trường hợp.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Theo Vietnamnet

Được quan tâm

Tin mới nhất
Hoa hậu Kỳ Duyên bị chê cười