Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Công ty sản xuất pate Minh Chay sẽ bồi thường ra sao, đối diện mức phạt nào khi hàng loạt bệnh nhân ngộ độc?

Định Nguyễn Theo dõi Saostar trên google news

Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng Công ty TNHH Hai thành viên Lối Sống Mới phải bồi thường cho các nạn nhân bị ngộ độc do sử dụng pate Minh Chay.

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa qua đã có thông tin về việc giải quyết vụ ngộ độc thực phẩm liên quan tới Pate Minh Chay của Công ty TNHH Hai thành viên Lối Sống Mới. Cho đến nay, các bệnh viện tại Hà Nội, TP.HCM, Đồng Nai đã tiếp nhận trên 20 bệnh nhân có các dấu hiệu yếu cơ, khó thở, nói khó, mệt mỏi... do độc tố có trong thực phẩm này.

Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, đơn vị này đã gửi công văn tới cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hà Nội đề nghị điều tra, xử lý vụ việc Pate Minh Chay của Công ty TNHH Hai Thành viên Lối Sống Mới. 

Theo Bệnh viện Bạch Mai, thuốc giải độc có giá 8.000 USD (tương đương 190 triệu đồng) mỗi liều.

Công ty sản xuất Pate Minh Chay phải bồi thường cho nạn nhân bị ngộ độc 

Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng Luật Chính Pháp) cho biết, có thể thấy, hiện nay tình trạng ngộ độc thực phẩm diễn ra một cách phổ biến khiến người tiêu dùng vô cùng hoang mang, lo lắng về an toàn vệ sinh thực thẩm và nó trở thành mối nguy hại lớn đối với sức khỏe của cộng đồng. 

Công ty sản xuất pate Minh Chay sẽ bồi thường ra sao, đối diện mức phạt nào khi hàng loạt bệnh nhân ngộ độc? Ảnh 1
Sản phẩm pate Minh Chay bị dừng sản xuất. Ảnh: Minhchay.com.

Mới đây vụ việc ngộ độc thực phẩm tại cơ sở Pate Minh Chay cũng khiến rất nhiều người dân lo lắng và đặt câu hỏi rằng ai sẽ chịu trách nhiệm bồi thường cho các nạn nhân trong trường hợp này. ​

"Dưới góc độ pháp lý, Điều 8 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 thì người tiêu dùng có quyền được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp. ​

Đồng thời, theo quy định tại Luật an toàn thực phẩm năm 2010 thì bảo đảm an toàn thực phẩm là trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm và Tổ chức, cá nhân cung cấp thực phẩm mà gây ngộ độc phải chịu toàn bộ chi phí điều trị cho người bị ngộ độc và bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật về dân sự theo quy định tại khoản 5 Điều 53 Luật an toàn thực phẩm", luật sư Cường nêu rõ.

Công ty sản xuất pate Minh Chay sẽ bồi thường ra sao, đối diện mức phạt nào khi hàng loạt bệnh nhân ngộ độc? Ảnh 2
Luật sư Đặng Văn Cường.

Theo luật sư, trong đó, các chi phí bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại.

Nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại; Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại; Bồi thường tổn thất tinh thần,… theo quy định tại Điều 590 Bộ luật dân sự năm 2015. ​

"Như vậy thì những cá nhân, tổ chức cung cấp thực phẩm gây ngộ độc sẽ có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho khách hàng. Ngoài ra, bên cạnh việc phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại gây ra cho khách hàng, các cá nhân, tổ chức cung cấp thực phẩm dẫn tới tình trạng ngộ độc cho khách hàng còn phải chịu các chế tài xử phạt từ các cơ quan có thẩm quyền", luật sư Cường thông tin. 

Căn cứ vào tính chất, mức độ gây thiệt hại của hành vi vi phạm và hậu quả của hành vi, luật sư cho hay, các tổ chức, cá nhân này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 115/2018/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính về an toàn thực phẩm hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định Bộ luật hình sự năm 2015. ​

Cụ thể, phạt tiền từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với hành vi nhập khẩu, sản xuất, chế biến, cung cấp, bán thực phẩm không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật, quy định về an toàn thực phẩm gây ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe của từ 05 người trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định khoản 8 Điều 22 Nghị định 115/2018/NĐ-CP đối với hành vi quy định khác về bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, cung cấp thực phẩm. 

Công ty sản xuất pate Minh Chay sẽ bồi thường ra sao, đối diện mức phạt nào khi hàng loạt bệnh nhân ngộ độc? Ảnh 3
Bệnh nhân bị ngộ độc sau khi ăn pate Minh Chay. Ảnh: BVCC.

Ngoài ra buộc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như Buộc thu hồi và tiêu hủy thực phẩm không đảm bảo; Buộc chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm, khám, điều trị người bị ngộ độc thực phẩm theo quy định tại khoản 11 Điều luật này.

Trong trường hợp cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết là có sử dụng chất, hóa chất, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trị giá từ 10 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc thu lợi bất chính từ 5 triệu đồng…; cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết là có sử dụng chất, hóa chất, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm chưa được phép sử dụng hoặc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam trị giá từ 100 triệu đồng hoặc thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm theo Điều 317 Bộ luật hình sự. Tùy từng tính chất mức độ có thể bị phạt tiền từ 50 nghìn đồng, phạt tù từ 01 năm đến cao nhất là 20 năm tù.

Trường hợp nào sẽ khởi tố vụ án hình sự ? 

Luật Sư Đặng Văn Cường cũng cho biết, trong vụ việc này cơ quan điều tra sẽ vào cuộc xác minh làm rõ nguồn gốc thực phẩm để chế biến các loại thực phẩm chay này như thế nào, thực phẩm có đảm bảo vệ sinh an toàn hay không, quá trình chế biến, bảo quản, vận chuyển được thực hiện như thế nào. 

Trong trường hợp có căn cứ cho thấy có hành vi vi phạm quy định an toàn thực phẩm có dấu hiệu tội phạm thì có thể khởi tố vụ án, khởi tố bị can để tiến hành hoạt động điều tra. 

Công ty sản xuất pate Minh Chay sẽ bồi thường ra sao, đối diện mức phạt nào khi hàng loạt bệnh nhân ngộ độc? Ảnh 4
Theo luật sư, trong trường hợp có căn cứ cho thấy có hành vi vi phạm quy định an toàn thực phẩm có dấu hiệu tội phạm thì có thể khởi tố vụ án, khởi tố bị can để tiến hành điều tra. 

Căn cứ khởi tố vụ án là có dấu hiệu tội phạm, còn căn cứ khởi tố bị can là xác định có người đã thực hiện hành vi phạm tội. Cùng với quá trình điều trị cho các bệnh nhân thì cơ quan chức năng cũng sẽ xác định nguyên nhân ngộ độc của các nạn nhân là gì. 

Nếu có kết luận của cơ quan y tế xác định nguyên nhân nạn nhân bị ngộ độc là do thực phẩm pate Minh Chay thì cơ quan chức năng cũng sẽ đình chỉ tạm đình chỉ kinh doanh của đơn vị này và thu hồi toàn bộ các lô sản phẩm không đảm bảo an toàn đồng thời làm rõ hoạt động kinh doanh của cơ sở này phải làm rõ nguyên liệu sản xuất, quá trình sản xuất, bảo quản và tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm. 

Trong trường hợp cơ quan chức năng có căn cứ cho thấy cơ sở kinh doanh này đã có hành vi chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe của người tiêu dùng thì sẽ khởi tố vụ án hình sự về tội vi phạm quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm theo điều 317 bộ luật hình sự năm 2015. 

"Hành vi vi phạm quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm xâm phạm vào những qui định của Nhà nước về vệ sinh thực phẩm. Nhà nước ban hành các quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm nhằm bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho nhân dân vì thực phẩm là nhu cầu thiết yếu của nhân dân, nó liên quan trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng, tính mạng, sức khỏe của mỗi người tiêu dùng. 

Nếu đơn vị sản xuất kinh doanh nào không tuân thủ các quy định của pháp luật về vệ sinh, an toàn thực phẩm gây hậu quả nghiêm trọng thì người đứng đầu cơ sở đó và những người biết là vi phạm việc vẫn cố tình thực hiện sẽ bị xem xét trách nhiệm hình sự", luật sư nói. 

Để xem xét xử lý hình sự đối với các cá nhân đơn vị, tổ chức kinh doanh thực phẩm thì cơ quan tố tụng phải chứng minh cơ sở này có hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm các quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm và hậu quả gây thiệt hại đến tính mạng hoặc sức khỏe của người tiêu dùng. 

Với Điều 317 Tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm thì hình phạt thấp nhất là 01 năm tù, hình phạt cao nhất là 20 năm tù, cụ thể tội danh và hình phạt được Bộ luật hình sự năm 2015 quy định.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Định Nguyễn

Được quan tâm

Tin mới nhất