Trao đổi với VNE, bà Phạm Thanh Bình cho hay, nguy cơ cán bộ y tế bị tử vong do nhiễm Covid-19 trong quá trình điều trị hoặc tiêm chủng là không tránh khỏi. Vì vậy, chính sách đối với cán bộ y tế phải làm càng sớm càng tốt, đừng chờ sự việc xảy ra rồi mới đề xuất chính sách cho họ.
Theo thống kê của ngành Y tế, từ đầu năm 2020 đến nay, cả nước có hơn 2.300 nhân viên y tế mắc Covid-19. Trong đợt dịch này, hơn 10.000 cán bộ y tế các nơi đang chi viện cho TP HCM và các tỉnh phía Nam.
Trong đó, nhiều cán bộ y tế hoàn cảnh, xa gia đình nhưng họ đã rất nỗ lực, tận tâm để điều trị các ca nhiễm, đặc biệt là làm việc trong bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng.
Do đó, công đoàn Y tế đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất Chính phủ, Nhà nước ban hành chính sách phong tặng liệt sĩ với cán bộ y tế tử vong khi chống dịch. Đề xuất trên áp dụng với cán bộ y tế và gia đình được hưởng chế độ liên quan, trong bối cảnh dịch phức tạp, biến chủng siêu lây nhiễm.
Liên quan đến vấn đề này, ông Phan Văn Anh - phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, đề xuất này rất ý nghĩa. Tuy vậy, đề xuất vẫn phải được các ban chuyên môn lấy ý kiến, rồi tham mưu lên thường trực Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam xem xét, kết luận.
Bên cạnh đó, ông Văn Anh cũng cho biết, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đồng ý đề xuất trích từ nguồn tích lũy công đoàn ngành y tế để hỗ trợ cho khoảng 10.000 cán bộ, nhân viên y tế chi viện cho miền Nam với mức 2 triệu đồng/người (tổng khoảng 20 tỉ đồng).
Bên cạnh đó, Công đoàn y tế sẽ mua thẻ bảo hiểm an toàn cho khoảng 10.000 cán bộ trên. Kinh phí mua thẻ được trích từ nguồn kinh phí tích lũy của Công đoàn y tế Việt Nam và xã hội hóa.
"Quyết định đã được thông qua. Thứ hai tuần sau Công đoàn ngành y tế có thể triển khai ngay", ông Phan Văn Anh khẳng định.
Trước đó, Công đoàn Việt Nam đã quyết định hỗ trợ tiền ăn bằng hiện vật trị giá 1 triệu đồng/người cho lực lượng y tế làm nhiệm vụ chống dịch tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam đang thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16.