Nhiều năm nay, người dân khắp các nơi mỗi lần đi qua Đình Quán Giá, xã Yên Sở, huyện Hoài Đức, TP.Hà Nội lại được chiêm ngưỡng 3 cây sưa quý có niên thọ hàng trăm năm tuổi. Một trong ba cây sưa có đường kính cỡ hai vòng tay người lớn, cao khoảng 15m và tán lá bao phủ cả một khu vực rộng. Hai cây sưa to nhất, nhiều tuổi nhất đều nằm sát với đường bê tông trong làng.
Chia sẻ với chúng tôi, cụ bà Nguyễn Thị Thanh (78 tuổi, người dân xã Yên Sở) cho biết, ngay từ khi còn rất nhỏ bà đã thấy những cây sưa này cao lớn, có tuổi thọ hơn 100 năm.
“Từ xưa khi chúng tôi còn bé, những cây sưa này đều đã cao lớn, chẳng ai nhòm ngó đến. Trước đây chỉ có gỗ xoan, gỗ mít còn có giá trị, cây sưa gãy cành còn chẳng ai thèm nhặt về đun. Tuy nhiên vài năm trước rộ lên việc sốt gỗ sưa, giá trị đắt.
Từ đó phía thôn mới cử người ra canh gác. Lợi dụng đêm tối, mưa gió một số đối tượng đã cưa cắt trộm cành sưa nên vài năm gần đây lực lượng công an xã trực chiến bảo vệ ngày đêm”, bà Thanh chia sẻ.
Bà Thanh kể lại vụ việc cành cây sưa bị cắt trộm trong đêm và lập đoàn bảo vệ cây.
Theo bà Thanh, cách đây khoảng 2 năm một cây sưa được bán đấu giá hơn 8 tỷ đồng, một phần số tiền từ việc bán đấu giá gỗ sưa được sử dụng vào việc tu sửa Đình Quán Giá. Khu di di tích đình Quán Giá thuộc quản lý của Bộ Văn hóa Thể thao nên ba cây sưa cũng nằm trong sự quản lý của Bộ. Việc cắt cành, mua bán không thuộc chức năng của người dân địa phương.
“Trong số 3 cây sưa hiện có một cây rất xanh tốt, tán cây xum xuê, hai cây còn lại một cây bị gãy một cành, dưới gốc trước đây bị mục ruỗng nên trẻ nhỏ trong làng vun cành cây khô đốt. Cách đây không lâu người dân trong làng phải nhét gạch vào bên trong xây bịt lỗ hổng dưới gốc cây tránh mối mọt, còn cây nữa thì bị trộm cắt mất cành trong đêm mưa gió”, bà Thanh chia sẻ.
Cũng giống bà Thanh, bà Nguyễn Thị Ánh (gần 80 tuổi) là cao niên trong làng cho biết, từ xa xưa bà đã có tuổi thơ bên những cây sưa quý này. “Hội làng hằng năm đều được tổ chức ở Đình Quán Giá. Nơi đây diễn ra nhiều trò chơi dân gian rất vui. Trước đây cây sưa được trồng nhiều ở đình làng. Tuy nhiên, sau nhiều cây bị chặt bỏ. Hồi đó cây sưa cũng như các cây bình thường khác, không ai quan tâm. Chỉ vài năm trở lại đây sưa mới sốt như vậy”, bà Ánh nói.
Theo người dân khoảng 10 năm trở lại đây, gỗ sưa được coi như báu vật, giá bán đắt hơn vàng ròng. Sưa lớn, sưa bé đều được thương lái lùng mua ráo riết. Loại lõi nhỏ có giá bán 3-5 trăm ngàn đồng/kg, loại lâu năm có giá 40-50 triệu đồng/kg. Cũng chính vì vậy mà người dân ở thôn 5 quý cây sưa và ví như vàng ròng.
Theo người dân địa phương, thời điểm sốt gỗ sưa, thương lái đã từng trả giá trên 60 tỷ đồng cho một cây to nhất. Tuy nhiên, việc mua bán không được thực hiện do chưa có sự đồng ý của cơ quan chức năng.
Thủ từ đình Quán Giá Nguyễn Văn Kỳ cho biết, những năm đầu 2010, giá gỗ sưa sốt, một số đối tượng đến thôn trộm gỗ sưa và bị nhân dân phát hiện. Hiện công an xã Yên Sở đã lập chốt canh giữ ngày đêm để bảo vệ cây.
Cây sưa to nhất nằm trong khuôn viên đình Quán Giá vẫn xanh tốt, đầy sức sống. Cây sưa thứ 2 cũng nằm gần đường bê tông trong làng, theo tổ trưởng tổ bảo vệ khu vực di tích đình Quán Giá, một nhánh của cây sưa này đã bị kẻ trộm cưa mất trong một đêm mưa gió.
“Sau lần mất trộm đó, khoảng 5 năm nay Công an xã Yên Sở đã lập một chốt bảo vệ nằm ở góc khuôn viên khu di tích, có người canh gác ngày đêm. Từ ngày có chốt an ninh, không có tình trạng mất trộm sưa xảy ra như trước”, tổ trưởng tổ bảo vệ khu di tích đình Quán Giá cho biết.
Theo ông Kỳ, hàng ngày, người dân nơi đây vẫn thường xuyên trông nom, bảo vệ cây gỗ sưa, không có nguyện vọng bán cây. “Thêm nữa, đình Quán Giá được công nhận là di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia, vì vậy, trong trường hợp chúng tôi muốn bán cây cũng phải được sự đồng ý của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, UBND TP. Hà Nội. Người dân không thể tự quyết việc bán hay không bán”, ông Kỳ chia sẻ.
Theo lãnh đạo UBND xã Yên Sở, hiện tại, trong đình có gần 10 cây gỗ sưa, trong đó có 4 cây to. Tuy nhiên, đặc biệt nhất là hai cây gỗ sưa to nhất ở đình có tuổi đời hơn 100 năm tuổi nằm ngay sát đường đi. Hiện tại, chính quyền và người dân vẫn đang trông nom, chăm sóc.