LTS: Qua đường dây nóng Pháp Luật TP.HCM, bạn đọc thông tin: Có một nhóm phụ nữ hàng ngày ẵm các cháu nhỏ đi ăn xin ở khu phố Tây (phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP.HCM) để chơi ma túy.
Nhiều ngày theo chân, chúng tôi ghi nhận một phụ nữ bồng đứa trẻ chưa tròn năm, vạ vật xin tiền để nướng vào hàng trắng. Người mẹ lấy gầm bàn hay bất kỳ nơi nào kín gió ngoài lề đường làm nơi qua đêm cho hai mẹ con…
Mới đây, Công an phường Phạm Ngũ Lão đã mời người mẹ bồng đứa trẻ tám tháng tuổi ăn xin ở khu vực phố Tây (phường Phạm Ngũ Lão, quận 1) về trụ sở làm việc.
Qua kiểm tra, người phụ nữ dương tính với ma túy.
Ngáp liên tục khi đi xin
Trước đó, theo chân người phụ nữ bồng bé trai xin tiền xung quanh khu phố Tây Bùi Viện, Phạm Ngũ Lão và Công viên 23-9, chúng tôi phát hiện người này hay lấy vỉa hè cạnh một cửa hàng thức ăn nhanh ở đường Phạm Ngũ Lão làm nơi qua đêm.
Hằng ngày bà này ăn xin từ 9 giờ sáng đến 22 giờ đêm, thi thoảng đi đâu đó khi những cơn ngáp liên tục đến với bà…
Trưa 18-11-2017, bà bồng đứa trẻ vạ vật ăn xin trên vỉa hè cạnh một cửa hàng thức ăn nhanh ở đường Phạm Ngũ Lão. Người phụ nữ chừng 40 tuổi gầy gò ngồi ngủ gục bên đứa trẻ kháu khỉnh, gần một đống rác lớn được nhà hàng bỏ ra chờ người tới dọn. Hai mẹ con ngồi bệt dưới đất, bên cạnh là cái túi xách. Xương quai xanh của người mẹ lộ rõ, đôi mắt quầng thâm dễ dàng đập vào mắt các du khách đi qua đi lại.
Bà đặt chiếc nón lưỡi trai màu đen cáu bẩn trên lối đi hẹp, du khách ngang qua không khỏi động lòng trắc ẩn, liên tục đặt tiền vào chiếc nón.
Tiếp xúc với người phụ nữ, bà liên tục nhìn ra xung quanh và cho biết bé trai là con của bà. “Tui ở nhà mướn ở gần đây. Chồng tôi mất vì tai nạn, tôi thì bị đau bao tử nên không làm được, không đủ sống. Bố thằng nhỏ này mất từ khi nó còn nằm trong bụng… ” - bà nói rồi liên tục ngáp dài.
Bà lấy những tờ tiền trong chiếc nón ra xếp lại, vứt cốc nước vừa uống ra đống rác, nhặt chiếc túi xách và bồng con đi về hướng đường Đỗ Quang Đẩu, cho biết là “đi ăn cơm trưa”.
Thực ra bà chỉ lòng vòng quanh khu Bùi Viện vài chục mét rồi lại ngồi xuống lề đường, đặt chiếc nón bên cạnh, chờ người đi đường dừng lại bỏ những tờ tiền vào đấy…
Ôm con ngủ trên lề đường
Hôm sau, sau khi ngồi trên đường Phạm Ngũ Lão, đến gần trưa thì bà bồng con lững thững đi vào một con hẻm trên đường Bùi Viện và mất dấu trong các con hẻm chằng chịt hun hút ở bên trong. Chừng 30 phút sau, bà quay lại chỗ cũ thì một phụ nữ đến chở đi đâu đó, khoảng một giờ sau mới quay lại. Bà lại đặt chiếc nón ra vỉa hè, ôm đứa trẻ ngủ ngon lành.
Đến cuối giờ chiều, bà vẫy xe ôm đi đâu đó chừng một giờ rồi quay lại ngồi vào chỗ cũ, đặt chiếc nón ra đường.
Khoảng 23 giờ khuya, bà bồng con chui vào gầm bàn đặt trước một khách sạn trên đường Phạm Ngũ Lão để qua đêm…
Liên tục trong năm ngày, chúng tôi thấy cứ khoảng 5 giờ sáng, có một người đàn bà gầy gò hoặc một phụ nữ bồng ba đứa trẻ đến đánh thức người ăn xin này dậy. Sau đó cả nhóm sẽ tới sảnh phía sau quán thức ăn nhanh Burger King khoảng gần một giờ rồi rời đi. Người phụ nữ bồng con ngủ lại đến gần 10 giờ thì ra chỗ box điện thoại trên đường Phạm Ngũ Lão gần đó để xin tiền.
Đến trưa, người phụ nữ ăn xin hoặc là bắt xe ôm đến một nhà vệ sinh công cộng trên đường Đề Thám, hoặc đạp xe cùng một phụ nữ gầy gò khác đến một nhà vệ sinh ở góc Công viên 23-9 nếu công viên có tổ chức hội chợ, âm nhạc.
Ngày 20-12, trong vai xe ôm, chúng tôi chở hai mẹ con bà từ đường Phạm Ngũ Lão sang Hàm Nghi. Tại đây, bà mất gần một giờ trong đó rồi trở lại chỗ cũ trên đường Phạm Ngũ Lão, tiếp tục đặt chiếc nón ra đường.
Ngay sau khi người phụ nữ rời đi, đồng nghiệp nữ của chúng tôi đi vào nhà vệ sinh thì phát hiện một mảnh giấy bạc cháy xém trong bồn cầu, còn nhà vệ sinh công cộng thì nồng nặc mùi khói thuốc…
Trưa một ngày cuối tháng 12-2017, người phụ nữ bế con chạy, gào khóc, hét toáng lên: “Sao vậy con ơi? Sao chảy máu dữ vậy hả trời?…”.
Tay cháu bé bị mảnh sắt cứa vào, bà đã ôm con khóc, chạy dọc trên vỉa hè, nước mắt thì giàn giụa, kêu gào: “Ai cứu con tôi với…”. Một người bán hàng mang băng cá nhân ra giúp nhưng không cầm được máu, bà lại la toáng lên, ôm con ngồi khóc giữa lòng đường. Một người chạy tới chở hai mẹ con đến trạm y tế xử lý vết thương, khoảng 30 phút sau thì chở bà về chỗ cũ. Ôm đứa trẻ vào lòng, bà vỗ về khi cho con uống sữa: “Mày không được nghịch dại nữa. Không là tao đánh đó”…