Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

'Con gái là người tình kiếp trước của cha': Suy nghĩ ấy thật đáng sợ!

Theo Trí Thức Trẻ Theo dõi Saostar trên google news

Theo MC Thảo Vân, tình cảm cha con là một thứ tình cảm thuần khiết, không nên ví von như vậy.

LTS: Câu nói ví von “Con gái là người tình kiếp trước của cha” từng và đang được rất nhiều bậc cha mẹ chia sẻ, lan truyền. Thế nhưng, cũng có không ít người cho rằng, trong mối quan hệ cha - con, không nên dùng từ người tình như vậy. Bởi từ “người tình” gợi ra những điều nhạy cảm. Dưới đây là góc nhìn của MC Thảo Vân, viết riêng cho Báo Trí Thức Trẻ, nhằm chia sẻ quan điểm riêng về vấn đề này.

“Con gái là người tình kiếp trước của cha”: Tôi không thích cách nghĩ và cách nhìn nhận đó!

Tôi không có con gái, nhưng tôi vẫn có thể hình dung được những yêu thương của người mẹ dành cho cô con gái bé bỏng của mình với tất cả những gì dịu dàng nhất, nhẹ nhàng nhất, âu yếm nhất, và nói chung, con nào cũng thế, đều luôn nhận được tất cả tình yêu cha mẹ dành cho chúng.

Nhưng đấy là thứ tình cảm thuần khiết, trong sáng và cao cả! Nó tuyệt đối không thể ví với một dạng tình cảm khác, kiểu tình cảm yêu đương đôi lứa! Tuyệt nhiên không thể!

Làm sao có thể so sánh cách một người cha âu yếm con gái, yêu thương con gái mình lại giống như cách một người đàn ông âu yếm người yêu của mình được nhỉ, để mà nói “Con gái là người tình kiếp trước của cha”?

Không lẽ khi nói thế, khi nghĩ thế trong đầu mọi người có thể cảm thấy hoàn toàn bình thường không mảy may bị ảnh hưởng bởi chữ “tình nhân”? Làm sao có thể rạch ròi trong một thứ vốn không thể rạch ròi như thế được?

Tôi đi tìm hiểu nguồn gốc của câu nói này. Có nhiều cách lý giải. Có người bảo đó là nhân quả luân hồi trong đạo Phật, có người bảo đó là một định nghĩa trong tiểu thuyết ngôn tình (nhưng tôi nghĩ ngôn tình thì cũng nghiên cứu từ một số lý thuyết nhà Phật để dựa theo thôi chứ không tự sáng tác chỗ này được), có người thì bảo đó là theo thuyết Ơ- đip.

Thực ra mặc cảm Ơ-đip của Phân tâm học chứng minh, trẻ gái có khuynh hướng gắn bó với bố vì mối quan hệ đặc biệt về giới tính. Cha đẻ Phân tâm học - Sigmund Freud lý giải tình yêu đứa trẻ dành cho đấng sinh thành khác giới cũng đồng nghĩa với sự ghen ghét mà nó dành cho đấng sinh thành đồng giới.

Đây chính là mâu thuẫn khiến con gái thích gắn bó với bố hơn. Và nhu cầu được thể hiện tình cảm với cha của con gái hết sức tự nhiên, nhưng đây là giải thích cho một hiện tượng khác, chứ không phải để nói rằng “Con yêu bố vì con đã từng là người tình của bố ở kiếp trước, giờ ta tiếp tục”!

Bạn nghĩ xem, suy nghĩ ấy và cách nhìn nhận ấy thật đáng sợ! Trong con mắt của tôi, nó nhuốm màu loạn luân, bệnh hoạn!

Tôi không thấy một ý nghĩa nào, một sự đẹp đẽ nào trong cách so sánh ấy. Nếu con chúng ta yêu cha mẹ chúng, nếu con gái ta yêu cha của bé, tại sao không thấy trong đó một tình yêu thuần khiết với tất cả sự ngưỡng mộ, yêu kính trước hình ảnh người cha mạnh mẽ, chở che nhưng vẫn chiều chuộng mình.

Và thực tế cho thấy, nếu những người cha không hết lòng yêu thương vợ con, không thể hiện đầy đủ trách nhiệm của mình, không là một người đàn ông gương mẫu trong mọi mặt thì làm sao có được chút tình cảm của bất cứ đứa con nào, nhất lại là con gái.

Đấy mới chính là điều mà các gia đình nên tự hào, những người cha nên tự hào, và những bà mẹ nên tự hào, bởi để có được một tình cảm tuyệt vời như thế giữa cha và con gái, thì đấy hẳn phải là do người đàn ông của gia đình đã luôn hết mình để giành được tình yêu ấy!

Nhiều khi tôi băn khoăn, phải chăng bao câu chuyện đau lòng về ấu dâm, về bạo hành trẻ em, về loạn luân xảy ra trong những năm qua có một phần tội của những suy nghĩ mông muội và có phần dễ dãi này.

Phải chăng vì cách nhìn đơn giản, có lúc còn khuyến khích, tự hào, trước những hành động âu yếm (đôi khi quá mức) giữa cha và con gái của chính những người trong gia đình, nhất là người mẹ, đã là một phần thúc đẩy những người đàn ông trong một lúc điên dại nào đó, trong một lúc phần con nhiều hơn phần người, đã quên đi mọi giá trị, mọi phép tắc, mọi luân thường đạo lý để rồi dẫn tới những việc vô cùng đáng tiếc mà khi xảy ra rồi không thể thay đổi nữa, không thể sửa sai được nữa…

Tất nhiên tôi không mong những điều ấy xảy ra, nhưng tôi cũng không thể ép mình không có những suy nghĩ ấy, thế nên, tôi chỉ mong sao mỗi chúng ta làm gì, nghĩ gì, nói gì, cũng cố gắng suy nghĩ một chút, để không góp phần dẫn đến những hậu quả đáng tiếc nào đó.

Những suy nghĩ, những câu nói có thể xuất phát từ tình yêu, từ sự tự hào, từ sự đơn giản, nhưng nếu nó không mang đến những điều đẹp đẽ thật sự, thì chúng ta cứ nói để làm gì?

Thiết nghĩ, nếu thấy tiềm tàng nguy hiểm thì chúng ta nên loại bỏ ngay những suy nghĩ và cách nhìn nhận ấy nhỉ?

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Theo Trí Thức Trẻ

Được quan tâm

Tin mới nhất
PILI Fashion khai trương cửa hàng flagship đầu tiên, thổi "làn gió mới" vào thời trang pickleball