Cổ tích đời thường - những số phận đổi thay nhờ sự giúp đỡ từ cộng đồng mạng

Cổ tích đời thường - những số phận đổi thay nhờ sự giúp đỡ từ cộng đồng mạng

Logo Saostar - Special special

Cổ tích đời thường - những số phận đổi thay nhờ sự giúp đỡ từ cộng đồng mạng

Copy Link
Chia sẻ

Tôi sẽ chẳng bao giờ có thể nghĩ rằng: ngày nào đó, từ chiếc smartphone nhỏ bé trên tay, qua vài tấm ảnh đưa lên mạng xã hội và sự san sẻ giúp đỡ từ hàng triệu triệu con người “xa lạ”,… đã tạo ra sức mạnh to lớn, giúp đổi thay cuộc đời của nhiều số phận cùng cực!

Trong thời đại 4.0, sức mạnh cộng đồng mạng đã tạo nên những sự đổi đời to lớn. Như nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong từng khẳng định: “Nhiệm vụ của nhiếp ảnh gia là ghi nhận lại khoảnh khắc. Tác phẩm có được sức lan tỏa và số phận nhân vật thay đổi tích cực, nhận được những yêu thương san sẻ từ cộng đồng đó thật sự là hạnh phúc của người cầm máy”.

Năm 2016, tấm ảnh chụp về tình bạn của anh đánh giày câm và con chó mù ở Sài Gòn, đã khiến bao nhiêu trái tim rung động. Từ đó, cuộc đời đôi bạn “khuyết tật” ấy cũng trở nên tươi đẹp hơn.

Hay cậu bé xếp dép quanh nhà thờ Đức Bà vào năm 2017 khiến bao người có thêm bài học về sự trân quý cuộc sống của mình. 2 năm sau, bằng nỗ lực giúp đỡ, cậu bé Đạt đã được đến trường, có thêm bữa no và vui vầy cùng bạn bè mình. Nụ cười lần nữa trở lại trên khuôn mặt nhỏ xinh của Đạt.

Đến năm 2018, tôi cũng đã lần nữa chứng kiến bao sự cứu giúp cho những mảnh đời cùng cực nhờ sức mạnh cộng đồng mạng. Đó là cậu bé vô gia cư và người mẹ giả trai, là hành trình giải cứu đứa trẻ Mường Lát trần truồng giữa mùa đông lạnh, hay cuộc hội ngộ đặc biệt giữa chàng trai cụt chân và ông lão “cô đơn” trong căn nhà hoang…

Còn nhiều nhiều câu chuyện khác, đã và đang được viết tiếp bởi tôi, bởi cậu, và bởi tất cả chúng ta.

Cổ tích đời thường - những số phận đổi thay nhờ sự giúp đỡ từ cộng đồng mạng

Đêm Trung thu 2018, mạng xã hội facebook bỗng xuất hiện tấm ảnh của tài khoản Duy Lê. Trong ảnh, một cậu bé đen nhẻm đang đặt nụ hôn lên đôi má của mẹ. Nụ hôn rất sâu và tử tế. Bạn Duy Lê chia sẻ: “Đó là khoảnh khắc bạn vô tình chụp trên đường Cao Thắng, Q.10. Qua hỏi thăm thì hai mẹ con chị không có nhà, đêm đêm vẫn ngủ ở lề đường…”.

Tôi lặng người đi, cố phóng to bức ảnh để chắc chắn đó đúng là người mẹ. Bởi khuôn mặt khắc khổ, hai gò má lún sâu, đầu tóc húi cao, và bộ quần áo rộng thùng thình,… khiến ai cũng nhầm lẫn chị là đàn ông. Thế nhưng, ngần ấy năm, bằng cách giả dạng ấy, người mẹ đã bảo vệ được đứa con mình.

Theo đó, người phụ nữ trong ảnh tên Hương (50 tuổi), còn đứa trẻ là Thịnh (4 tuổi), là con trai đầu của chị. Mỗi ngày, hai mẹ con chị Hương đi nhặt ve chai khắp thành phố. Đêm đêm, mới chọn góc đường để ngủ tạm.

Hành trình ấy cứ lặp đi lặp lại suốt nhiều năm trời. Giữa toà nhà chọc trời, đêm lạnh, hay mưa rả rích… cũng chỉ hai mẹ con nằm cạnh chiếc xe đạp. “Thịnh thương chị lắm! Ngủ đâu cũng được cả, hổng bao giờ đòi hỏi. Sáng ra còn chịu đi còn đẩy xe và nhặt ve chai cho chị nữa…”.

Chị Hương nhớ lại: Quê chị ở Cà Mau, 20 năm trước vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên chị lên Sài Gòn kiếm sống. Không có tiền bạc nhiều nên đành ngủ lề đường.

Thế mà, trong cái đêm tối bưng như mực, Hương bị người đàn ông nát rượu hãm hiếp. “May công an đi qua thấy mới bắt hắn. Sau đó, cho hắn đi tù những 5 năm. 

Lúc hắn về, có đi tìm chị để xin tha thứ, nhưng chị đuổi đi. Mấy lần vậy, hắn vẫn theo chị, nhặt ve chai phụ, rồi còn chia nửa ổ bánh mỳ cho chị ăn nữa… Một đêm, hắn đưa cho chị 2 triệu mốt, bảo đó là toàn bộ tài sản hắn nhịn ăn nhịn mặc làm trong tù, chị mới rơm rớm”.

Và cái tình yêu tréo ngoe đã nảy nở như vậy! Hai mảnh đời rách nát, trong cùng cực nghèo khổ đã cùng nhau chắp vá, nương tựa nhau sống giữa Sài Gòn.

4 năm trước, Thịnh có cơ hội ra đời. Cũng từ đó, để bảo vệ con ngủ ngoài đường, chị Hương đành cắt đầu tóc húi cao, mặc quần áo rộng thùng thình, đội nón lưỡi trai,… để ai cũng nhầm chị là cha Thịnh.

Trong đêm Trung thu, trong lúc đi nhặt ve chai, Thịnh đã bất chợt vòng lại sau mẹ, đặt lên đôi gò má gầy gò của mẹ một nụ hôn. Một nụ hôn sâu và thật thà.

Khoảnh khắc nụ hôn tuyệt đẹp mà facebook Duy Lê chia sẻ đã nhanh chóng truyền cho mọi người cảm xúc mãnh liệt. Ở đó, trong cái nghèo hèn ghi sát mặt đất, tình mẫu tử, tình yêu gia đình, tình yêu con người vẫn nở hoa. Một đứa trẻ nghèo như Thịnh vẫn biết tạo ra niềm vui sống cho chính mình trong đêm hội. Đơn giản thôi, chỉ là một nụ hôn.

Tôi xin cảm ơn bức ảnh “sống” ấy lần nữa!

Đã có vô vàn mạnh thường quân tìm đến để giúp đỡ mẹ con Thịnh có chỗ trú ẩn, đến trường đi học mỗi ngày. Cứ thế, cả ngày nó vui vầy cùng các bạn, đến 4 giờ chiều lại theo mẹ đi nhặt ve chai. Giờ đây, nhờ sự trợ giúp một số tiền nhỏ nhỏ, chị Hương quyết định sẽ cùng chồng con trở về quê, dựng quán nước kiếm bữa cơm qua ngày.

Cuộc sống tuy còn lắm vất vả mưu sinh, nhưng bằng tất cả tình thương của hàng triệu con người, chí ít rằng: điều ước có một mái nhà của Thịnh đã trở thành sự thực. Có ba-có mẹ-có con, rồi Thịnh sẽ có chuỗi ngày hạnh phúc về sau!

Cổ tích đời thường - những số phận đổi thay nhờ sự giúp đỡ từ cộng đồng mạng

Cuối năm 2017, một tài khoản facebook tên Nguyễn Văn Duẩn đã chia sẻ đoạn clip ghi lại cảnh em bé trần truồng giữa thời tiết lạnh ở Mường Lát (Thanh Hoá). Ngay sau đó, bức ảnh nhận nhiều sự đồng cảm từ cư dân mạng.

Anh Duẩn chia sẻ: “Trên đường vào Mường Lát, mình bắt gặp hình ảnh đứa bé đáng thương, trần truồng trong giá lạnh. Em bé bị liệt chân không chơi đùa được cùng chúng bạn. Giá như ai đó chữa cho nó cái chân để có thể đi như mọi đứa trẻ bình thường, chạy nhảy vui đùa. Chỉ vì cái nghèo mà nó chịu vậy…”

Đêm đó, chị Nguyễn Thị Ngọc Phương (31 tuổi, TP.HCM), ngay sau khi xem đoạn clip đã không khỏi xót xa. “Nhìn con mình được sống đủ đầy, được bố mẹ chăm sóc chu đáo, chị lại càng mong muốn làm điều gì đó cho đứa trẻ” - chị Phương chia sẻ.

Chị Phương đã cố gắng tìm hiểu thông tin và biết em bé tên là Vàng Thị Pàng (6 tuổi, hiện sống tại xã Mường Lý, H. Mường Lát, Thanh Hoá). Không đắn đo, chị đã cùng chồng (anh Huỳnh Quốc Tín, 34 tuổi) cấp tốc lên đường với suy nghĩ duy nhất: giải cứu đứa trẻ.

Và cuộc hành trình ấy bắt đầu!

Vừa đến Hà Nội, vợ chồng chị Phương đã nhanh chóng di chuyển về Thanh Hoá, tìm gặp ngồi nhà của chị Dợ (40 tuổi).

Nghe chị Dợ kể lại: một năm trước, người chồng đột ngột qua đời đã để lại 4 đứa con nhỏ cho chị. Song chị Dợ lại bị bệnh về tâm thần nên không thể chăm sóc chu đáo cho các con. Bé Pàng chịu thiệt thòi hơn các anh chị vì đôi chân em bị liệt, phải lếch đi bằng đầu gối.

“6 tuổi nhưng Pàng chỉ như trẻ lên 3, nặng hơn 10 kí, chưa biết nói biết rằng, gặp ai cũng chỉ nhoẻn miệng cười. Nhìn đứa trẻ trần truồng không manh áo che thân giữa trời giá lạnh, gương mặt lấm lem nhưng lại vô tư đến vậy, chị bỗng rơi nước mắt” - chị Phương nhớ lại.

Không đắn đó nhiều, cả hai vợ chồng chị Phương đã quyết định tìm đến UBND huyện Mường Lát để làm thủ tục đưa Pàng về Sài Gòn chữa trị. Chị Phương nói: “Từ lúc đưa Pàng về, tôi đã đưa con thực hiện nhiều xét nghiệm để phát hiện ra bệnh. Pàng giờ giống như bộ máy đang bị hư hỏng, gia đình phải sửa chữa lại từng chút một”.

Ngày 22/1: Pàng xuất viện, về với Ba Mẹ, Jerry và Retty. Kết thúc những chuỗi ngày đau đớn với các căn bệnh trong nội tạng của con, chúc con khoẻ mạnh nhé… Cô gái kiên cường của mẹ.

Ngày 2/2: Con đã cắt chỉ vết mổ và vết thương con cũng đã lành. Sẵn sàng cho quá trình tìm lại đôi chân rồi nhé các bác sĩ ơi!

Ngày 6/2: Mẹ hy vọng sau này Pàng sẽ trở thành người tốt giúp ích cho xã hội để không phụ lòng mọi người đã giúp đỡ con nhé! Thương con.

Ngày 9/2: Hôm nay, Pàng được nẹp chân để tập đi rồi nhé cô chú ơi! Cố lên cố lên nha con.

Ngày 26/2: Cần lắm cho em đi học gấp. Nay em quậy quá rồi, ngủ trên giường tối lăn tùm lum té xuống u đầu luôn. Hai em kia đi học mình em ở nhà quậy, kêu tới là mặt em lúc nào cũng hồn nhiên.

Ngày 1/3: Sau 2 tháng, Pàng tập đi những bước đi đầu đời của con.

Chị Phương đăng lại những dòng nhật ký mỗi ngày trên trang facebook như thế!

Vài tháng sau, khi xem lại đoạn clip ngắn ngủi chị chia sẻ, tôi đã không khỏi ngạc nhiên. Bởi đứa trẻ trần truồng trong mùa đông lạnh lẽo năm nào đã hoàn toàn biến mất. Giờ đây, tôi chỉ thấy một cô bé xinh xắn với nước da trắng hồng, đôi mắt trong veo… đang bận chiếc váy hồng, bước từng bước đầu tiên chập chững cùng chiếc xe đẩy hỗ trợ. Phía trước, chị Phương không ngừng cổ vũ, gọi tên con: “con có mệt không?”, “con có mệt không?”… ngọt lành!

Một năm trời dài dằng dặc, thế nhưng cuối cùng hành trình giải cứu Pàng cũng có cái kết đẹp. Đó là kết quả xứng đáng cho tất cả sự hy sinh của mẹ Phương, nghị lực phi thường của cô bé, và còn của hàng triệu trái tim vẫn dõi theo cô bé lớn từng ngày.

Giờ đây, vì hoàn cảnh mẹ đột ngột qua đời để lại những đứa con cho người bà đã quá 80 tuổi, nên chị Phương quyết định sẽ nhận nuôi Pàng đến năm 18 tuổi. Chị cũng đã đưa Pàng đến Trung tâm Phục hồi chức năng và Trợ giúp trẻ tàn tật (Quận 3), để tập vật lý trị liệu và học chữ.

Ở cuộc sống mới này, cô bé đã có thể vui đùa cùng các bạn, cùng những người anh chị mới, ba mẹ mới đầy yêu thương của mình.

Cổ tích đời thường - những số phận đổi thay nhờ sự giúp đỡ từ cộng đồng mạng

“Tình cờ tôi ra Hà Nội đi học và đủ duyên để gặp và giúp đỡ cho ông cụ già không có gia đình người thân. Tôi đã khóc khi nhìn thấy ông, càng nghĩ ngay về bản thân mình sau này khi già đi, không có vợ, không có con cái bên cạnh, rồi mất một chân, nằm một chỗ với đống phân nước tiểu ấy.

Hai đêm rồi, tôi nằm buồn và khóc rất nhiều. Cảm giác giống như lúc vừa bị cưa chân được đẩy ra khỏi phòng mổ, tối tăm không biết đi đâu,về đâu và làm gì sống.” - Lưu Nguyễn.

Ngày 5/11, facebook Lưu Nguyễn đã đăng tải những tấm ảnh về một cụ già sống cô độc trong căn nhà hoang trên trang cá nhân. Điều khiến mọi người không khỏi xót xa là bởi khung cảnh tang hoang, dơ bẩn nơi cụ nằm ngủ.

Theo đó, Lưu cũng kể lại: Trong thời gian, anh chuyển ra Vĩnh Phúc học nghề, ở bên vách nhà chị chủ có căn nhà hoang hay bốc mùi hôi. Hỏi ra, Lưu mới biết có một ông lão mất vợ hơn 4 năm nay đang sinh sống.

“Nước tiểu, rồi phân đen đặc dưới sàn nhà, trên giường thì bánh mỳ bị cắn nham nhở, hòa lẫn với phân mèo. Cụ ông còn vuốt một con mèo, gọi vợ và đám còn lại là con…”.

Hình ảnh ông lão nằm co ro giữa đống rác thải đã ám ảnh Lưu mỗi đêm. Và từ đó, cậu quyết định sang nhà ông và bắt đầu phụ giúp, dọn dẹp rồi tắm táp, lau chùi cho ông lão sạch sẽ. “Tính đến hôm nay, ra đây học nghề được 11 ngày thì mình đã chăm sóc ông cụ tròn một tuần. Sáng nào mình cũng cài đồng hồ 7 giờ rưỡi để qua nhà ông. Vì cũng từng chăm ông nội già ở nhà, nên mình thấy mấy mùi hôi thối đó cũng quen rồi. Vậy mà, có nhiều bữa không ăn sáng là làm về mình khỏi ăn luôn…” - Lưu cười.

Câu chuyện đã mau lấy đi nước mắt của người đọc. Nhưng sau đó, mọi người lại càng lặng người đi khi biết được hoàn cảnh đáng thương của Lưu.

Cách đây 2 năm, trên đường đi làm về, Lưu gặp tai nạn giao thông. Đến khi vào bệnh viện thì đã bắt buộc phải cắt bỏ chân. Ở độ tuổi 23, từ một người trẻ đang có cuộc sống tươi đẹp, Lưu phải mất một chân vĩnh viễn. Cuộc đời chính thức rẽ sang bước ngoặc mới, đau đớn khôn cùng. “Lúc nghe bác sĩ bảo cắt bỏ chân, đã chuẩn bị sẵn tâm lý rồi, nhưng lúc đẩy ra tới phòng hồi sức, mình vẫn bật khóc nức nở”.

Nhưng rồi, nhìn thấy ba mẹ đau khổ, càng nghĩ rằng dù có u sầu đến mấy thì cái chân cũng chẳng lành lại, Lưu lại tự mình đứng lên lần nữa. “Mình chưa từng trách ông trời sao bất công, mình chỉ xem là chuyện xảy ra thì coi như cái nghiệp phải chịu. Mình nhớ mãi lời mẹ nói: Con cố gắng đi, cuộc đời còn mấy nhiêu năm nữa đâu, cứ cứ vui vẻ sống, ba mẹ không cần con chăm sóc khi về già đâu…”.

Cứ thế, trong cảnh ngặt nghèo nhất, chàng trai tàn tật tưởng chừng chỉ biết lo cho vết thương cuộc đời mình. Vậy mà, Lưu vẫn sẵn sàng chìa đôi bàn tay lành còn lại để giúp đỡ ông lão xa lạ. Câu chuyện đẹp như cổ tích, mấy ai có thể đã mảy may xảy ra như thế.

Giờ đây, nhận được một số tiền nhỏ từ mọi người quyên góp, Lưu đã xây lại căn nhà, lắp được chiếc bàn thờ cho người vợ quá cố của ông lão,… Nụ cười ông lại nở tươi trên khuôn mặt già nua.

Thôi thì ông trời cũng lắm công bằng, không bao giờ lấy đi của ai hết tất cả. Mất đi một chân, nhưng bù lại Lưu đã có thêm được vô vàn nghị lực sống, sự an yên sống, và tình yêu vô bờ bến với mọi người… Những giá trị tinh thần ấy thì không gì có thể bẻ gãy hay xô đổ được cả.

Bài viết

Huy Hậu

Copy Link
Chia sẻ
Cuộn xuống để đọc tiếp Đọc
tiếp