Cùng với những biến động của thời cuộc, chỉ trong vòng 1 thế kỷ, ngày tết Trung thu của Việt Nam dường như đang dần mất đi ý nghĩa và vị trí vốn có.
Giữa cái tất bật và hối hả của nhịp sống công nghiệp, khi người lớn đang mải miết với trăm ngàn thứ công việc còn trẻ con thì ngụp lặn trong hàng tá bài vở ở trường, thì dường như, ngày Tết Trung thu đang dần đánh mất đi vị trí vốn có của mình. Trong tâm trí của những người thuộc thế hệ 8X 9X trở về trước, khi mà tuổi thơ của họ còn chưa bị bủa vây bởi công nghệ số và sự dư thừa của vật chất, Tết Trung thu là một cái gì đó thật đẹp, thật ý nghĩa. Ắt hẳn chúng ta, những người lớn của hôm nay, vẫn còn có thể mường tượng lại được phần nào về tuổi thơ của mình. Khoảng thời gian đó, đôi khi chỉ với những chiếc đèn lồng tự chế từ những chiếc vỏ lon cũ, vài ba mẩu nến thừa hay một ít bánh trái gom góp lại với nhau, những đứa trẻ đã có thể tận hưởng trọn vẹn một cái Tết Trung thu với đầy đủ ý nghĩa và niềm vui.
Hãy cùng một lần đi ngược dòng thời gian về lại “hồi xưa” ấy, cái thời mà người ta ra đường không cắm cúi vào chiếc smartphone, hay đến những nơi chốn vui chơi không chỉ để check - in, tự sướng để thấy ngày Tết Trung thu đã thay đổi đến thế nào.
Đây là Hà Nội vào năm 1930. Ở bên vệ đường trong khu 36 phố phường, những người lớn đang làm ra những chiếc đèn lồng với kích thước to hơn những chiếc đèn lồng bình thường để sau đó, những đứa trẻ sẽ tổ chức một buổi rước đèn đi khắp các khu phố vào đúng đêm Trung thu.
Một cửa hàng bán đồ chơi bằng giấy trong mùa Trung thu trên phố Hàng Mã vào khoảng những năm 1915. Chúng ta có thể thấy, những món đồ chơi Trung thu ở đây được chăm chút tỉ mỉ đến từng chi tiết. Và chỉ với chất liệu tre, giấy, những người thợ vẫn có thể tạo ra những mẫu đồ chơi phong phú không kém ngày nay.
Cũng vào thời bấy giờ, nhiều gia đình khá giả thường bày những mâm cỗ Trung thu rất “hoành tráng”. Bên cạnh ý nghĩa đem niềm vui đến cho con trẻ, việc bày biện mâm cỗ Trung thu còn là cơ hội để những bà nội trợ khoe độ khéo léo và “nội công” của mình trong việc nữ công gia chánh. Những mâm cỗ Trung thu, ngoài trưng bày bánh trái, hoa quả còn có những con búp bê giấy mô phỏng những nhân vật trong xã hội như: tiến sĩ, trạng nguyên, tiểu thư, người kéo xe,… hoặc các con thú. Kiểu bày biện này có hình thức gần giống như lễ hội búp bê Hina Matsuri của Nhật Bản bây giờ.
Năm 1969, tại Sài Gòn đã diễn ra một lễ diễu hành Trung thu rất lớn tại công viên Tao Đàn. Những trẻ em thuộc các trường học, hội đoàn được khuyến khích sáng tạo ra những mô hình đèn lồng và tham gia vào cuộc diễu hành này. Buổi diễu hành này còn có cả sự tham gia của các quan chức trong chính quyền Sài Gòn.
Một cửa hàng bán bánh Trung thu tại Sài Gòn còn có kiểu trang trí khá lạ mắt với hình ảnh các phi hành gia bay vào vũ trụ. Vào thời này, tuy hai miền Nam Bắc vẫn đang chia cắt và giữa tình trạng chiến tranh leo thang, Tết Trung thu vẫn được người lớn tổ chức một cách rất chu đáo cho con em của mình.
Ngay ở miền Bắc, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, khi người dân Thủ đô phải đi sơ tán về những vùng nông thôn để tránh bom đạn, nhưng những buổi vui Trung thu dù đơn sơ vẫn được cố gắng tổ chức để trẻ em có cơ hội được vui chơi.
Có thể chỉ là một chiếc đèn ông sao bằng giấy đơn giản thôi nhưng với những cô bé này, đó cũng là cả Trung thu rồi.
Những năm 80, 90, khi kinh tế không lấy gì làm khá giả, những món đồ chơi Trung thu cũng không nhiều như bây giờ. Khi người lớn bận rộn cho việc mưu sinh, những đứa trẻ vẫn tự tìm cách tạo ra Trung thu cho chính mình. Bằng việc đi lượm lặt những thanh tre, những mẩu giấy cũ cộng với sự kiên nhẫn là đã có thể tạo nên một món đồ chơi Trung thu tuyệt vời rồi.
Thế hệ 8X, 9X hẳn vẫn còn nhiều người nhớ đến chiếc đèn Trung thu “huyền thoại” này chứ?
“… Mười lăm tháng Tám trời cho. Một ông trăng sáng thật to. Các em thích cười. Muốn lên cung trăng. Cứ hỏi ông Trời cho mượn cái thang.”
Ngày nay khi cuộc sống trở nên sung túc và dư giả hơn, đến dịp Trung thu, những món đồ chơi cho trẻ em cũng được bày bán rất nhiều với mẫu mã vô cùng đa dạng. Ấy vậy mà những đứa trẻ lại dần trở nên hờ hững với chính ngày Tết dành cho mình. Những chiếc đèn lồng giấy dần mất đi chỗ đứng, tiếng trống múa lân cũng không còn rộn ràng trên những hè phố, ngõ hẻm nữa. Tết Trung thu dường như đang dần nhạt nhòa trong tâm trí của con người hiện đại.
Giữa cơn lốc của đồng tiền, ngày Trung thu còn phát sinh ra hàng loạt vấn đề hiểm nguy: đèn lồng nhựa Trung Quốc độc hại, bánh Trung thu chứa hóa chất,… Một dịp vui của những đứa trẻ giờ đây lại trở thành một dịp mà người lớn phải lo lắng, ái ngại.
Đến những khu chợ đèn lồng vào dịp Trung thu, dường như không có bóng dáng của một đứa trẻ nào mà hầu hết lại là những nam thanh nữ tú tìm đến đây để check - in, tự sướng.
Đây đó giữa những góc nhỏ của phố thị, những nghệ nhân làm đèn lồng giấy vẫn ra sức giữ lấy cái nghề có vẻ lạc điệu với thời cuộc. Nhưng theo lời của một nghệ nhân ở xóm đèn lồng Phú Bình, Sài Gòn thì với họ, đây không hẳn chỉ là một nghề để mưu sinh mà còn là mong ước “giữ lại tuổi thơ của biết bao nhiêu đứa trẻ, để nó khỏi trôi đi”. Để rồi sau mỗi mùa Trung thu, chính họ lại không nén nổi tiếng thở dài. Và cứ vậy, khi ngày Rằm tháng Tám qua đi, có không ít người lại hỏi nhau: Liệu Tết Trung thu sẽ còn đến bao giờ?
'Khi vừa mới đăng quang xong, tôi còn non nớt, bỡ ngỡ, thiếu tự tin. Tôi vướng nhiều tranh cãi ở thời điểm đó và cảm thấy áp lực', Thanh Thủy bày tỏ nỗi lòng với SAOstar.
Với “chị đẹp” Dương Hoàng Yến, MV nhạc Tết “Biết ơn điều tuyệt vời chưa nói” chính là cầu nối để cô lần đầu tỏ bày những tâm tư ấp ủ dành cho gia đình sau 2 năm Nam tiến.
'Hành trình kỳ thú Việt Nam & Hàn Quốc 2024' – show truyền hình thực tế dành cho các nhà sáng tạo nội dung Việt Nam và châu Á đã chính thức trở lại Mùa 2 từ ngày 15/11. Ngay lập tức chương trình đã chinh phục được sự yêu mến các khán giả trẻ bởi nhiều điểm ấn tượng độc đáo hơn cả mùa 1.