Sắc màu Cuộc Sống

Có một vị Trung tá như thế: 30 năm chữa bệnh không tiền, ai càng có niềm tin người ấy càng mau khỏe

Định Nguyễn
Chia sẻ

Chữa bệnh miễn phí với tất cả tấm lòng và sự nỗ lực nhưng vị Trung tá quân đội về hưu cũng tin rằng, những ai tìm đến ông, nếu có niềm tin sẽ khỏi bệnh thì chắc chắn, bệnh dữ hóa lành, tình hình sức khỏe sớm được cải thiện.

30 năm sắm vai “từ mẫu” nhưng không bao giờ nhớ tên những “người con”

Ở phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội, người dân vẫn hay gọi bác Đặng Cát (82 tuổi), Trung tá quân đội về hưu là một người có tấm lòng từ mẫu bởi hơn 30 năm qua, chưa ngày nào người đàn ông ấy quên nhiệm vụ chữa bệnh miễn phí.

Trong căn nhà rộng khoảng 15m2 ở ngõ 416 Lạc Long Quân, quận Tây Hồ, tất cả bệnh nhân đến từ mọi miền tổ quốc đều được bác Cát chào đón. Chưa bao giờ bác Cát nói một chữ không với bất cứ ai. Cho dù họ giàu nghèo hay sang hèn… tất cả đều không còn quan trọng nữa. Chỉ cần có bệnh và ai đó đã tìm đến gõ cửa nhà bác Cát thì người ấy đã được bác Cát coi là bệnh nhân của mình và một cách rất tự nhiên, bác Cát đã lĩnh trên vai trách nhiệm phải săn sóc cho họ.

Cả một đời sống vất vả, khi về già, gian nhà của vợ chồng bác Cát cũng chỉ chông chênh với nắng mưa, nhỏ bé và đơn sơ nhưng chưa khi nào, bác Cát nghĩ chuyện thu tiền chữa bệnh để làm giàu. Bác hay nói vui, món tài sản lớn nhất mà bác có chính là niềm vui tinh thần mỗi lần thấy có bệnh nhân nào đó được mình tận tình chữa khỏi.

Suốt 30 năm qua bác sĩ Đặng Cát đã cứu chữa miễn phí cho hàng nghìn người bệnh.

“Tôi nhớ một lần bệnh nhân ở Quảng Bình bị u gan phải cắt bỏ 1 thuỳ gan nhưng bệnh sau đó lại tái phát. Khi đến đây tôi kê thuốc tây trị tận gốc sau đó kết hợp với thuốc nam để tiêu viêm, giải độc bệnh tình giờ đã tốt hơn rất nhiều”, bác Cát nhớ lại kể.

Nói đến đây, bác Cát chợt bật cười. Nghĩ lại những câu chuyện cũ, bác bảo 30 năm qua, chính bác đã chữa khỏi cho hàng nghìn người thế nhưng trong số họ, bác chẳng còn nhớ mặt được mấy ai.

“Có khi họ nhớ mình mà mình thì đã quên rồi. Cái nghề này nó thế, nghề gửi tấm lòng vào trong đó để gió cuốn đi. Chuyện giúp người nhớ thì có để làm gì đâu”. Bác Cát bảo, từ khi hành nghề Y vì cái tâm thiện như thế, bác thấy cuộc sống của mình vui vẻ, lạc quan hơn rất nhiều. Vợ chồng bác tuy không giàu có về vật chất nhưng rất giàu giá trị tinh thần - thứ mà dù có tiền người ta cũng chưa chắc đã mua được.

Hình ảnh bác sĩ Cát đang thăm khám cho người bệnh. Ảnh Infonet

Nói về cơ duyên trở thành từ mẫu trong lòng hàng nghìn người, bác Cát kể rằng có lẽ đó là một căn duyên rất nặng và sâu xa. “Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống nhiều đời làm nghề y tại tỉnh Nam Định. Đó chắc là cái duyên lớn nhất”.

Bác Cát kể tiếp rằng lớn lên, năm 1952, bác Cát lên đường nhập ngũ và được phân công làm y tá cho Đội Điều trị 2 của Cục Quân y rồi đi làm ở nhiều nơi như Nghệ An, Quảng Bình… Tại đơn vị, với kiến thức Y học tích lũy, bác Cát đã trị khỏi cho nhiều người. Đến năm 1969, bác Cát quay về Hà Nội học tại Học viện Quân y. Sau khi ra trường bác Cát lên Tây Bắc làm Chủ nhiệm quân y của Công an vũ trang Sơn La.

Với mong muốn chữa khỏi những bệnh khó với chi phí rẻ nhất cho người dân, bác Cát đã không ngừng nghiên cứu, tìm tòi những phương cách mới. Công tác tại vùng núi Sơn La, bác Cát đã mày mò ra nhiều bài thuốc Nam kết hợp với Tây y khiến việc điều trị bệnh rất hiệu quả. Hai đề tài y học là tẩy sán dây bằng rễ cây hạt lựu và hạt cau; Chữa bệnh cổ vai gáy và cột sống lưng được bác nghiên cứu và ứng dụng điều trị thành công trên người bệnh.

Ông Cát cho biết, việc làm của bản thân xuất phát từ cái tâm với mọi người.

“Tôi công tác ở quân đội cho đến năm 1989 mới về hưu với quân hàm Trung tá. Đáng ra về hưu rồi thì người ta sẽ nghỉ ngơi nhưng với tôi hình như cái nghề nó là cái nghiệp nên mình không dứt được. Thấy bà con lối xóm bị ốm, tốn kém tiền của chữa bệnh chưa đúng chỗ mình lại không cầm nổi lòng, lại phải đứng ra lo lắng săn sóc cho họ. Họ đưa tiền mình không lấy và thế là cái việc chữa bệnh miễn phí nó ra đời vậy đó”, bác Cát cười.

Chữa bệnh nhiều, thành công cũng nhiều nhưng chưa bao giờ bác Cát tự mãn. Nói về câu chuyện 30 năm qua đã làm, bác chỉ cười và nói “có gì đâu, việc nên làm thì phải làm thôi”.

Cái việc nên làm mà bác Cát nói, nếu không làm đâu có ai bắt bẻ nổi vậy mà 30 năm qua, bác luôn xem đó là trách nhiệm lớn lao. Kể về việc chữa bệnh, bác Cát thậm chí còn nói việc chữa khỏi có sự đóng góp quan trọng của bệnh nhân: “Ai tìm đến tôi mà có lòng tin chữa khỏi thì bệnh tình sẽ sớm khỏi, hồi phục”.

Vợ con nhiều lần khuyên nghỉ ngơi nhưng người bệnh vẫn cứ đến nên không từ chối được

Năm 2017, bác Cát được Chủ tịch TP Hà Nội tặng bằng khen là 1 trong 10 công dân ưu tú của thủ đô. Tiếng lành đồn xa, người bệnh tìm đến nhà bác xin chữa giùm rất đông. Ngoài người nam, kẻ bắc, có bệnh nhân là Việt kiều nước ngoài cũng tìm đến nhờ cậy. Dù tuổi cao, sức yếu nhưng thương người bệnh lặn lội xa xôi vất vả, thân thể bị bệnh tật dày vò, bác Cát chưa nỡ từ chối ai bao giờ.

“Vợ con cứ thương tôi vất vả bảo tôi nghỉ đi, đừng có mải lo chuyện bao đồng nhưng mình kệ làm sao nổi. Người ta tin mình họ mới đến nhờ. Trong lúc họ bị bệnh nguy nan, thiếu nơi nhờ cậy mà mình bỏ họ thì sao đành”.

Ông Đặng Cát đang chữa bệnh cho bệnh nhân tại nhà. Ảnh CAND

Bác Cát bảo đối với tất cả bệnh nhân, bác luôn dốc sức hết mình điều trị. Tuy nhiên, việc chữa khỏi hay không, nhanh hay chậm còn phục thuộc vào bệnh nhân như tình trạng bệnh, tinh thần, chế độ ăn uống.

“Tôi chữa bệnh theo khả năng và nghiên cứu của mình. Ai đến đây tôi cũng cố gắng hêt sức và phải nói là thành công nhiều.

Tôi có người cháu bị khối u máu trên đầu, đi viện chữa 5 lần không khỏi, về tôi điều trị cho thời gian đã khỏi và giờ béo tốt hơn so với trước đây, đợt Tết vừa gặp lại tỏ ra rất phấn khởi”, ông Cát cười nói.

Chia sẻ

Bài viết

Định Nguyễn

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất