Có một Trung thu cổ tích giữa Sài Gòn: Nơi con nít cùng bố mẹ tập làm lồng đèn, đúc bánh, múa lân và rước đèn khắp hẻm nhỏ

Có một Trung thu cổ tích giữa Sài Gòn: Nơi con nít cùng bố mẹ tập làm lồng đèn, đúc bánh, múa lân và rước đèn khắp hẻm nhỏ

Logo Saostar - Special special

Có một Trung thu cổ tích giữa Sài Gòn: Nơi con nít cùng bố mẹ tập làm lồng đèn, đúc bánh, múa lân và rước đèn khắp hẻm nhỏ

Copy Link
Chia sẻ

Ngày xửa ngày xưa, vào đêm Rằm tháng 8, ông Trăng tròn nảy ra ý định lẻn trốn Ngọc Hoàng đi dạo chơi. Ông lang thang khắp dải ngân hà xa xôi, đến khi trở về thì quên mất đường.

Chợt ông thấy nhiều thứ ánh sáng lấp lánh xa xôi gọi mời. Ông bèn đi theo, rồi tình cờ lạc xuống tận trần gian. Giữa mùa thu, lúa vừa gặt xong, tụi con nít quê nghèo cầm lồng đèn ra đồng hát ca. Chúng đi đến đâu, cái quầng ánh sáng lấp lánh lại chiếu tỏ đến đó. Ông Trăng thấy thế nên vui quá mà nán lại chơi thêm.

Kể từ đó, cứ mỗi độ Rằm tháng 8, ông lại lẻn xuống trần gian chơi cùng tụi nhỏ. Thế nên, sau này, tháng nào con nít thấy ông Trăng tròn nhất, sáng nhất, tỏ nhất, chúng lại vui mừng, đốt nhiều lồng đèn hơn để mời gọi ông xuống chơi.

Con lân đỏ, mâm bánh trắng, lồng đèn lon sữa bò,… và mùa Trung thu xưa cũ của tụi con nít Sài Gòn

Chợt ngày nọ, ở Sài Gòn dựng thêm bao nhiêu là nhà cửa cao tầng, đèn điện sáng choang, ông Trăng đi tìm hoài vẫn không thấy ánh sáng của chiếc lồng đèn ngày xưa đâu nữa. Ông buồn lắm! Lâu lâu mới chịu bay xuống trần gian tí tẹo rồi lại bay về.

Nghe được câu chuyện của ông Trăng, “Nhà của thời thơ ấu” bèn nghĩ cách cùng bố mẹ và tụi con nít Sài Gòn đốt lồng đèn kêu gọi ông Trăng. Vậy là, mỗi đêm Rằm tháng 8, con hẻm nhỏ “Nhà của thời thơ ấu” lại sáng rực ánh nến, tụi nhỏ lon ton cùng nhau đi rước đèn đón trăng. Không khí nô nức lâu lắm rồi mới quay trở lại con hẻm.

Chị Hương (30 tuổi, vị chủ “Nhà của thời thơ ấu”) kể rằng: “Vì chị muốn Trung thu trở nên tròn vẹn hơn nên đã tạo ra lễ hội này. Đây là dịp để trẻ con thành phố có thời gian quây quần bên bố mẹ, cùng nhau tạo ra những trò chơi tuổi thơ”.

Như thế, cứ mỗi dịp Trung thu về, “Nhà của thời thơ ấu” lại trang hoàng thêm chiếc lồng đèn giấy, con lân đỏ, mâm cỗ đầy… Và chờ trăng lên cao, lại đánh tiếng trồng giòn giã mời gọi tụi con nít đến chung vui.

Tụi con trai thì thích cùng bố chế tạo lồng đèn lon sữa bò. Tụi con gái khéo tay hơn thì ngồi tỉ mẩn đúc bánh, thắt từng chiếc lá dừa thành hình con bướm, bông hoa, cào cào… Rồi cả nhà tụm năm tụm bảy vót cọng tre, dán tờ giấy kiếng làm thêm chiếc lồng đèn ông sao nữa.

Xong xuôi tất cả thì cũng là lúc bản nhạc “tùng dinh dinh… tùng tùng dinh dinh…” đã vang lên. Tụi nhỏ lại ngồi xổm dưới đất, hào hứng chờ xem kịch, nghe nhạc.

Chơi đã đời thì ông Trăng đã lên cao! Đứa lớn cầm cái lồng đèn, đứa nhỏ nắm tay cha mẹ lon ton theo chân nhau đi rước đèn. Ông Trăng nhìn thấy ánh sáng diệu kỳ lạ phát ra, ông vui vẻ bay xuống, vui đùa cùng tụi nhỏ. Ánh trăng cứ thế, dát vàng khắp con hẻm một màu lung linh và bình dị.

Bao nhiêu ký ức của một thời xưa cũ bỗng chốc ùa về! Tụi con nít vui mừng khi lần đầu chơi Trung thu. Còn người lớn thì lại được dịp để bịn rịn, nhớ nhớ thương thương hoài cái thời đã qua.

Trung thu là giây phút có bố-có mẹ-có con, và chúng ta quây quần bên nhau…

Chị Hương chia sẻ rằng: chị cũng đã từng có những ngày tháng tuổi thơ rất đẹp. Đó là ký ức về những đêm trăng Rằm, ngoại cùng mẹ và các dì chuẩn bị mâm cỗ đầy trước sân để cả nhà quây quần bên nhau. Người lớn thường hay ngồi uống trà, nhâm nhi bánh nướng, trong khi tụi con nít thích cầm lồng đèn chạy nhảy vui đùa.

Thế nhưng, sau này, giá trị cuộc sống đổi thay đã làm phai nhạt dần những lễ hội truyền thống. Chị Hương vẫn mãi tiếc nuối về hương vị của mùa trăng xưa ấy. Và “Nhà của thời thơ ấu” ra đời, là nơi để mọi người đến chung vui, cùng chị Hương tạo nên mùa Trung thu ý nghĩa cho tuổi thơ.

“Chị muốn mọi đứa trẻ đều biết được ý nghĩa của Tết Trung thu rằng: nó là tết thiếu nhi, là hạnh phúc của tuổi thơ, là cả nhà được sống trong cái không gian ấm cúng gia đình. Chứ Trung thu không phải là những chiếc lồng đèn pin, phố phương xa hoa, nhộn nhịp ngoài kia…” - chị Hương chia sẻ.

Trung thu ở “Nhà của thời thơ ấu” không có bất cứ công viên sắc màu, lễ hội trang hoàng, phố phường nhộn nhịp nào. Trung thu của “Nhà” chỉ là những giây phút ấm áp khi người lớn cạnh kề con trẻ, tập làm những món quà cũ xưa. Tụi con nít bên khuôn bánh, tập đúc từng chiếc bánh phục linh, bên mớ giấy kiếng xanh đỏ, tập làm chiếc lồng đèn ngôi sao, và tiếng cười không ngớt trong trận kéo co, nhảy bao, ú tìm…

Và rồi người ta chợt nhận ra: Trung thu có đâu xa vời. Trung thu ở trong con hẻm nhỏ xíu xiu. Trung thu đến lúc ông Trăng tròn vành vạnh, vừa dát vàng thân hình bé nhỏ của tụi con nít. Trung thu là chiếc bánh nướng, là mâm cỗ đầy, là con lân đỏ, là chiếc lồng đèn giấy… và là tuổi thơ năm nào bất chợt ùa về. Vẫn cũ. Vẫn xưa.

“Nhà của thời thơ ấu” ơi! Trung thu là Tết đoàn viên đấy thôi…

(Ảnh: NVCC)

Bài viết

Huy Hậu

Copy Link
Chia sẻ
Cuộn xuống để đọc tiếp Đọc
tiếp