Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Cô giáo luyện chữ đẹp ở Hà Nội: 'Có thời điểm nhắm mắt vào chỉ thấy chữ, mở mắt ra chỉ nghĩ đến học sinh'

Người ta vẫn thường nói về nghề giáo là nghề không trồng cây vào đất, nhưng lại nở cho đời muôn vạn đóa hoa thơm. Tuy không phải là giáo viên chính thức ở trường nào, nhưng chị Bùi Hải Thanh đã ươm trồng thành công không biết bao lứa học trò xứng danh “nét chữ, nết người.”

Dù không tốt nghiệp trường sư phạm, cũng chưa bao giờ nghĩ sẽ có ngày mình lại theo đuổi nghề giáo nhưng chị Bùi Hải Thanh (Quán Thánh, Hà Nội) đã rất tình cờ trở thành cô giáo dạy viết chữ đẹp nức tiếng gần xa.

29 tuổi, đã kết hôn và có một bé trai kháu khỉnh, công việc chính của chị Thanh là cán bộ công tác tại Điện ảnh Quân đội Nhân dân Việt Nam. Thế nên cô giáo Thanh chỉ có thể đứng lớp vào tất cả các buổi tối trong tuần. Người đến theo học luyện chữ đẹp của cô Thanh rất đông, có đủ tầng lớp, trình độ: các em mẫu giáo, học sinh, sinh viên, người đi làm và thậm chí là cả những bác đã về hưu. Cứ mỗi dịp hè, lớp học của cô Thanh lại đón thêm những bạn đến từ các tỉnh thành trên khắp cả nước như Vĩnh Phúc, Bắc Ninh rồi cả học sinh từ TP. HCM cũng bay ra Hà Nội để cô Thanh rèn chữ đẹp.

Cô giáo dạy chữ đẹp Bùi Hải Thanh nức tiếng gần xa.

Nhân dịp 20-11, chúng tôi có cuộc trò chuyện với cô giáo Thanhd để nghe cô chia sẻ về công việc của mình.

Xin chào chị Thanh! Được biết chị không có chủ ý theo nghề làm giáo viên nhưng giờ đây, công việc này đang là một “cánh tay trái” của chị bên cạnh nghề chính làm ở Điện ảnh Quân đội Nhân dân Việt Nam. Không biết lý do nào khiến chị lại yêu thích công việc rèn chữ đẹp cho mọi người đến vậy?

Ngày trước, bố là người rèn cho mình viết chữ đẹp từ bé. Lớn rồi, mình vẫn duy trì thói quen luyện chữ nhưng chỉ nghĩ, viết chữ đẹp cho vui thôi chứ không định biến nó thành một nghề. Tình cờ, một người quen thấy mình viết chữ đẹp, đã nhờ mình kèm cặp cho con của họ. Nghề giáo viên của mình cũng bắt đầu từ đó. Sau này, cứ người này truyền tai người kia kéo đến học và mình “lún” sâu hơn vào con đường này một cách rất tự nhiên như thế.

Nhưng bây giờ chắc cũng có nhiều chỗ dạy viết chữ đẹp lắm! Chị nghĩ đâu là lý do khiến mình được nhiều người tin tưởng đến vậy?

Mình nghĩ chắc vì cái tâm của mình đối với nghề. Mình muốn mọi người hiểu rằng viết chữ đẹp cũng là một bộ môn, chỉ cần học đúng phương pháp ai cũng có thể viết đẹp.

Cách đây 6 năm, mình tự nghiên cứu ra “bộ nguyên tắc” để dạy môn luyện chữ đẹp, có thể coi là bí quyết để có thể viết đẹp những nhóm chữ khó. “Bộ nguyên tắc” này cũng giúp mình giải thích những thắc mắc ban đầu của bản thân: tại sao cùng học chữ, có người viết đẹp như in, có người lại viết xấu vô cùng, tại sao có những người viết nhanh vẫn đẹp, trong khi đó có những người nắn nót mãi vẫn xấu.

Làm 1 lúc 2 việc, rồi lại chăm sóc gia đình, có lúc nào chị cảm thấy mệt mỏi vì công việc “tay trái” hay chưa?

Ai làm giáo viên mới hiểu hết những thiệt thòi của nghề. Dù cố gắng bao nhiêu vẫn phải nhận về mình rất nhiều chê trách.

Có lúc mình cũng buồn khi phải đánh đổi rất nhiều thứ vì công việc này. Mà cái quý nhất chính là thời gian, sức khỏe. Nhưng rồi tình yêu nghề, tình cảm của học sinh đã giúp mình vượt qua. Nhìn thấy mọi người hạnh phúc với nét chữ đẹp sau một thời gian theo học, mình lại thấy hạnh phúc hơn bao giờ hết. Đó cũng chính là động lực giúp mình cố gắng mỗi ngày.

Mình luôn cố gắng hết sức để học sinh đạt kết quả tốt nhất. Tuy nhiên, không phải cứ muốn là được, gần 2.000 học sinh với chỉ một cánh tay viết, một mình mình đứng lớp dạy trong suốt gần 6 năm, để đạt được kết quả 100% học viên trên 18 tuổi viết đẹp như in… là một sự cố gắng rất lớn.

Các học sinh của cô giáo Thanh tiến bộ rõ rệt chỉ sau vài buổi học.

6 năm theo nghề, chắc chị có nhiều kỷ niệm đáng nhớ với học sinh?

Có một kỷ niệm mình nhớ mãi. Đấy là có 2 bố con trên đường đến nhà mình học thì bị ngã xe, về nhà ai cũng trách rằng sao chỗ gần không học lại đi xa để xảy ra tai nạn. Mẹ bạn học sinh gọi điện cho mình, khóc rất nhiều. Chị bảo chị cũng cho con đi học nhiều nơi mà không rèn được chữ đẹp. Chị chỉ muốn con viết tốt hơn, đi học không bị bạn bè chê cười nữa, nếu con cứ tự ti chỉ vì chữ xấu thì đó là điều không đáng chút nào.

Nghe chị tâm sự như vậy, mình rất cảm thông và cố gắng dạy thêm giờ để con có kết quả tốt. Về sau, bạn nam ấy viết khá đẹp. Không chỉ bố mẹ bạn ấy vui mừng mà chính mình cũng rất tự hào vì đã giúp được bé phần nào thoát khỏi việc bị bạn bè chê cười, tự tin hơn mỗi lần đến lớp.


Không học ngành sư phạm, khi trở thành “cô giáo bất đắc dĩ”, chị có gặp khó khăn gì không?

Khó khăn cũng nhiều vì hồi mới đi dạy, mình không có gì ngoài lòng nhiệt huyết. Nhưng mình nghĩ đó cũng là một may mắn bởi vì dù có giỏi cách mấy mà không tận tâm với nghề thì cũng phỏng có ích gì.

Có những thời điểm mình nhắm mắt vào chỉ thấy chữ, mở mắt ra chỉ nghĩ đến học sinh vì mỗi em lại có khả năng riêng. Nhận sự tin cậy của phụ huynh, mình cũng rất áp lực khi không muốn phụ lòng họ. Mình không ngại dạy thêm giờ, không lấy tiền học phí nếu các con học không hiệu quả.

Theo mình, kỹ năng sư phạm chỉ là một phần, quan trọng nhất vẫn là cái tâm, cái tình của người giáo viên đối với học sinh của mình.

Ảnh chụp kỷ niệm bên các học sinh của lớp luyện chữ đẹp cô Thanh.

Chị có dự định gì cho các lớp luyện chữ trong tương lai không?

Mình không muốn mở rộng quy mô lớp học trở thành một trung tâm với nhiều cơ sở, mà chỉ muốn mở lớp học do chính mình dạy và có thể thực hiện được hai tâm niệm: giúp học sinh viết chữ đẹp và giúp các em tự tin hơn, yêu thích học tập hơn.

Mình nghĩ, một lớp học tốt không quan trọng vẻ đẹp đẽ hào nhoáng bên ngoài. Cái quan trọng chính là giá trị mà lớp học ấy tạo ra. Giúp được càng nhiều em học sinh có kết quả tốt, đấy mới là mục đích cuối cùng.

Cảm ơn những chia sẻ của chị!

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Ngọc Vũ

Được quan tâm

Tin mới nhất