“Xin mọi người cho tôi một con đường sống, cho tôi làm lại cuộc đời”
Trong ngày 16/6, trên nhiều diễn đàn cha mẹ và mạng xã hội có chia sẻ đoạn clip ghi lại hình ảnh một cô giáo mầm non đang đút cháo liên tục cho một cháu bé. Trong khi ăn, do cháu bé không kịp nuốt và có làm rơi cháo ra quần, cô giáo đã nhanh tay đẩy ghế cháu bé vào trong góc khuất mà camera không thấy được, sau đó tát xối xả vào mặt cháu rồi kéo ghế cháu trở lại chỗ cũ.
Được biết nơi đã xảy ra vụ việc trên là cơ sở giữ trẻ mầm non tư thục Tuổi Hoa (thuộc khu đô thị mới Tứ Hiệp, xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội) và theo xác minh của địa phương, cơ sở trông giữ trẻ này hoạt động “chui” mà không hề có giấy phép.
Chưa hết, cô giáo bạo hành cháu bé trong clip có tên là Vân Anh lại chính là chủ nhân của cơ sở trông giữ trẻ trái phép này. Còn bé trai là cháu K, 3 tuổi, đã theo học tại lớp mầm non của cô Vân Anh được 3 tháng.
Trước hành vi tát vào mặt, cấu véo và cho cháu K ăn theo kiểu “không kịp nuốt” của cô Vân Anh, nhiều người đã rất bức xúc và phẫn nộ, đặc biệt là những bậc phụ huynh cũng có con nhỏ đang theo học tại các trường mầm non và các cơ sở trông giữ trẻ.
Ngay sau đó, trong tối 16/6, biết hành vi bạo hành cháu K của mình bị đưa lên mạng, cô Vân Anh đã chủ động liên hệ với PV để thẳng thắn thừa nhận hành vi của mình.
Cô nói: “Ngay sau khi báo đăng tải clip, xem lại tôi đã nhận ra mình sai. Ngay lập tức tôi đã gọi điện cho phụ huynh của cháu bé xin lỗi và vợ chồng tôi tìm đến nhà nhưng không gặp bố mẹ cháu. Gia đình tôi ở quê có việc nên tôi phải về nhưng chồng tôi ở lại để gặp gỡ bố mẹ cháu bé và mong họ thông cảm…”.
Nói về nguyên nhân dẫn đến sự việc, cô Vân Anh thừa nhận: “Mấy ngày hôm nay, bản thân tôi có một chút vấn đề về tinh thần. Lúc đó trong lòng tôi có một chút bức xúc vì chuyện riêng. Đúng lúc cháu K nôn trúng vào người thì tôi có hành động… quá tay. Tuy nhiên, lúc đó tôi không ngờ rằng việc làm của mình là sai nên dẫn đến hình ảnh phản cảm như vậy”.
Cô Vân Anh cũng khẳng định đây là lần duy nhất mình có hành vi như vậy. Cô cho biết: “Camera lắp ở lớp là để tôi quản lý các cô giáo nên không có một góc nào khuất. Vì vậy, tôi khẳng định chưa bao giờ tôi như vậy mà đây là lần duy nhất”.
Thừa nhận lỗi lầm của mình, cô Vân Anh cũng bày tỏ: “Tôi thừa nhận việc làm của tôi là sai, sai tôi xin nhận lỗi trước gia đình cháu bé, trước pháp luật và khẳng định sẽ không trốn tránh trách nhiệm. Tôi mong gia đình cháu bé bỏ qua lỗi lầm cho tôi làm lại, mong mọi người hãy cảm cảm thông, cho tôi lời khuyên để tôi có một con đường sống… cho tôi làm làm cuộc đời”.
Mọi người cho cô giáo cơ hội, vậy ai cho cháu bé cơ hội?
Để lý giải về hành vi của mình, cô Vân Anh nói rằng vì tinh thần không ổn định, do có “chút bức xúc vì chuyện riêng”, rất nhiều bậc làm cha mẹ đã phải lên tiếng.
“Người ta đi làm không có thời gian chăm sóc mới phải gửi gắm máu mủ của người ta cho chị, vậy mà chị vì những bức xúc cá nhân riêng của mình lại trút lên con người ta, trong khi người ta cũng đâu có gửi không ở chỗ chị?”, bạn Việt Nguyễn lên tiếng.
“Sinh ra camera để làm gì ạ? Sinh ra camera là để bảo vệ con em chúng tôi khỏi những cô bảo mẫu độc ác như thế này. Chị khẳng định rằng đây là lần đầu tiên chị có hành vi như vậy, nhưng chị cũng biết cách đẩy ghế cháu bé vào góc khuất rồi mới ra tay nhanh thoăn thoắt như thế. Người khác có thể tin chị, nhưng tôi thì không”, Facebook Lan Anh Ngo viết đầy bức xúc.
Phải nói rằng trong thời gian qua, liên tiếp những vụ bạo hành trẻ em tại các cơ sở mầm non tư thục (thậm chí hoạt động không giấy phép) bị phát hiện, khiến cho xã hội bức xúc và những phụ huynh có con em theo học các lớp mầm non, mẫu giáo cũng luôn trong tâm thái “đứng ngồi không yên”.
Việc bạo hành trẻ em trong thời đại này phải nói là việc làm tối kỵ, hoàn toàn bị nghiêm cấm và cần phải xử lý hình sự, dù mức độ vi phạm là nặng hay nhẹ. Lý do là bởi việc bạo hành trước hết làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe thể chất của trẻ, mặt khác còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tâm thần và tác động mạnh tới quá trình hình thành nhân cách của trẻ.
Đôi khi vì phải chịu đòn roi, bạo lực ở trường lớp như một việc “tất nhiên” mà không dám nói với cha mẹ, trẻ có thể thay đổi tính nết, có thể ít nói, hay cáu gắt, hay đánh bạn và thú nuôi, có thể dẫn đến tự kỷ, ngại tiếp xúc với người lớn, thậm chí là tránh cả bố mẹ, ông bà…
Được biết khi chia sẻ với phóng viên, cô Vân Anh còn nói: “Tôi cũng là mẹ, cũng là phụ huynh, tôi hiểu tâm trạng của mọi người khi xem lại đoạn camera như thế nào. Mong phụ huynh và mọi người hãy cho tôi cơ hội làm lại cuộc đời, cơ hội sửa sai lỗi lầm”.
Nhưng cư dân mạng đang đặt câu hỏi ngược lại, nếu cho cô giáo Vân Anh cơ hội thì ai sẽ là người cho cháu K cơ hội để nuốt kịp một miếng cháo mà cô đang nhồi nhét liên tục vào miệng cháu? Ai là người cho cháu cơ hội được bù đắp lại những tổn thất về sức khỏe, tinh thần và những sự lệch lạc trong quá trình hình thành nhân cách cũng như tương lai của cháu sau này, chỉ bởi một chốc “bức xúc vì chuyện riêng” của cô?
Dù gì đi chăng nữa vẫn cần phải suy xét, xử lý một cách thích đáng theo pháp luật để răn đe, đem ra làm gương cho những giáo viên khác.
Trước đó, trao đổi với phóng viên, phụ huynh của cháu K. cũng có nói rằng gia đình rất phẫn nộ, tức giận nhưng không muốn sự việc đi xa hơn. Dù sao cô giáo cũng đã gọi điện cho gia đình để xin lỗi ngay khi sự việc bị phát hiện nên gia đình cũng không muốn đẩy cô giáo vào con đường cùng.
Nhiều người cũng đồng tình cho rằng bố mẹ của cháu K làm như vậy là đúng, bởi dù sao cô giáo cũng đã có lời xin lỗi, cũng không nên làm quá lên làm gì, nên để cho cô giáo một cơ hội được làm lại. Thay vào đó, không chỉ bố mẹ cháu K mà những ông bố bà mẹ có con nhỏ khác nên chủ động tìm đến những ngôi trường thực sự uy tín, có giấy phép hoạt động rõ ràng để gửi con, và phải nhanh chóng lên tiếng ngay khi thấy con em mình có dấu hiệu bị bạo hành, để không bao giờ những chiếc camera có “cơ hội” còn bất kỳ góc khuất nào nữa!