Sáng 30/9, cô giáo Trương Phương Hạnh - giáo viên chủ nhiệm lớp 4/3, Trường Tiểu học Chương Dương (quận 1, TPHCM) - người bị phản ánh xin phụ huynh ủng hộ tiền mua máy tính đã có buổi trao đổi về các vấn đề bị phản ánh gần đây, theo Dân Trí.
Cô Hạnh trần tình bản thân bị mất máy tính ngay tại trường vào năm học 2022-2023 nên trong năm học trước đã không có máy tính sử dụng. Năm học này, lớp có tivi nên cô giáo muốn có máy tính mới để soạn bài và kết nối với tivi để giảng dạy cho các em tốt hơn.
"Máy tính của tôi bị mất ngay trong trường nên tôi nghĩ đến xã hội hóa giáo dục, nhà nước và nhân dân cùng làm. Vì thế, tôi mới xin phụ huynh hỗ trợ tiền. Cô giảng dạy cho học sinh không có máy tính thì tivi cũng nằm không.
Nhưng sau đó, hiệu trưởng đã gọi tôi xuống làm việc và giải thích, chỉ đạo không được nhận tiền hỗ trợ của phụ huynh", cô Phương Hạnh chia sẻ.
Ngay sau khi nhận được sự chỉ đạo từ phía hiệu trưởng, ngày 16/9, ra về thì cô Hạnh đã tạo một cuộc bình chọn trên nhóm zalo của lớp 4/3, để phụ huynh bình chọn đồng ý/không đồng ý hỗ trợ tiền cho giáo viên mua laptop, dẫn nguồn từ Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.
Về lý do tạo cuộc bình chọn này trong phụ huynh, cô Phương Hạnh giải thích, tạo cuộc bình chọn này là cớ để từ chối ý kiến hỗ trợ tiền của phụ huynh, vì đã có người phản ánh lên lãnh đạo trường, thì thế nào cũng có phụ huynh không đồng ý.
Theo cô Phương Hạnh, rất may sau đó kết quả cuộc bình chọn là có 3 phụ huynh không đồng ý, và cô cũng đã quyết định không nhận sự hỗ trợ tiền mua laptop của phụ huynh.
Về nội dung không soạn đề cương ôn tập cho học sinh, cô Phương Hạnh khẳng định rằng, đây không phải là nhiệm vụ của giáo viên nữa, chứ không phải là giận dỗi gì phụ huynh sau việc hỗ trợ tiền mua laptop cho cá nhân.
Cô Phương Hạnh cũng khẳng định, bản thân có tổ chức dạy thêm tiểu học tại một địa điểm thuê gần trường từ ngày 9/9, nhưng việc dạy thêm này cũng đã chấm dứt từ cách đây vài ngày. Cô nhấn mạnh, cô đã sai khi vận động tiền hỗ trợ từ phía phụ huynh để mua laptop cho cá nhân, do không hiểu về các quy định trong việc xã hội hóa giáo dục.