“Tôi đã mất đi tuổi thơ của mình. Tôi chỉ 12 tuổi khi bị bắt cóc ngay trước nhà mình và lúc này, khi gặp lại gia đình sau khi trở về, tôi nhận ra mình đã bỏ lỡ rất nhiều điều”, cô gái giấu tên 22 tuổi nói. “Tôi rất hạnh phúc khi được về nhà, nhưng cũng rất đau buồn cho quãng đời mình đã mất đi”.
Đó là ngày 2/7/2006, khi cô đang chơi bên ngoài ngôi nhà ở Seelampur, New Delhi, thì một phụ nữ tiến tới bắt chuyện.
“Tôi nhớ rõ bộ áo quần mình đã mặc vào ngày hôm đó. Một chiếc váy màu xám và dép xỏ ngón màu hồng”, cô kể. “Tôi đang đi lại chỗ chị gái thì một phụ nữ bước ra khỏi chiếc xe màu trắng và nói chuyện với tôi. Trước khi tôi có thể làm bất cứ điều gì, một người đàn ông nhảy ra khỏi xe, kéo tôi lại, trùm một tấm vải lên mặt khiến tôi bất tỉnh”.
Sau khi biết cô không có mặt ở nhà chị gái, cha mẹ lập tức tìm kiếm cô.
“Tôi lập tức nghĩ tới điều tồi tệ nhất và tìm kiếm con tại các bệnh viện, trạm cảnh sát và đền thờ vì tôi nghĩ có thể một ai đó đã bắt nó đi ăn xin hoặc điều gì đó tương tự”, người mẹ 55 tuổi kể. “Tôi cũng dán thông báo với ảnh của nó ở nhiều nơi nhưng chẳng ích gì”.
Cuối cùng gia đình đành trình báo cảnh sát.
Họ không hề biết con gái đã bị bán cho một nông dân với giá gần 400 USD.
“Cuối cùng khi tôi tỉnh lại, điều đầu tiên tôi nhớ là mình bị nhốt trong một căn phòng với khoảng 20 người khác bao gồm cả các cô gái trẻ và trẻ con”, nạn nhân kể. “Tôi hoảng sợ, la hét kêu cứu. Mọi người đều khóc. Cái gã đã kéo tôi vào xe tát tôi và quát tôi im miệng. Tôi cầu xin được thả về. Sau đó, một người đàn ông nắm tay tôi và nói rằng ông ta sẽ đưa tôi về nhà”.
Cô gái đã cùng người đàn ông lên một chuyến tàu và tin rằng mình đang được về nhà nhưng ông ta đưa cô đến trang trại của mình và bắt cô làm việc.
Chỉ 12 tuổi, cô đã buộc phải làm đủ thứ việc vào ban ngày, vác các bao tải nặng lên xe tải, còn ban đêm thì bị nhiều gã đàn ông thay nhau cưỡng bức.
“Tôi đã bị cưỡng bức liên tục hàng đêm”, cô nhớ lại. “Rất nhiều đàn ông thay nhau hãm hiếp tôi, nếu chống cự, họ sẽ đánh tôi. Cuối cùng, vài gã kề dao vào cổ để cưỡng bức tôi. Tôi sống trong một căn phòng tối bị khóa kín và chỉ được ăn một bữa mỗi ngày”.
Rất khó để có thể nhớ lại các mốc thời gian nhưng cô cho rằng sau 12 tháng, mình bị bán lại cho một người khác và tổng cộng cô đã bị bán khoảng 9 lần trong thời gian ba năm. Ban ngày, cô phải làm việc, còn ban đêm thì bị cưỡng bức.
Năm 2009, cô bị ép kết hôn với một người lái xe tải 50 tuổi tại một ngôi làng ở Punjab, phía bắc Ấn Độ.
“Tôi vẫn chỉ là một đứa trẻ ở tuổi 15 nhưng buộc phải kết hôn với một kẻ nghiện rượu và ma túy ở Punjab”, cô nói. “Chúng tôi có hai đứa con, sau đó ông ta chết vào năm 2011. Rồi bố mẹ chồng bắt đầu hành hạ tôi. Họ thường xuyên đánh đập, còn gã anh rể cùng bạn bè hắn hãm hiếp tôi nhiều lần. Cuối cùng, chị dâu đem con tôi đến sống với cô ta mà không cần sự cho phép của tôi, họ đuổi tôi ra đường”.
Không có tiền, cô phải sống vất vưởng trên phố.
“Tôi lạc đường. Tôi muốn về nhà nhưng lại không có cách nào. Tôi được nhận làm công việc dọn dẹp và được ở trong một căn phòng nhỏ nhưng vẫn chưa tích góp đủ tiền. Đôi khi, tôi đi ăn xin và ngủ trên đường phố. Khi một người đàn ông đề nghị tôi làm việc tại Siliguri ở phía tây Bengal, tôi đã đi nhưng tôi lại bị bán một lần nữa đến một quán bar. Ở đó, tôi gặp một cô gái ở Delhi và đã mở lòng với cô ấy”.
Cô đã kể cho người bạn này tất cả chuyện của mình và được giúp đỡ để lên một chuyến tàu quay về nhà. Đêm 24/7, cuối cùng cô tìm thấy nhà chị gái mình và gõ cửa.
“Khi lên tàu và trong suốt hành trình đến Delhi, tôi luôn quay lại, hy vọng không có ai đuổi theo. Tôi nhớ chỗ chị gái mình. Tôi gõ cửa và khi nhận ra chị ấy, tôi khuỵu xuống”, cô kể, nhưng người chị cả phải mất một lúc mới nhận ra đó là em gái mình và bật khóc.
Ngay lập tức, cô được đưa đến chỗ mẹ. Bà đã ngất đi vì sốc.
“Mẹ nghĩ rằng tôi đã chết”, cô nói. “Bà không thể tin rằng tôi vẫn còn sống. Khi tôi kể cho bà chuyện của tôi, bà đã rất đau khổ. Việc tôi phải trải qua nhiều đau đớn đã khiến tim bà tan nát”.
Mẹ cô làm việc trong một cửa hàng tạp hóa kể từ khi cha cô qua đời vào năm 2008 ở tuổi 45. Bà đã gọi cả 9 người con trở về để chào đón cô.
“Sau khi không nhận được sự giúp đỡ từ cảnh sát, tôi bắt đầu tin con gái mình đã chết. Tôi như đã chết theo. Tôi thậm chí không thể tưởng tượng những gì con gái đã phải trải qua”, bà nói. “Cơ thể của nó đầy các dấu vết tra tấn và vết tàn thuốc lá. Là một người mẹ, tôi không thể chịu được khi nghe thấy bất cứ điều gì tương tự về con mình. Kể cả khi đã về nhà, nó thậm chí vẫn không thể ăn uống đúng nghĩa. Những kẻ đó đã khiến nó không thiết ăn uống. Tôi đã làm món ăn nó thích nhưng nó không hề ăn gì”.
Người mẹ cho hay bà sẽ dành phần đời còn lại của mình để chăm sóc cho con gái.
“Cuộc sống của nó đã bị hủy hoại. Bọn họ đã đánh cắp 10 năm quý giá nhất đời nó. Nó đã không thể sống cuộc sống mà tôi muốn, nhưng tôi sẽ cố gắng hết sức để dành cho con những gì mình có thể”, bà nói.
Vài ngày sau khi trở về, nạn nhân đã tới sở cảnh sát ở Delhi để đòi lại công lý. Cảnh sát đang điều tra vụ việc theo lời khai của cô.
“Mọi người thường nói tôi từng là một đứa trẻ nghịch ngợm nhưng thông minh. Tôi từng mơ ước làm việc cho chính phủ, một công việc tốt và có danh tiếng. Tôi từng có triển vọng nhưng rồi lại mất tất cả. Và tôi cũng mất luôn động lực trong cuộc sống hiện tại. Những kẻ bắt cóc tôi phải bị treo cổ đến chết. Đời tôi thế là hết”, cô nói. “Chúng bắt rất nhiều cô gái và tôi không muốn bất cứ đứa trẻ nào khác bị đánh cắp tuổi thơ giống như tôi. Tôi không muốn có bất cứ nạn nhân nào khác như tôi. Tôi sẽ đấu tranh đòi lại công lý. Giờ tôi không còn gì để mất”.
Cô gái cho biết mình cũng sẽ đòi lại hai đứa con, một 4 tuổi và một 5 tuổi.
Theo báo cáo năm 2015 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), số lượng lao động trẻ em độ tuổi từ 5-17 ở Ấn Độ là 5,7 triệu người trên tổng số 168 triệu lao động toàn thế giới.
Tinku Khanna, giám đốc Quỹ Phụ nữ Toàn cầu Apne Aap, một tổ chức nhằm mục tiêu chấm dứt nạn buôn người, cho biết 80% trẻ em bị buôn bán thuộc cộng đồng Dalit, những người bị xem là tầng lớp dưới đáy xã hội ở Ấn Độ.
Bà cho rằng đó là một thực trạng nghiêm trọng đáng xấu hổ và vẫn gia tăng mỗi ngày, không chỉ với nữ giới mà cả nam giới.
“Buôn bán trẻ em xảy ra chủ yếu nhằm hai mục đích, để sử dụng làm lao động hoặc để bóc lột tình dục. Tuy nhiên, hầu hết trẻ em bị buôn bán đều bị bóc lột tình dục theo cách này hay cách khác”, bà nói.